Theo Nguyễn Hải Hà, cựu sinh viên K4, ĐH FPT, bài luận mạch lạc, logic; phỏng vấn tự tin, trung thực sẽ giúp ứng viên gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh.
Nguyễn Hải Hà là một trong những sinh viên khóa đầu của Đại học FPT, phân hiệu TP HCM, ngành Kỹ thuật phần mềm. Với thành tích đầu vào học bổng toàn phần, đầu ra thủ khoa toàn khóa, ngay khi ra trường anh đã có cơ hội làm việc tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore. Hiện anh đảm nhiệm vị trí Engagement Manager (Quản lý tương tác) tại một công ty của Nhật.
Chia sẻ về ngôi trường Đại học FPT, anh Hà cho biết, hơn thập kỷ trước, trường là cái tên non trẻ, bề dày thành tích chưa nhiều. Tuy nhiên, những thế hệ sinh viên đầu tiên vẫn nhập học với niềm tin đây sẽ là nơi ươm mầm cho thế hệ 8x trở thành công dân toàn cầu.
Sau khi tìm hiểu về trường và biết tới chương trình cấp học bổng toàn phần, anh đã lên “dây cót” với mục tiêu quyết tâm giành một suất.
Thời điểm ấy, Hải Hà phải trải qua hai vòng thi là viết bài luận và phỏng vấn trực tiếp với hội đồng cấp học bổng. Với bài luận, anh xác định không kể lể lan man mà triển khai từng ý mạch lạc, thể hiện logic của người viết. Trong khi đó, buổi phỏng vấn trực tiếp là cơ hội để chứng minh bản thân với trường.
“Tôi đã tạo cho mình tâm lý thoải mái, chia sẻ trung thực điểm mạnh và thành tích của bản thân để thuyết phục hội đồng rằng tôi phù hợp với định hướng của trường”, chàng cựu sinh viên nhớ lại.
Với học bổng FPTU Scholarship 1000 năm 2023 giành cho các học sinh có thành tích trong học tập, văn hoá – thể thao, công tác cộng đồng và các lĩnh vực khác, anh Hải Hà nhắn nhủ: “Ai cũng có điểm mạnh, quan trọng là phải hiểu rõ bản thân và miêu tả được chính xác, đầy đủ về con người mình trước hội đồng. Khi đó, tôi tin các bạn sẽ có một đơn đăng ký sinh động và tạo được hứng thú cho người đọc”.
Cũng theo anh Hà, kể về thất bại trong hồ sơ học bổng đôi khi là cách để thí sinh gây chú ý. Nhưng bí quyết ở đây là hãy cho hội đồng thấy bạn đã vượt qua bằng cách nào và những bước đi sau này có sự phát triển ra sao.
Chia sẻ thêm về 4 năm trên giảng đường, Hải Hà cho biết đó là khoảng thời gian anh “lăn xả” với các chương trình trải nghiệm, gặp gỡ nhiều người bạn có hoàn cảnh khác nhau và phát triển kỹ năng mềm. “Đến giờ nhìn lại, tôi thấy mình đã có cuộc sống sinh viên khá thú vị”, anh nói. “Điều tôi thích nhất ở ĐH FPT là môi trường giáo dục hiện đại, sinh viên năng động; thầy trò thân thiết. Trong trường, các chương trình trao đổi sinh viên với đại học quốc tế cũng giúp chúng tôi có thêm hiểu biết về cuộc sống”, anh Hà bộc bạch.
Trong quá trình học, anh Hà còn có cơ hội đi trao đổi sinh viên tại Nhật Bản trong 6 tháng. “Sự kiện này đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của tôi, vì công việc của tôi sau này hầu hết liên quan đến Nhật Bản”, anh nói. Sau đó, anh cũng có gần một năm thực tập tại FPT Software và cho biết đã học được rất nhiều thứ từ đây, như kinh nghiệm lập trình, kỹ năng sống.
“Những trải nghiệm đó mang lại giá trị lớn cho sinh viên để có thể sẵn sàng một hành trang trước khi ra trường”, anh Hà nhấn mạnh.
Theo Vnexpress