Dự án “không ai bảo làm”, “không phán xét”
Cô Hồ Yên Thục chia sẻ, đã từng rất bất ngờ khi biết ở TP.HCM vẫn còn những câu chuyện bạo lực giữa những gia đình trí thức, không khỏi bận lòng bởi những tâm sự thầm kín trong chuyện tình yêu, gia đình, học tập của sinh viên. Những trăn trở đó khiến cô cùng các đồng nghiệp tại Trường ĐH FPT (thuộc FPT Edu) là thầy Nguyễn Thế Hoàng, cô Kiều Thị Thu Chung, cô Phan Mai Chi khởi tạo và duy trì dự án “Hồ sen chờ ai?” từ năm 2019.
“Hồ sen chờ ai” được triển khai trực tuyến thông qua nền tảng Google Meet. Người tham gia chia sẻ trong “Hồ sen chờ ai?”, bao gồm cả thầy cô, sinh viên FPT Edu đều có thể giấu mặt. Tinh thần của “Hồ sen chờ ai?” không phải là một buổi trị liệu, tư vấn tâm lý mà đây là không gian để những người tham gia lắng nghe và chia sẻ, không phán xét.
Tham gia “Hồ sen chờ ai?”, các bạn trẻ đa phần là sinh viên trường ĐH FPT, FPT Edu có thể lựa chọn chia sẻ câu chuyện của mình với tất cả mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn gặp một người có chung vấn đề, hoặc đồng cảm với bản thân, bạn hoàn toàn có thể trò chuyện riêng với người đó. Nhiều sinh viên cũng nhờ “Hồ Sen chờ ai?” mà tìm thấy cho mình một người bạn tâm giao, tri kỷ để có thể tâm sự, giãi bày.
Đến nay, “Hồ sen chờ ai” đã thực hiện được 18 số. Mỗi số xoay quanh một chủ đề khác nhau: “Chờ ai”, “Là nhà”, “Yêu những điều nhỏ bé”, “Tôi đấy ư?”… do chính sinh viên đề xuất.
Sẻ chia tâm sự cũng là một cách giáo dục
Gần đây, dư luận xã hội xôn xao bởi những hành động tiêu cực của một bộ phận bạn trẻ, xuất phát từ các vấn đề, tổn thương tâm lý sâu sắc trong một thời gian dài. Đáng chú ý, các bạn khó hoặc không thể tiếp cận nguồn hỗ trợ, động viên từ phía gia đình hay nhà trường. Khoảng trống về giáo dục tâm lý hay đơn giản hơn là những hoạt động có tính sẻ chia, đồng hành cùng học sinh, sinh viên trong các vấn đề cuộc sống được đặt ra, khiến nhiều người quan tâm đến giáo dục trăn trở.
Là những giảng viên bộ môn Kỹ năng mềm, Công nghệ thông tin, Thiết kế Đồ họa không có chuyên môn về tâm lý, cô Yên Thục cùng các đồng nghiệp làm dự án “Hồ sen chờ ai?” không đặt mục tiêu trị liệu tâm lý cho sinh viên. Tất cả những gì mà dự án hướng đến là một không gian “an toàn” để sinh viên có thể thoải mái chia sẻ, tìm thấy sự đồng cảm từ thầy cô, bạn bè, giải phóng về mặt cảm xúc, xoa dịu những tâm hồn trầy xước.
Tuy nhiên, với cô Thục, đây cũng là một cách giáo dục. Mới đây, nữ giảng viên này đã đem những câu chuyện, kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án “Hồ sen chờ ai?” tới Hội thảo FPT Educamp 2022 – Hội thảo giáo dục thường niên của Tổ chức Giáo dục FPT. Chia sẻ tại Hội thảo, cô Thục cho rằng những hoạt động mang lại giá trị trải nghiệm đời sống sinh viên tại trường học: thân thiện, hỗ trợ, an toàn cũng nằm trong số các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đưa ra và nhiều trường học tại Việt Nam trong đó có FPT Edu đang hướng tới.
Cùng đồng nghiệp dồn nhiều tâm huyết cho dự án “Hồ sen chờ ai?” nhưng cô Thục mong dự án sớm “ế khách”. Bởi khi đó, nữ giảng viên hiểu rằng sinh viên của mình không còn gặp phải những vấn đề tâm lý tiêu cực hoặc đã biết cách giải quyết, cân bằng chúng.
Được biết, FPT Educamp là hội thảo mở được Tổ chức Giáo dục FPT – FPT Edu tổ chức thường niên dành cho các cán bộ, giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Năm nay, FPT Educamp có chủ đề: “Làm gì cho SDG4?/SDG4 in action” gồm các tham luận xoay quanh phát triển giáo dục bền vững, tự học, đảm bảo chất lượng trong giáo dục, học tập trải nghiệm.
Cô Hồ Yên Thục là giảng viên Trường ĐH FPT (thuộc FPT Edu) đồng thời là tác giả bộ ba cuốn sách “Nhật ký cô giáo”.
Hải Ngân – Vietnamnet