“Nếu chỉ chăm chăm đọc văn mẫu và ôn thi theo cách thông thường, bạn sẽ không thể đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển vào ĐH FPT”, Vũ Công Thành, sinh viên khóa 7 giành được học bổng 100% vào trường năm 2011, chia sẻ.
Theo Thành, đề luận của ĐH FPT thuộc dạng nghị luận xã hội, thường rất “lạ” và “hiểm”. Chẳng hạn, đề thi vào tháng 4/2012 có nội dung về trinh tiết. “Các thí sinh cần có một trái tim nóng và cái đầu lạnh để không sốc”.
Chính vì độ “hiểm” của đề luận nên việc học theo văn mẫu không có tác dụng. Vì vậy, cần ôn thi hằng ngày bằng cách thường xuyên lên báo mạng đọc tin tức để thu được nhiều luận chứng, viết có cơ sở. Ngoài ra, sĩ tử nên đọc một số bài tranh luận để tìm ra các luận điểm, cách đặt vấn đề mới.
Đề luận không có đúng, sai nên các thí sinh thoải mái nêu ý kiến, miễn là không lạc đề. Nếu bạn chọn quan điểm nào thì phải bảo vệ và chứng minh bằng các luận chứng, luận cứ. Để thuyết phục người đọc, việc nắm bắt nhanh các thông tin xã hội từ sách vở, báo chí là rất quan trọng.
Thông thường, đề bài yêu cầu thí sinh lựa chọn đồng ý hay không. Bạn cần bày tỏ rõ quan điểm, đừng làm kiểu ba phải, nửa vời, không có chính kiến riêng. Bên cạnh đó, bạn cũng phải nêu được thông tin và lý do điều mình không chọn để thể hiện hiểu biết về cả hai mặt.
“Nhiều người nghĩ đề Văn chỉ có 15 điểm, không ăn nhằm so với đề Toán 90 điểm. Quan điểm ấy sai lầm. Vì bạn làm Toán liệu có chắc đúng 90/90 mà để có được một suất học bổng, tổng điểm thường trên 90. Có điểm Văn khoảng 9-10 thì cơ hội đạt học bổng của bạn sẽ rất cao”, Thành bật mí.
Bên cạnh đề thi luận, thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm Toán và Tư duy Logic. Đề thi Toán thông thường bao gồm 90 câu (dạng 1 – 20 câu, dạng 2 – 25 câu, dạng 3 – 45 câu). Thời gian làm bài là 120 phút.
Thành chia sẻ, ban đầu cậu cũng có suy nghĩ rằng vì thi IQ nên không cần phải ôn bởi IQ là hằng số. Tuy nhiên, thực tế chứng minh ngược lại. Việc ôn thi giúp thí sinh có kỹ năng, kinh nghiệm và giải nhanh hơn. Đôi khi luyện nhiều, bạn sẽ gặp câu hỏi trùng lặp nhau ở các bộ đề khác nhau. Có đề thi thật, bạn sẽ gặp lại từ 20-30% số câu đã thực hiện. “Hãy cố gắng làm hết, đừng bỏ sót câu nào”, nam sinh FPT nhắn nhủ.
Đối với dạng 1, các thí sinh nên tìm sách, tài liệu GMAT để luyện thêm. Khi làm bài thi không được dùng máy tính nên lúc ôn, các bạn cũng làm tương tự. Hầu hết tài liệu đều viết bằng tiếng Anh, các bạn cứ bình tĩnh tra từ điển. Hơn nữa, việc học tiếng Anh ngay trong khi ôn thi sẽ giúp các bạn nâng cao vốn ngoại ngữ.
Dạng đề này không hề khó, chỉ cần bạn vượt qua được các bài toán cấp 2 bao gồm các phép cộng, trừ, nhân, chia, lấy căn, lũy thừa, phân số, hình học cơ bản là có thể giải được. Các đáp án thường là các số đặc biệt, tròn nên khá dễ để khoanh vùng đáp án. Ban đầu, có thể bạn còn làm chậm, nhưng luyện dần, kỹ năng sẽ càng cao. Thậm chí, có lúc chỉ cần nhìn đề, bạn là biết ngay đáp án. Điều cần thiết nhất là tính toán thật nhanh, càng nhẩm nhanh bạn càng nắm chắc cơ hội vào trường, thậm chí giành học bổng.
Ở dạng 2, các bạn nên tìm sách, tài liệu GRE. Tài liệu này cũng khá phổ biến trên mạng. Theo Thành, dạng này là khó nhất, sĩ tử phải nắm được các dữ kiện và suy luận.
Với dạng 3, thí sinh có thể tìm trong tài liệu LSAT. Dạng này thường có một câu hỏi lớn và chia ra làm nhiều câu hỏi liên quan. Kinh nghiệm của Thành là lấy một tờ nháp, vẽ các mối liên quan và ký hiệu dữ kiện lên đó. Gặp các ký hiệu, mối liên quan nên tự đặt cho dễ nhớ. Khi có biến cố nào thì làm tương tự. Trên mạng cũng có rất nhiều tip & trick, bạn có thể tìm thấy nhiều cách để vượt qua.
Khi làm bài nhớ chú trọng thời gian, câu nào khó, đánh dấu và bỏ qua để lát sau quay lại (ngẫu nhiên). “Chỉ có 120 phút hoàn thành 90 câu trong 10-15 tờ giấy, có lúc làm bạn phát hoảng. Tốt nhất là làm đến đâu, tô đến đó, đừng đánh dấu vào đề kẻo đến cuối giờ lại không kịp tô”.
Thành cho rằng, tùy theo cảm nhận mà bạn quyết định làm phần dễ trước, phần khó sau. Gặp các câu khó quá không được bỏ mà phải sử dụng kỹ năng ngẫu nhiên như đã nói ở trên. Nhưng trước khi sử dụng kỹ năng này, bạn phải khoanh vùng đáp án, đừng dùng linh cảm mà dựa trên cơ sở của bài toán. Sau khi khoanh vùng, chỉ còn 2-3 đáp án nên việc chọn ngẫu nhiên sẽ có cơ hội cao hơn.
PV