Giảng viên ĐH FPT nhắc nhở sinh viên đồ hoạ phải “thức thời” với sản phẩm của mình

Theo ý kiến của các giảng viên, chủ đề “Chạm” của cuộc thi FPT Edu Color Up 2020 không chỉ giàu tính nhân văn mà còn nhắc nhở các bạn sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa một điều rất quan trọng: làm đồ họa phải luôn thức thời, sản phẩm mình làm ra phải có sự liên hệ với xung quanh và tạo giá trị với cộng đồng.

Các tác phẩm lọt vào top 30 của cuộc thi FPT Edu Color Up 2019

Ý tưởng xuất phát từ những điều nhỏ bé nhất

Theo chia sẻ của cô Phan Bảo Châu – Giảng viên Digital Art & Design tại ĐH FPT TP. HCM, chủ đề hiện tại “đủ đất” để sinh viên trải nghiệm và làm ra sản phẩm có ý nghĩa, còn nếu thu hẹp “Chạm” vào một vấn đề cụ thể thì lại khó để làm.

Cô Phan Bảo Châu (áo đen) là BGK cuộc thi FPT Edu Color Up 2019

Từng là thành viên của ban giám khảo FPT Edu Color Up mùa đầu tiên, cô Châu khuyên các bạn thí sinh có thể đặt vấn đề từ điều rất nhỏ như: hình tượng hóa một câu ca dao, tục ngữ lên thành phim, poster; tái hiện một nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống thành tác phẩm của mình… Điều quan trọng là cách mình đặt vấn đề và lựa chọn thông điệp gửi tới người xem.

Kim chỉ nam của sinh viên thiết kế đồ họa

Hiện đang trực tiếp tư vấn cho một số nhóm dự thi FPT Edu Color Up 2020, cô Phan Mai Chi – Giảng viên Thiết kế đồ họa tại ĐH FPT TP. HCM cho rằng đây là một chủ đề phù hợp và quan trọng với sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa.

“Chạm” ở đây không chỉ mang ý nghĩa kết nối con người với nhau, mà còn giúp sinh viên nhận thức được vấn đề: sản phẩm mình làm ra phải mang thông điệp tích cực, có tác động tới người xem, giúp ích được cho cộng đồng.

Sẽ khó nếu sinh viên thiếu chiều sâu

Nguyễn Viết Tân – Chủ nhiệm bộ môn Digital Art & Design tại ĐH FPT TP. HCM nhận định chủ đề năm nay khai thác sâu về mặt cảm xúc nên sẽ “khó nhằn” nếu sinh viên thiếu chiều sâu và độ rung cảm trong cuộc sống. Tuy nhiên, các bạn hãy đi theo hướng những câu chuyện nhân văn, hành động nhân ái thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Theo FPT Edu