Cùng sinh viên ĐH FPT làm quen với phương pháp dạy và học kiến tạo (Constructivism), giảng viên Phạm Thùy Trang nhận thấy những thay đổi tích cực trong tâm thế và cảm xúc khi tiếp nhận kiến thức của học trò. Cô cho rằng môi trường học tập tốt nhất là môi trường dành sự chủ động cho người học và với Constructivism, ĐH FPT đang hướng tới việc này.
“Tại sao phải thay đổi khi sinh viên thấy vẫn tốt?”.
Khi trao đổi về phương pháp học kiến tạo với sinh viên và những người xung quanh, tôi thường nhận được câu hỏi này. Câu trả lời của tôi là: Nếu không thử thì làm sao chúng ta tìm ra phương pháp nào hiệu quả nhất và điều gì là tốt nhất cho sinh viên của mình.
Ngày nay, sinh viên rất dễ bị sao lãng: Tin Nhắn, Email, Facebook, Tiktok, Youtube, v.v… bất kỳ thứ gì cũng có thể khiến sinh viên không thể ngồi yên nghe giảng, đặc biệt là khi học online trước màn hình máy tính. Để khuyến khích các bạn sinh viên học tập, giảng viên cần giữ cho các bạn “bận rộn” một cách tích cực, khuyến khích các bạn chủ động đóng góp vào lớp học, thay vì ép các bạn tới lớp để có điểm điểm danh và ngồi nghe một cái gì đó mà các bạn không quan tâm. Phương pháp Kiến tạo xã hội được áp dụng vào chương trình giáo dục của ĐH FPT là một cơ hội thuận lợi để giảng viên có thể làm được điều này.
Tôi thường bắt đầu giới thiệu phương pháp kiến tạo bằng cách nói với sinh viên rằng: “Với môn học này, các bạn sẽ học bằng cách: “Giúp cô và các bạn khác trả lời những câu hỏi”.
Sinh viên được chia thành các nhóm nhỏ. Trước mỗi buổi học, những câu hỏi trọng tâm của bài học sẽ được thông tin tới sinh viên, từng thành viên phải đọc tài liệu trước khi đến lớp, trả lời những câu hỏi được giao và chuẩn bị câu hỏi cho những vấn đề mình chưa hiểu. Với đặc tính của môn IBI101, các sinh viên được yêu cầu phải đọc tin tức và tìm kiếm thêm thông tin bên ngoài giáo trình để minh hoạ cho các kiến thức trong chương trình học.
Trong quá trình học, sinh viên cần có khả năng hỏi lẫn nhau các câu hỏi và giải thích mọi thứ cho nhau. Giảng viên có trách nhiệm như “trùm cuối”, giải đáp những vấn đề còn bỏ ngõ và tổng hợp những kiến thức cô đọng.
Sau khi áp dụng phương pháp kiến tạo, cá nhân tôi quan sát sinh viên có sự chủ động hơn trong việc học. Sinh viên sau mỗi buổi học thường hỏi tôi: “Cô ơi, chapter sau mình trả lời câu hỏi gì? Cô đã up câu hỏi chưa ạ?” – “Bình tĩnh nào, sáng thứ 7 check LMS nhé các bạn (cười)”.
Trong lớp học, sinh viên có cơ hội trình bày câu trả lời của mình, được sử dụng lập luận để hỏi và phản biện. Qua quá trình thảo luận, tôi nhận ra sinh viên bắt đầu cởi mở hơn trong việc chia sẻ và đặt câu hỏi. Các bạn chủ động nêu lên những vấn đề đang được xã hội quan tâm: Brexit, BRI, Covid-19, v.v…, điều trước đây hiếm thấy trong những lớp học thông thường.
Các bạn sinh viên cũng được yêu cầu đặt câu hỏi để làm rõ những gì mình còn chưa hiểu, mỗi câu hỏi được nêu ra đều có điểm cộng vì việc đặt câu hỏi cũng là một phương pháp để vấn đề được đào sâu hơn. Các bạn được yêu cầu ghi chép trong quá trình nghe các nhóm khác thuyết trình và đặt câu hỏi ngay sau đó. Có những lúc các bạn rất năng nổ, những tin nhắn được gửi vào chatbox của Google meet để giành quyền đặt câu hỏi: “Nhóm 1 có câu hỏi ạ”, “Nhóm em đặt thêm câu hỏi được không ạ?”. Tuy nhiên cũng có những lần tôi nhận được những câu phản biện có phần hài hước như vậy: “Cô ơi, nhóm bạn trả lời rõ ràng cụ thể quá, em không biết hỏi thêm gì luôn, giờ nhóm em phải làm sao ạ?”.
Khi sinh viên tập trung vào việc tư duy và những vấn đề trọng tâm trong môn học, sinh viên sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc nắm bắt được toàn bộ kiến thức lý thuyết của nội dung môn học để vượt qua kỳ thi cuối kỳ. Nhưng có lẽ, bên cạnh phương pháp kiến tạo xã hội, đây cũng là một thách thức nữa để thúc đẩy sinh viên tự học, tự nghiên cứu và vượt qua những chướng ngại vật tới tri thức của cá nhân mình.
Với sự phát triển của công nghệ, của chuyển đổi số, sinh viên ngày nay không thiếu điều kiện để học. Các bạn chỉ thiếu cách học. Sách vở, giáo trình, điều được học ngày hôm nay có thể lỗi thời vào ngày mai, nhưng tư duy cầu tiến, cách tiếp cận tri thức và tư duy chủ động sẽ luôn luôn phát huy tác dụng và hữu ích.
Có một câu nói tôi luôn ghi nhớ: “People don’t know what they don’t know”. Với phương pháp Kiến tạo xã hội, sinh viên được đưa từ môi trường truyền thụ tri thức một chiều – “thầy giảng, trò chép” tới một môi trường học tập chủ động – nơi sinh viên luôn luôn có cơ hội thu hẹp vùng “I don’t know” của mình.
Tôi tin rằng với sự chuyển đổi này, ĐH FPT sẽ đào tạo nên một thế hệ trẻ không ngại đổi thay, chủ động trong việc nắm bắt tri thức, chủ động trong công việc và chủ động trong cuộc sống.
GV Phạm Thùy Trang
Ngọc Trâm (ghi)
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn