Giảng viên IT trường F: “thầy mà không giỏi thì sinh viên chê”

Thầy Thân Văn Sử hiện là giảng viên ngành CNTT tại Đại học FPT TP.HCM. Hơn 24 năm đi dạy ở hệ thống giáo dục FPT với những câu chuyện thú vị của “ông giáo” IT. Cùng đọc bài viết ở dưới đây để hiểu thêm về thầy nhé!

“Năm nay thầy 66 tuổi, dạy tin học từ năm 97, tức là đến nay 24 năm rồi. Thầy chuyên dạy lập trình tại hệ thống giáo dục FPT, thầy không nhớ chính xác bao nhiêu nhưng được 20 năm hơn rồi. Môi trường ở FPT khá cạnh tranh, thầy mà không giỏi thì sinh viên “chê”, chỉ có những người thực sự tự tin thì mới dám đến đây dạy vì luôn có sự đánh giá của sinh viên. Còn nữa, thầy cảm thấy chuyện thi cử đánh giá sinh viên của trường nhà mình thuộc loại “trong sạch”. Đây là một điểm sáng và cũng là lý do thầy làm, gắn bó ở đây được mấy chục năm.

Ngành IT là ngành đúng – sai, “zero” (0) và 1, theo thầy phụ nữ thì hay cảm nhận trực giác và ít tư duy theo kiểu logic, toán học nên khó đổi lắm. Nếu con gái theo học ngành này sẽ học được cách tư duy theo kiểu toán học hơn, có thêm tư duy giải thuật để có kế hoạch cuộc sống hơn, giải được mọi bài toán trong cuộc sống. Và thầy thì muốn con gái càng giỏi lại càng tốt, nên thầy ưu ái con gái học CNTT hơn một tí để sống chủ động hơn một tí và có cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn, đối với thầy như vậy sẽ hạnh phúc hơn.

Thầy Thân Văn Sử – giảng viên ngành CNTT trường Đại học FPT TP.HCM

Còn nữa, thầy vẫn luôn luôn nói với sinh viên rằng đặc điểm của dân IT là khi đối diện với những bài toán, người ta luôn luôn tìm thấy lời giải. Đã học IT thì khi gặp bài toán, con người luôn đối diện với câu hỏi “Có muốn giải không?”, nếu muốn thì phân tích bài toán đi, em sẽ tìm được hướng giải. Bởi vì tất cả vấn đề khó khăn đều là bài toán của con người chứ đâu có gì cao siêu đến mức cần bác học giải đâu, nên con người sẽ biết cách giải nó.

“Các em muốn đứng ở đâu sau mấy năm?”. Em học rồi em sẽ ra trường, ngoài trường mình còn rất nhiều trường khác người ta đào tạo ngành này và còn cả các “global citizen” – công dân quốc tế nữa. Em muốn đứng đâu trong bản đồ nghề nghiệp của các em là do các em trả lời chứ không phải thầy. Và các em cũng lớn cả rồi, thầy không khuyên gì cả mà tự các em phải biết rằng “Làm gì để đạt được điều đó?”.

Thầy chỉ là người giới thiệu thôi còn đi con đường nào là do các em tự vạch ra. Đường đến La Mã có rất nhiều nhưng thầy chỉ dạy cho các em một con đường mà với thầy là con đường “rẻ tiền” nhất. Nếu các em tự có con đường tốt hơn, em đi, đó là quyền của em, đi sao để đến được đích mới là điều quan trọng.”

Humans of FPTU (HOF) – Người thay lời kể chuyện, là một dự án kể chuyện về con người của Đại học FPT trên cả bốn cơ sở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đây là một trong những dự án xuyên suốt và tâm huyết của Câu lạc bộ Truyền thông Cóc Sài Gòn. Từ những câu chuyện dung dị, đời thường của những con người tuy quen mà lạ, cho đến những câu chuyện vô thưởng vô phạt, nghe có vẻ hụt nhưng lại trúng của những người lướt qua lẹ làng, chẳng rõ họ tên. Với mục tiêu tiên quyết là kết nối – thấu hiểu, tất cả sẽ được HOF “rình rập, săn tìm” và đưa tới các bạn trong mỗi bài đăng.

Humans of FPTU