Giúp thanh niên phát triển hơn từ nghiên cứu xã hội

Vấn đề của thanh niên, thách thức với thanh niên là gì? Dựa vào đâu để biết chính xác vấn để của thanh niên để giúp họ giải quyết? Những câu hỏi đó đã thôi thúc một nhóm bạn trẻ thực hiện các dự án nghiên cứu xã hội để giúp thanh niên hoàn thiện hơn.

Mổ xẻ bản thân…

Một lần, Nguyễn Thị Ngọc, sinh viên ngành Tài chính ngân hàng, Đại học FPT tình cờ đọc được Dự án Young@Heart kêu gọi thanh niên đề xuất ý tưởng về các thách thức thanh niên gặp phải và đưa ra giải pháp để giải quyết các vấn đề đó. Một câu hỏi bật ra trong đầu Ngọc là:vấn đề của thanh niên, thách thức với thanh niên là gì? Dựa vào đâu để biết chính xác các vấn đề đó nếu không nghiên cứu, điều ra. Không có cơ sở thực tế thì giải pháp nào đưa ra cũng không thể giải quyết đúng và hiệu quả.

Một buổi thảo luận của Nhóm những nhà nghiên cứu trẻ.

Một buổi thảo luận của Nhóm những nhà nghiên cứu trẻ.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu xã hội nói riêng ở Việt Nam còn ít và chưa mạnh. Thanh niên làm nghiên cứu xã hội gần như không có, trừ khi đó là công việc hoặc nhiệm vụ chuyên biệt của các tổ chức, cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu vấn đề xã hội. Hầu như thanh niên chưa tham gia vào nghiên cứu các vấn đề của chính mình, của xã hội họ đang sống.

Muốn được làm điều gì đó giúp thanh niên thay đổi tốt hơn Ngọc quyết định viết đề xuất thành lập Nhóm những nhà nghiên cứu trẻ, nghiên cứu về các vấn đề của thanh niên và các vấn đề xã hội. “Cộng đồng nghiên cứu trẻ sẽ thực hiện các nghiên cứu xã hội một cách độc lập. Những người trẻ có đam mê nghiên cứu từ các ngành học, lĩnh vực khác nhau hội tụ, cùng học, làm việc và thực hiện các nghiên cứu” – Ngọc cho biết.

Ý tưởng của Ngọc thu hút rất nhiều bạn trẻ ở các trường đại học khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia. Vì ở các trường khác nhau nên các thành viên trong nhóm phải tự sắp xếp thời gian để thực hiện công việc chung. Mỗi tuần, nhóm đều phải dành ra ít nhất một buổi để họp bàn nội dung, triển khai việc khảo sát và phân công nhiệm vụ cho cá nhân. Có những giai đoạn nhóm phải sắp xếp thời gian để họp vào buổi tối hoặc trao đổi online qua chat.  Mọi thành viên đều có thể sáng tạo trong công việc song tuân thủ và đi theo các bước và quy trình trong nghiên cứu xã hội. Bên cạnh đó, nhóm có sự hướng dẫn và tham vấn ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và khoa học xã hội.

… để phát triển tốt hơn 

Dự án nhóm đang nghiên cứu hiện nay là “Khảo sát sự tham gia của thanh niên vào các hoạt động xã hội với tư cách công dân” nhằm xác định cách hiểu về các hoạt động xã hội của thanh niên hiện nay, hình thức, mức độ và đề xuất giải pháp thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào các hoạt động xã hội.

“Chúng mình đã có nhiều chuyến đi khảo sát thực tế ở Tuyên Quang và Hà Nội. Chúng mình nhận ra rằng, hầu như các bạn ở những vùng khó khăn còn rất lạ lẫm với những hoạt động tương tác để khám phá và hiểu về chính bản thân. Họ thiếu tự tin, ngại ngùng và không có môi trường trải nghiệm để hiểu bản thân mong muốn điều gì” -Nguyễn Quỳnh Nga, thành viên của nhóm Nhà nghiên cứu trẻ chia sẻ.

Từ các số bảng hỏi được phát đến 300 thanh niên, các bạn trẻ trong nhóm cũng chỉ ra rằng: Thanh niên ngày nay năng động, có tinh thần cởi mở, học hỏi, tiếp nhận những thông tin bên ngoài, năng lực làm việc tốt. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn rất bảo thủ, không sẵn sàng thay đổi hoặc tiếp nhận thông tin; không biết cách tận dụng tìm kiếm hoặc tự tạo ra sân chơi để phát huy năng lực cũng như đặt mình vào các trải nghiệm mang tính thực tế để phát triển.

Vì vậy, tạo ra môi trường thử thách thanh niên là vô cùng quan trọng. Khi bị thử thách, thanh niên sẽ nhận ra những giới hạn của bản thân. Họ sẽ dần đặt lại câu hỏi và biết mình đang ở đâu, là ai và phải làm để tiến lên hoặc lùi lại?  Từ đó, giúp thanh niên có niềm tin, trách nhiệm làm nhiều việc ý nghĩa và đóng góp vào sự thay đổi chung của xã hội, đồng thời giúp các cá nhân học hỏi và trưởng thành hơn.

“Thông qua các nghiên cứu chúng mình có nhiều trải nghiệm, rèn luyện tư duy và nhìn nhận, đánh giá một vấn đề nào đó một cách khách quan hơn. Điều quan trọng nhất chúng mình mong muốn chính là từ nghiên cứu, mổ xẻ bản thân và những thanh niên khác mong muốn điều gì sẽ giúp các cơ quan chức năng có cách nhìn và phương pháp xây dựng những thế hệ thanh niên vừa giỏi vừa có đạo đức” – Ngọc chia sẻ.