Lá thư mùa Covid từ UK của cựu sinh viên ĐH FPT

Bùi Thị Hạnh Thảo (Cựu sinh viên ĐH FPT) hiện là du học sinh tại UK. Khi UK đứng trước “cơn bão” Covid, Hạnh Thảo chọn ở lại chứ không về nước. Lần đầu tiên trong những năm học tập ở đây, cô sinh viên phải trải qua cảm giác bất lực đến phát khóc khi không thể vào siêu thị mua đồ. Cuộc sống trong đợt dịch Covid-19 với nhiều cảm xúc khó quên được Hạnh Thảo ghi lại qua những dòng nhật ký dưới đây.

“Dành cho những ai đã và đang quan tâm đến mình những ngày qua…

Tính đến ngày 30/3, UK có 22.141 ca nhiễm Covid-19, 1.408 ca tử vong. Tất cả mọi nơi đều đóng cửa, trừ những nơi cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như siêu thị, hiệu thuốc, dịch vụ vận chuyển và NHS – dịch vụ chăm sóc sức khỏe quốc gia. Mọi người bắt đầu tránh đi lại và tụ tập đông người. Vì vậy, người UK khi đi ra ngoài đường sẽ lần đầu tiên có cảm giác: “Đây là đâu và tôi là ai?”. Nếu như hàng ngày xe cộ qua lại tấp nập, ồn ào tiếng động cơ thì bây giờ UK yên lặng tới mức chỉ cần một chiếc lá rơi cũng nghe thấy tiếng.

Cũng là cách đây một tuần, mình đã đi siêu thị về và khóc rất nhiều vì stress, vì không mua được đồ ăn. Thịt gà hết, mỳ ý hết, tới cả nước sốt mỳ ý cũng không còn. Những mặt hàng như giấy vệ sinh, các loại rau củ quả đông lạnh thì càng không. Ai ai cũng nháo nhác, không khí trở nên căng thẳng và ngột ngạt. Nhưng 2 ngày nay thì tốt rồi. Mình đã mua được đồ ăn bằng cách xếp hàng 1 tiếng đồng hồ ngoài siêu thị. Vì siêu thị nơi mình mua hàng chỉ cho phép 100 người vào mua cùng một thời điểm. Khi xếp hàng, mọi người được yêu cầu đứng cách nhau 2-3m, hàng dài tới nỗi không thấy đuôi đâu.

Để đảm bảo an toàn cho mọi người, ở trước cửa siêu thị, nhân viên được giao nhiệm vụ lau dọn và khử trùng xe đẩy hàng, đồng thời phát nước uống miễn phí cho những ai có nhu cầu. Bên cạnh đó, siêu thị cũng quy định mỗi gia đình chỉ có một người được phép vào mua đồ. Và cũng thật may mắn, sau một giờ xếp hàng ấy, mình đã có 1 tủ đầy đồ ăn, đồ mặc, dù một vài thứ mình cần vẫn không mua được. Nhưng về cơ bản là mình đã bớt stress vì mua đủ những thứ cần thiết để sinh tồn những ngày sắp tới. Trải nghiệm này của mình không biết có giống cảnh xếp hàng mua thịt thời bao cấp xưa ở Việt Nam không, nhưng thực sự rất khó quên.

UK lock-down, mình ở nhà làm gì?

UK lock-down nghĩa là dù có muốn mình cũng không thể làm việc gì khác ngoài ở nhà. Trong thời gian này, mình vẫn ăn uống và ngủ nghỉ đều đặn, nhưng với tuần suất nhiều hơn trước. Vì vậy, dự kiến sau đợt lock-down, vấn đề cân nặng sẽ là vấn đề mình không muốn đề cập đến. Dẫu vậy, ngày 1 lần mình sẽ chạy ra ngoài bờ biển hoặc công viên gần nhà. 5 giờ chiều nghe Chính phủ UK cập nhật tình hình Covid-19. Ngoài ra, mình dành rất nhiều thời gian để tìm những thú vui khác như mua sắm online, xem phim online, học online (tất nhiên là ít hơn hai thứ còn lại). Và mình phát hiện ra, xã hội đã phát triển tới mức chúng ta có thể làm được hầu hết tất cả mọi thứ, dù chỉ ngồi ở nhà. Vấn đề chỉ là chúng ta có tận dụng được hết hoặc có muốn tận dụng hết không thôi.

Mặc dù cuộc sống của mình đã ổn, nhưng hơn ai hết mình mong những ngày khó khăn này sẽ sớm kết thúc. Để những dòng nhật ký này sẽ trở thành một kỷ niệm đáng nhớ chứ không phải nỗi ám ảnh của những người ở UK “mùa lock-down”.

Ảnh mình chụp khi chạy ra bờ biển gần nhà, từ nhà đi ra biển mất 10 phút. Bãi biển rất dài và đẹp. Mấy hôm nay ngoài việc trời có nắng ấm áp ra thì công an hoạt động nhiều hơn, họ giải tán kể cả khi thấy 2 người ngồi cùng 1 chiếc ghế băng. Một vài người đi bộ/ chạy bộ, ai cũng đi tránh nhau cả mấy chục mét. Trực thăng cứu hộ 24/7 lượn qua lượn lại trên đầu, gió xào xạc, và có chú chim thấy mình đi qua, “khinh” không thèm bắt chuyện! *cười*” 

Bùi Thị Hạnh Thảo – Cựu sinh viên ĐH FPT (Theo FPT Edu)