Trước thềm buổi trao chứng nhận chứng chỉ Memory Grand Master cho 15 sinh viên ĐH FPT, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương – ĐH FPT đã có những chia sẻ xung quanh phương pháp nâng cao năng lực não bộ. TS Hồng Phương đầy nhiệt huyết khi nhắc tới việc đưa kĩ năng rèn luyện trí nhớ vào chương trình đào tạo cho sinh viên FPT.
Phát huy tối đa năng lực trí nhớ của não bộ
Biết đến phương pháp tối đa năng lực trí nhớ của não bộ thông qua một chương trình Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương để ý ngay và tham dự, tìm hiểu. Ngạc nhiên trước khả năng to lớn của não bộ mà vị kỉ lục gia thế giới về “Năng lực não bộ và cơ thể” – TS Biswasroop Roy Chowdhury khai mở, cô quyết tâm theo học khóa đào tạo do thầy dẫn dắt.
TS. Nguyễn Hồng Phương tha thiết muốn đưa các phương pháp cải thiện trí nhớ, nâng cao năng lực não bộ vào chương trình đào tạo cho sinh viên.
Sau nhiều tuần, nhiều tháng rèn luyện, nữ tiến sỹ đã nghiệm thấy những kết quả đáng kể như: Khả năng ghi nhớ tốt hơn, vận dụng được phương pháp ghi nhớ khi đi du lịch nước ngoài để nhớ tên người, tên địa danh, học các câu giao tiếp tiếng nước ngoài thông dụng một cách dễ dàng…
“Các phương pháp ghi nhớ mà khóa học cùng thầy Biswaroop giúp tôi ghi nhớ nhanh hơn, lâu hơn, có khoa học hơn và nhờ đó, tiết kiệm được thời gian hơn trong việc và cuộc sống. Sử dụng phương pháp này hàng ngày sẽ giúp não hoạt động thường xuyên và trở nên nhạy bén hơn.” – TS. Hồng Phương nói.
Bên cạnh đó, là một người mẹ, cô cũng tha thiết muốn học hỏi về phương pháp tuyệt vời này để dạy dỗ con cái. Sau khi được hướng dẫn và qua một thời gian rèn luyện, các con cô đã đạt được thành quả đáng ngạc nhiên trong kĩ năng ghi nhớ. Điều đó khiến người thầy trong cô hình thành một mong mỏi lớn hơn, đó là đưa các phương pháp cải thiện trí nhớ, nâng cao năng lực não bộ vào chương trình đào tạo cho sinh viên, giúp sinh viên Trường Đại học FPT có thể tiếp cận và ứng dụng những phương pháp ghi nhớ này trong việc học. Và cô lại tiếp tục tham gia khóa huấn luyện chuyên viên đào tạo.
Tại TP. Hồ Chí Minh,TS. Hồng Phương đã có buổi chia sẻ về nội dung này với 600 sinh viên Trường Đai học FPT. Sự hào hứng, thích thú của các bạn khiến cô thêm tâm huyết với ý tưởng của mình.
“Tôi nghĩ, nếu dừng ở mức độ “đơn giản” chỉ là hai buổi chia sẻ, rèn luyện có 3h đồng hồ/buổi như vậy thì thật uổng phí. Tôi muốn xây dựng một chương trình đào tạo dài hơi hơn, để các em sinh viên tiếp cận phương pháp này sâu hơn, hiệu quả hơn”, cô nói.
Đông đảo sinh viên FPT hào hứng, thích thú với những phương pháp nâng cao năng lực trí nhớ do TS. Hồng Phương chia sẻ.
Mong muốn của cô đã trở thành hiện thực, khi khóa học “Hành trình khám phá não bộ” do TS. Hồng Phương thiết kế chính thức được tổ chức cho 55 trong số 600 sinh viên đã theo học trước đó. Đến cuối khóa học, 15 bạn trẻ đã xuất sắc vượt qua kì kiểm tra, đánh giá năng lực não bộ. Đồng thời, từ tháng 9/2014, ĐH FPT chính thức đưa khóa học “Nâng cao năng lực não bộ” thành chương trình rèn luyện kỹ năng học tập trong tuần lễ định hướng cho 100% tân sinh viên.
Giúp phương pháp luyện trí nhớ đến với cộng đồng
TS. Hồng Phương cho biết, không phải vô cớ mà cô tâm đắc, sử dụng và muốn chia sẻ, truyền đạt rộng rãi phương pháp, công cụ nhằm nâng cao năng lực não bộ cho mọi người. Có thể, trong cuộc sống hiện đại, các thiết bị công nghệ thông tin đã và đang giúp con người rất nhiều trong việc lưu trữ thông tin và ghi nhớ mọi thứ… nhưng cô vẫn tin rằng, con người vẫn là chủ thể cao nhất và nên chủ động cao nhất trong việc nắm bắt, ghi nhớ thông tin. Việc rèn luyện trí nhớ sẽ giúp con người thêm minh mẫn, linh hoạt, không lo sợ gây “mệt” cho bộ não.
“Thứ nhất, theo các nghiên cứu khoa học, mỗi người bình thường trong chúng ta chỉ mới sử dụng tối đa khoảng 3% bộ não. Vì vậy, chúng ta đừng vội lo sợ sẽ “xài hết” não bộ của mình vì việc ghi nhớ. Thứ hai, não người là tập hợp các tế bào. Nếu không được vận động hằng ngày, các tế bào ấy sẽ thiếu nhạy bén, linh hoạt… khiến con người phải đối mặt với những nguy cơ như suy nghĩ trì trệ, hay quên, và tệ hơn là mất trí nhớ. Thứ ba, và đặc biệt quan trọng, đó là trong điều kiện công nghệ càng phát triển như hiện nay, nếu chúng ta phó thác hết cho các sản phẩm công nghệ, từ bỏ thói quen và nỗ lực ghi nhớ, thì chẳng khác gì chúng ta đánh mất “quyền làm người” của mình” – cô phân tích.
Vì những lợi ích ấy, TS. Hồng Phương muốn hướng đến các hoạt động nhân rộng phương pháp cải thiện trí nhớ, rèn luyện tư duy… hữu ích này cho mọi người.
Cô bày tỏ: “Một khóa học với chuyên gia thế giới về năng lực não bộ có chi phí khá đắt, và không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận. Vì thế, ngoài việc nỗ lực để đưa chương trình đến với sinh viên hoàn toàn miễn phí, tôi còn muốn tham gia thúc đẩy hợp tác giữa Trường ĐH FPT và Trung Tâm Huấn luyện và Đào tạo Não bộ Bimemo xây dựng và phổ biến các trò chơi trên máy tính phát triển các phương pháp ghi nhớ. Sản phẩm có tên “Khu vườn trí tuệ” sẽ giúp cung cấp “công cụ” để mọi người đều có thể rèn luyện trí nhớ.