Gặp gỡ những “vận động viên” trường F từng leo đỉnh Olympia

Gặp gỡ những “vận động viên” trường F từng leo đỉnh Olympia để khám phá trải nghiệm thú vị của các bạn ấy nhé:

Nguyễn Văn Nam – Sinh viên K17:


“…Tình cờ, đến năm lớp 11, trường mình tổ chức tuyển chọn thí sinh đại diện tham gia chương trình, mình đã đăng kí tham gia. May mắn kết quả mình đứng đầu bảng, chỉ hơn người về thứ 2 đúng 1 câu. Lúc này mình vui lắm vì điều ước bấy lâu đã trở thành sự thực mà. Thế là, mình bắt đầu lao vào công cuộc ôn thi và chuẩn bị.

Ngày thi đã đến, mình cũng run lắm! Phần Tăng tốc giúp mình bứt phá lên vị trí dẫn đầu nhưng ở câu hỏi quyết định, mình đã không thể giành quyền trả lời. Vòng nguyệt quế bị tuột khỏi tay một cách thật đáng tiếng.

Sau phần thi ấy mình vừa buồn, vừa mệt nữa, chẳng nói lời nào. Nhưng rồi, mình cũng đã tự nhủ với bản thân: Buồn cũng cần có deadline, không thể buồn mãi thế được, mình còn cả một chặng đường dài phía trước cơ mà nên phải phấn chấn, lấy lại tinh thần và tiếp tục con đường học tập của mình thôi.

Quả thật Olympia đã đem đến cho mình nhiều trải nghiệm đáng nhớ, vui có, buồn có, phấn khích có và hồi hộp đến đau tim cũng có. Được đứng trên sân khấu, tham gia chương trình đã là một niềm tự hào không đâu sánh được với mình rồi. Vậy nên, cứ chill thôi…”

Nguyễn Hữu Quang Nhật – Sinh viên K15:


“…Mình nhớ cảm giác đứng trên sân khấu trả lời từng câu hỏi và thi tài cùng các bạn. Có những vòng mình bị dẫn trước khá sâu, câu hỏi thì khó nhằn nhưng mình luôn thầm cảm ơn vì bản thân đã không bỏ cuộc. Mình đã nỗ lực hết mình để có thể nở nụ cười tươi mà không hối tiếc. Sau này mới thấy, có lẽ những khoảnh khắc được chơi hết mình như thế thật không dễ gì có lại được…

Mình biết sau Olympia sẽ còn cả một chặng đường dài phía trước để phấn đấu. Thế là, mình đã đưa ra một quyết định khá táo bạo, đó là rời Đà Nẵng để “Bắc tiến”, bước ra khỏi vùng an toàn để học tập và trải nghiệm ở môi trường mới. Ở đây, mình học được khá nhiều điều thú vị. Từ cách phối hợp làm việc nhóm, chỉn chu với mọi sản phẩm mà mình làm ra cho đến được thử qua cảm giác bận bịu trong những lần chạy deadline. Tuy ban đầu hơi mệt nhưng thật sự rất là vui.

Bản thân mình rất ấn tượng với câu nói: “Trên con đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Đây giống như là kim chỉ nam, cũng là động lực giúp mình cố gắng học tập và làm việc chăm chỉ qua từng ngày. Có như vậy, chúng ta mới có thể chinh phục được những “đỉnh núi” của riêng mình chứ.”

Nguyễn Thị Lệ Giang – Sinh viên K12


“…Lên cấp 3, mình được chọn đi thi. Ngày nhận được “cuộc gọi thần thánh” từ nhà đài mình vừa vui mừng, phấn khởi cũng vừa hồi hộp, lo lắng.

Olympia là cuộc thi của kiến thức, bản lĩnh và một chút may mắn. Kiến thức rộng đòi hỏi người chơi phải thật sự bình tĩnh và phản ứng nhanh. Ngày đó, mình chỉ dừng lại ở cuộc thi Tuần. Phần nhiều cũng do tâm lý. Mình còn khóc mếu máo trên sóng truyền hình nữa chứ. Nhưng mà tiếc nhất là đợt đấy mình đúng mọt sách, chẳng biết điệu là gì. Nếu được làm lại thì mình xin phép được đeo lens và đánh một chút son cho xinh nha.

Mình thất bại ở Olympia nhưng đã thành công khi có thêm những trải nghiệm và bài học mới. Mình quen được nhiều bạn bè, anh chị ở khắp mọi nơi. Bật mí là cũng nhờ Olympia, mình có một mối tình học trò khá ngây ngô với một bạn trong chương trình. Vì thế, trường quay Olympia không chỉ là nơi mình đến làm thí sinh mà còn là địa điểm hẹn hò kha khá lần của mình và bạn ấy nữa. Thật sự là nhiều kỷ niệm lắm!

Sau chương trình, mình cũng phải mất một thời gian để cân bằng lại mọi thứ. Mình giành được học bổng toàn phần và trở thành sinh viên K12 của Đại học FPT Hà Nội. Thời sinh viên của mình rực rỡ khi được trải nghiệm nhiều, từ viết báo, làm mẫu ảnh, tham gia câu lạc bộ…cho đến được chạy 1001 cái individual assignments, group assignments trong 1 tuần, rồi cả những đồ án dài cả 100 trang bằng tiếng Anh cùng rất nhiều thứ khác nữa. May mắn là mình không cô đơn, thầy cô và bạn bè luôn bên ở hỗ trợ mình.

Mình nghĩ rằng: Mỗi người có một con đường riêng, đừng bao giờ tự ti về những gì mình chưa làm được rồi so sánh với người khác. Sức khỏe của bản thân (thể chất, tinh thần) và gia đình vẫn là hai thứ quan trọng nhất nên dù làm gì cũng đừng bỏ quên bản thân và những người thân yêu của mình nhé!”

Vũ Duy Long – Sinh viên K12


“… Mình tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia vào năm 2015. Trước đó, mình từng coi Olympia là mục tiêu lớn nhất của cuộc đời. Vì thế, mình đã dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị và đặt kì vọng lớn vào cuộc thi này. Kết quả là mình giành giải Nhất cuộc thi Tuần, Nhất cuộc thi Tháng và dừng lại ở vị trí cuối cùng trong cuộc thi Quý với số điểm 0 tròn trĩnh.

Trước cuộc thi Quý mình cũng đã tự trấn an với bản thân rằng tất cả sẽ chỉ là trải nghiệm, mình sẽ chơi hết sức, cố gắng hết mình. Vì thế, trước câu hỏi cuối cùng, khi đứng giữa hai sự lựa chọn: Một là sẽ giữ chút điểm làm kỉ niệm; Hai là chơi hết mình, chọn Ngôi sao hy vọng và mình hoàn toàn có thể được 0 điểm. Mình đã chọn Ngôi sao hy vọng. Không may mắn, tổng kết các phần mình được 0 điểm.

Mình nhớ mãi hôm đó, ghi hình xong cũng khoảng 11h đêm. Trên đường từ trường quay về nhà mình đã nghĩ ngợi và suy sụp rất nhiều. Mình đã tự trấn an bản thân, nghĩ theo một chiều hướng tích cực hơn là mình đã cố gắng hết sức và mình hài lòng với kết quả ấy. Mọi chuyện cũng được đón nhận nhẹ nhàng hơn.

Sau đó không lâu mình nhận được tin đỗ học bổng tài năng 70% tại ĐH FPT Hà Nội. Mình trở thành sinh viên K12 từ đó. Bước chân đến một thành phố mới, gặp gỡ nhiều anh chị và bạn bè khiến mình nhận ra Olympia không phải là đỉnh núi lớn nhất trong cuộc đời mình mà còn rất nhiều đỉnh cao cần mình phải chinh phục.

Cho tới bây giờ, bài học từ Olympia vẫn là “kim chỉ nam” cho cuộc đời mình: Luôn chăm chỉ, nỗ lực và làm hết sức để dù thất bại, mình sẽ vẫn có thể mỉm cười và chấp nhận kết quả. Giống như tinh thần trong câu nói của Samuel Beckett mà mình tâm đắc: Ever tried. Ever failed. No matter. Try again. Fail again. Fail better (Đã từng thử. Đã từng thất bại. Không vấn đề. Thử lại. Thất bại lần nữa. Thất bại một cách tốt hơn).”

Theo FPT Edu