“Nếu giá trị bạn đem lại cho doanh nghiệp nhiều hơn 2001 USD, họ có thể sẽ sẵn sàng trả cho bạn 2000 USD”
Đó là chia sẻ của ông Lê Bình Trung – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp TP.HCM tại chương trình “Hiểu mình, Hiểu nghề, Sáng tương lai”. Chương trình diễn ra mới đây tại trường THPT Nhân Việt – TP.HCM.
Kỷ nguyên số tạo ra bối cảnh mới
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) đã dần xuất hiện những robot thay thế con người làm việc. Đây là xu hướng mới trong quá trình tự động hóa sản xuất và trao đổi dữ liệu công nghệ. Điều này mang lại nhiều cơ hội và cả thử thách cho nguồn nhân lực.
Chương trình Hiểu mình, Hiểu nghề, Sáng tương lai diễn ra tại trường THPT Nhân Việt
Xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013, CMCN 4.0 kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh… Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Theo một chia sẻ trên báo chí gần đây, ông Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới nhận định: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu của các doanh nghiệp đối với nhân viên ngày càng có sự chọn lọc kỹ càng hơn. Đó là lý do mà nhiều doanh nghiệp thiếu nhân viên trong khi số lượng người thất nghiệp lại nhiều. Bài toán thừa thiếu nguồn nhân lực chỉ được giải quyết khi nguồn nhân lực thực sự có chất lượng. Sinh viên mới ra trường nếu đáp ứng các yêu cầu về nền tảng hội nhập, bắt kịp xu hướng và có chuyên môn vững vàng, nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương rất cao.
“Nếu giá trị bạn đem lại cho doanh nghiệp nhiều hơn 2001 USD, họ có thể sẽ trả cho bạn 2000 USD” – đó là chia sẻ của ông Lê Bình Trung – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp TP.HCM, trưởng ban Tuyển sinh trường Đại học FPT TP.HCM.
Sẵn sàng đón đầu xu hướng mới
Nhiều học sinh THPT bắt đầu tìm hiểu về tương lai ngành nghề
Để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, sinh viên cần được trang bị đầy đủ kiến thức và các kỹ năng. Trong đó, ngoại ngữ, chuyên môn, trải nghiệm, tinh thần làm việc là những yếu tố quan trọng.
Tại chương trình “Hiểu mình, Hiểu nghề, Sáng tương lai”, nhiều chuyên gia khẳng định nguồn nhân lực trong bối cảnh mới cần chuẩn bị nhiều hành trang. Trong đó, ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, tinh thần trách nhiệm và sự cầu tiến trong công việc sẽ khiến bạn trở thành lựa chọn hàng đầu của nhà tuyển dụng.
Khi hội nhập, rào cản về khoảng cách địa lý lãnh thổ không còn quá quan trọng. Vấn đề hàng đầu là ngôn ngữ để giao tiếp. Vì vậy, thế hệ trẻ cần trang bị tiếng Anh thành thạo thì mới có thể hội nhập. Bên cạnh đó, sinh viên cần hoạch định kế hoạch để sau 4 năm ngồi ở giảng đường sẽ có kiến thức chuyên môn vững vàng.
Một trong những yếu tố quan trọng đó là tác phong công nghiệp, kỷ luật, cầu tiến, sẵn sàng làm nhiều hơn công việc được giao sẽ làm gia tăng cơ hội thăng tiến. Chọn đúng ngành sẽ quyết định tương lai. Tại sao doanh nghiệp trải thảm đỏ mời về làm việc, vì đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp đang cần, vì đủ sức để đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp – ông Hồ Nhật Huy – đại diện trường Cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ thêm.
Bạn Đặng Nhật Minh mạnh dạn bày tỏ băn khoăn chọn ngành, chọn nghề
Nhiều bạn thắc mắc về dự báo nhu cầu ngành nghề, liệu sau 4 năm nữa ngành công nghệ thông tin có còn hot như bây giờ? Trong khi đó, bạn Đặng Nhật Minh – lớp 12A10 thắc mắc: “Nên chọn ngành theo đam mê hay ngành đang hot”. Vì nếu chọn ngành theo đam mê, chẳng hạn như sư phạm thì lương bổng thấp, nguồn cung quá nhiều trong khi lượng cầu thấp.
Băn khoăn của Minh cũng là băn khoăn của nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề. Nhiều chuyên gia tại buổi tư vấn cho rằng: “Đam mê sẽ là động lực cho quá trình chinh phục ước mơ. Dù vậy, có đam mê chưa đủ, trong 4 năm học cần có kế hoạch nỗ lực cụ thể, chuẩn bị hành trang để ra trường làm được việc ngay”.
Hana
Với những phản hồi tích cực từ hơn 80 trường THPT, chuỗi chương trình Tư vấn hướng nghiệp Hiểu mình, Hiểu nghề, Sáng tương lai tiếp tục diễn ra vào năm 2017. Đây sẽ là diễn đàn lắng nghe, chia sẻ, giải đáp những thắc mắc cho học sinh trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề.
Bên cạnh đó, học sinh còn được nghe những chia sẻ của các chuyên gia về cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đồng hành cùng học sinh, trường Đại học FPT với nền tảng từ tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam sẽ giúp học sinh định hướng được những hành trang để đón đầu và hội nhập bối cảnh mới.