Lê Đình Duy – sinh viên K13, ngành Khoa học máy tính đã có màn trình bày xuất sắc nghiên cứu “DEEP LEARNING IN SEMANTIC SEGMENTATION OF RUST IN IMAGES” tại Hội nghị quốc tế về phần mềm và ứng dụng máy tính lần thứ 9. Sự kiện được tổ chức tại Langkawi, Malaysia vào ngày 20/02/2020 vừa qua.
Vượt qua 10 đề tài khác nhau nhờ tính ứng dụng thực tiễn cao, nhóm sinh viên ngành khoa học máy tính của lớp CS1302 bao gồm Lê Đình Duy, Nguyễn Việt Tùng, Ngô Tuấn Anh và Nguyễn Bá Dương đã dành được cơ hội trình bày nghiên cứu của nhóm tại hội nghị “9th International Conference on Software and Computer Applications” ở Langkawi, Malaysia.
Sau khoảng 3 tháng nỗ lực cùng sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy Ngô Tùng Sơn và thầy Phạm Ngọc Giáo, nhóm sinh viễn đã hoàn thiện nguyên cứu, chuẩn bị cho sự chinh chiến tại đất nước Malaysia. Tuy không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng nhờ sự ham học hỏi, tìm tòi… các bạn đã hoàn thành dự án có giá trị ứng dụng rất cao vào công trình viễn thông.
Đề tài của nhóm là “DEEP LEARNING IN SEMANTIC SEGMENTATION OF RUST IN IMAGES” – nội dung của nguyên cứu xoay quanh bài toán định vị vị trí, cũng như kích thước tương đối của trụ viễn thông, sau đó tìm ra những vùng bị hư tổn do rỉ sét và đánh giá mức độ. Đây là một bài toán khó ở chỗ những trụ viễn thông thường được đặt ở những nơi có bối cảnh rất khó để xử lý với các thuật toán xử lý ảnh hiện nay. Nên nhóm đã quyết định thử nghiệm nhiều mô hình “Deep Learning” khác nhau để giải quyết vấn đề đó.
Tổng quan của mô hình dự đoán này là nghiên cứu các phương pháp tìm và đánh giá mức độ rỉ trên những trụ viễn thông. Thay vì con người phải đến tận trụ viễn thông kiểm tra, mà trong khi các trụ lại được đặt ở những địa hình khó tiếp cận, điển hình như trên núi khiến việc leo trèo cũng rất nguy hiểm. Thì họ dùng các thiết bị giám xác như camera (CCTV) hoặc dùng drone (máy bay không người lái) để ghi lại các hình ảnh từ hiện trường và đánh giá dựa trên đó, chỗ rỉ to thì chứng tỏ công trình đã xuống cấp nặng nề.
Công việc mấu chốt chính là phát hiện và đánh giá từ khi nó mới hình thành – từ khi nó còn rất nhỏ so với vật thể. Từ kết quả của thực nghiệm, nhóm đánh giá rằng mô hình dù đã nhận dạng được rỉ nhưng nó vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo do sai số khá lớn. Tuy nhiên, thông qua phương pháp quan trắc này thì những người bảo dưỡng sẽ tiết kiệm được kha khá chi phí đi lại kiểm tra.
Với việc sử dụng công nghệ thị giác máy tính và học sâu, dự án này đã giải quyết được vấn đề quan trọng trong ngành viễn thông. Sự đóng góp của nghiên cứu này của nhóm nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giám khảo hội nghị. Điều này sẽ là nguồn động lực to lớn tiếp lửa cho các bạn tiếp tục niềm đam mê và khám phá ra nhiều điều mới lạ trong các nghiên cứu, nhằm giải quyết các vấn đề mang tính thực tiễn cao trong khoa học – kỹ thuật vào cuộc sống.
Ấn tượng hơn, tại hội nghị ICSCA các bài trình bày đều được xuất bản trên series ACM ICPS được indexing ở Scopus database.
“Đây là một kết quả của một quá trình dài mà nhóm em đã phải cùng nhau cố gắng, dù chỉ nhỏ thôi nhưng bước đầu vậy chúng em cũng thấy vui lắm. Mặc dù đi một mình, đôi khi cảm thấy khá cô đơn, nhưng nghĩ đến các thành viên nhóm và lớp CS1302 thì em quyết cháy hết mình. Và đặc biệt, chúng em xin cảm ơn thầy Ngô Tùng Sơn và thầy Phạm N Giao đã tạo điều kiện để lớp CS1302 nói chung và nhóm em nói riêng có một bước chuyển mình mạnh mẽ như vậy!” – Đình Duy chia sẻ cảm xúc sau buổi thuyết trình.
Với những gì thể hiện tại Hội nghị quốc tế về phần mềm và ứng dụng máy tính 2020 (ICSCA 2020) Duy và nhóm của mình phần nào cho thấy sự tài năng của sinh viên Việt nam với bạn bè quốc tế và khẳng định chất lượng đào tạo của Đại học FPT – ngôi trường được công nhận là “Đơn vị đào tạo công nghệ thông tin xuất sắc châu Á” (ASOCIO 2018). Hy vọng trong tương lai sinh viên trường F sẽ có thật nhiều những nghiên cứu ấn tượng hơn nữa!
Trước đó, năm 2019, 2 sinh viên Đại học FPT cũng đã từng vinh dự được góp mặt tại sự kiện tầm cỡ này là Nguyễn Thế Duy và Nguyễn Văn Nam. Cả 2 khi ấy đều là sinh viên năm 2 chuyên ngành kỹ thuật phần mềm. Tại đây cả Duy và Nam đều trình bày về bài toán tối ưu hóa sử dụng, thuật toán hiệu của hai hàm lồi. |
Diệu Vi