Tối 5/10, giữa sân đại đội, Xuân Hoà, Vĩnh Phúc gần 1400 sinh viên K13 ĐH FPT đã được theo dõi phim tài liệu “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười.
Bộ phim nhận được sự yêu thích, quan tâm của đông đảo “tân binh”.
“Mùi cỏ cháy” là bộ phim sống động tái hiện một cách chân thực sự bi tráng mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở chiến trường Quảng Trị, khi quân ta đang giành giật từng tấc đất, viên gạch của Thành cổ Quảng Trị để có thể có được lợi thế trên bàn đàm phán Paris.
Với những ý nghĩa như vậy, qua bộ phim “Mùi cỏ cháy”, BTC mong muốn có thể nâng cao nhận thức, hiểu biết của các bạn sinh viên về lịch sử, cũng như những năm tháng hào hùng của dân tộc. Đồng thời, thông qua hoạt động nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, tri ân đối với sự hy sinh của thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, hòa bình của Tổ quốc; có ý thức trân trọng những khoảnh khắc bình yên hiện tại, để sống, phấn đấu và cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Một cảnh trong phim Mùi cỏ cháy
Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa năm 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên trường đại học Tổng hợp Hà Nội: Hoàng, Thành, Thăng, Long theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành và sau cùng đã tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hy sinh còn Hoàng may mắn sống sót trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng, khi ông thăm lại chiến trường xưa.
Chính sự tương đồng trong độ tuổi của các nhân vật trong phim và các bạn SV ĐH FPT, chính vì được trải nghiệm cuộc sống của những người lính trong tháng rèn luyện với những cuộc hành quân, những đợt báo động; những hình phạt dành cho trung đội khi có cá nhân mắc lỗi… đã khiến cho bộ phim càng nhận được sự đồng cảm của khán giả – những tân binh K13.
Phim để lại nhiều ấn tượng trong lòng K13.
Bạn Duy Hải Anh, Trung đội 10 chia sẻ “Cảnh báo động hành quân trong đêm khi mọi người trong phòng đang nghe Thành hát rất chân thực và sinh động rất giống với đêm báo động ở Xuân Hòa, khi đó cả phòng em vẫn đang nô đùa, đèn tắt nhưng mọi người vẫn trêu đùa nhau; Rồi cảnh các chàng trai đánh trận giả khi một người bị ngã thì cả trung đội phải chờ đồng đội kéo dậy, hay những câu nói như “Quân với dân như cá với nước” ,”Đi thì dân nhớ, ở thì dân thương” trong phim cũng rất giống với những gì các thầy giáo quân sự giảng dạy về Chiến tranh nhân dân trên Xuân Hòa”.
Với những ai yêu thích đọc sách như bạn Nguyễn Văn Thanh thì còn bắt gặp được chi tiết từ nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong tình tiết nhân vật Thăng làm thơ tặng bạn gái và hẹn sẽ gặp nhau vào tháng 4 năm 1975…
Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Những kỷ vật, những chiếc cặp ba lá từ hậu phương vùi sâu trong lòng đất cùng những con người “mãi mãi tuổi 20”, Họ nằm trong lòng đất nghe hơi thở của Đất nước tiến lên!
Buổi chiếu phim tài liệu do Phòng Hợp tác quốc tế & Phát triển cá nhân (IC-PDP) tổ chức, là một trong những hoạt động hấp dẫn, nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, đồng thời mang tới cho các em những tư liệu lịch sử bổ ích, giúp các em có thêm động lực vượt qua tháng rèn luyện tập trung.
Nâu đá