Hàng ngày chúng ta đều phải “tranh biện”: tự tranh biện với chính mình “chọn” hay “không chọn” hay tranh biện với những người khác … Đôi khi chúng ta không biết làm thế nào để bảo vệ ý kiến của bản thân, thuyết phục hay tranh luận với người khác đúng cách. Trong 2 ngày 6/1 và 7/1, sinh viên Đại học FPT và các bạn sinh viên trên địa bàn Hà Nội đã được “làm quen” với kĩ năng tranh biện.
Ngày đầu gặp nhau
Ngày đầu gặp nhau, chúng tôi được làm quen với tranh biện thông qua nhiều hoạt động: đứng cạnh nhau và nêu lên những ý kiến của bản thân về những vấn đề và thoải mái giải thích về lí do mà chúng tôi đồng ý/phản đối. Có người đồng ý vì họ cảm thấy chiều rộng của đề bài trắc nghiệm cần thiết hơn so với chiều sâu của đề bài tự luận. Có người không đồng ý bởi vì trắc nghiệm là hình thức dễ gian lận hơn…
Và thế là chúng tôi được lập nhóm và ‘bị’ đưa vào thế phải bảo vệ ý kiến của mình. Căn phòng bỗng trở nên rất náo nhiệt khi mọi người đều nói. Những con người nhút nhát ban đầu bỗng dưng trở nên mạnh mẽ, sẵn sàng đứng ra để bảo vệ ý kiến của mình…
“Khi ở ngoài thấy các em tranh biện, phần nào đó còn thấy mơ hồ. Bây giờ khi chính thức biết nó là gì thì chị thấy nó đẹp lắm, thích rồi đấy! Khi tiếp cận với Debate, thì bản thân chị cảm thấy mình cởi mở hơn. Và sau khi kết thúc cuộc tranh luận, chị vẫn có thể chào người khác như là một người bạn chứ không phải là một đối thủ!” – chia sẻ của chị Hoài Bùi – thành viên phòng Phát triển cá nhân PDP.
Kết thúc ngày đầu tiên đi học, tôi cảm thấy Debate là điều gì đấy thật thú vị, không có điều gì hoàn toàn đúng, cũng không có điều gì hoàn toàn sai. Mà đúng như anh Phạm Xuân Khoái chia sẻ với chúng tôi: “Những điều mình nghe thấy chỉ là quan điểm, những thứ mình nhìn thấy chỉ là khía cạnh!” Mỗi người có một góc nhìn khác nhau từ một sự vật sự việc chung vì thế mà chúng ta cần tranh biện để thống nhất với nhau về một giải pháp mà chúng ta cần hướng đến.
Ngày thứ hai – cách trở thành một chiến binh
Buổi học thứ 2 bắt đầu với một hoạt động nho nhỏ. Mọi người ngồi xoay vòng quanh nhau với những tờ giấy A4 trắng. Chị Phạm Quỳnh Chi bắt đầu đưa chúng tôi đến gần hơn với một trận đấu Debate bằng cách giới thiệu mô hình CRE là mô hình Claim – Reason – Evidence được sử dụng rộng rãi trong các trận đấu Debate và cách xây dựng nên mô hình đấy. Chúng tôi trao đổi những ý kiến để cùng xây nên một mô hình hoàn chỉnh thông qua việc viết vào đấy mô hình của chúng tôi và góp ý lẫn nhau.
Với kiến nghị: “Nên bỏ điểm danh ở trường đại học”, một bạn đưa ra claim (câu khẳng định) là: “Điểm danh Đại học thể hiện sự quan tâm của giảng viên đối với sinh viên”, tôi lóng ngóng viết vào reason (lí do) là: “Vì khi đọc tên một ai đó, cả hai người thấy thân thương hơn!” Và sau đó mọi người đều cười ồ lên vì lí do đấy…
Rồi chị Chi giúp chúng tôi cách tạo nên một mô hình vững chắc bằng cách chỉ ra những thiếu sót trong quá trình lập luận. Về cuối buổi cũng là hoạt động mà chúng tôi thích nhất: trận đấu tranh biện. Chị chia sẻ cho chúng tôi về luật đấu Karl Popper và cách thức đấu đồng đội.
Cuộc tranh đấu diễn ra và chúng tôi cảm nhận mình như một người tranh biện thực thụ: phân tích từng câu từ, ghi chép mọi thứ mà đối phương nói ra và lắng nghe chính bản thân mình để nhận ra những xung đột của trận đấu. Và sau trận đấu, chúng tôi bắt tay nhau cười như một nét văn hóa đặt biệt của Debate, cảm thấy gần gũi và thân nhau hơn…
Sau hai buổi học, chúng tôi đã bắt đầu nhận thức rõ hơn về hai từ “tranh biện”– đó không chỉ là đưa ra ý kiến và cố gắng bảo vệ quan điểm của mình. Tranh biện như một trận thi đấu thể thao, có trọng tài, có người chơi, có khán giả, có kết quả và một quá trình lao động tích cực của trí tuệ. Trong tranh biện, việc lắng nghe quan trọng không kém gì việc đưa ra ý kiến.
Tranh biện là một loại hình trò chơi đấu trí phổ biến trên thế giới. Nhiều trường học ở những quốc gia phát triển như Mỹ, Anh… còn thành lập những tổ chức đào tạo riêng về kỹ năng tranh biện. Tại Đại học FPT, vào đầu học kỳ Spring, CLB Debate Club Đại học FPT cùng phòng Phát triển cá nhân (PDP) tổ chức khóa “Tranh biện cơ bản” giúp hình thành lối suy nghĩ rộng, khái quát nhiều chiều hướng đối với sinh viên về cách tư duy, phân tích mổ xẻ các vấn và cách đề đưa ra những quyết định, cách giải quyết vấn đề hợp lí. Khóa học “TRANH BIỆN CƠ BẢN NĂM 2017” với sự góp mặt của những người đã có kinh nghiệm thi đấu và hướng dẫn tranh biện, làm giám khảo ở nhiều giải đấu tại Hà Nội: anh Phạm Xuân Khoái, chị Phạm Quỳnh Chi, anh Phạm Tiến Thành – những cựu chủ nhiệm của CLB Debate và chị Duyên Ngọc – cựu thành viên phòng Phát triển cá nhân PDP.
THỜI LƯỢNG: 3h mỗi buổi sáng từ (8h30-11h30) hoặc chiều (14h-17h)
THỜI GIAN: Các ngày 6,7,13,14, 20/1/2017
Địa điểm: Đại học FPT Hà Nội.
Hải Hiền