Người tình thầm lặng của nhiều sinh viên trường F

Chỉ những người có vấn đề tâm lý mới phải tìm đến chuyên gia? Không hề, ở Đại học FPT nếu bạn có mong muốn được hiểu, chia sẻ, đồng điệu hay cần học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng… có thể tìm tới chuyên gia tâm lý mọi lúc tại phòng Tư vấn Tâm lý Cóc Kể.  Và không biết tự bao giờ nhiều người nói vui phòng Tư vấn Tâm lý Cóc Kể chính là người tình thầm lặng của sinh viên trường F.

Không gian tuyệt đẹp và thoải mái của phòng Tư vấn Tâm lý Cóc kể

Không cô đơn giữa khó khăn

Dù bạn năng động và nhiệt huyết, yêu đời đến đâu thì cũng sẽ có lúc yếu lòng, cũng sẽ có lúc phải đối mặt với khó khăn, cần chia sẻ, hay đơn giả chả cần 1 người lắng nghe bạn. Phòng Tư vấn Tâm lý Cóc Kể ra đời từ đó.

Dựa trên mô hình “Tâm lý học đường” của Mỹ kết hợp với dự án “Student counseling service”, Cóc Kể đã được xây dựng để trở thành điểm đến cho các bạn sinh viên gặp phải những vấn đề tâm lý, stress về học hành, buồn phiền vì chuyện gia đình hay thậm chí là chuyện tình cảm, cần được lắng nghe.

Các bạn sinh viên Đại học FPT có thể dễ dàng đặt lịch tư vấn qua fanpage, email hoặc qua hotline, và bạn sẽ được xếp một lịch tư vấn cá nhân để giải quyết vấn đề ấy. Quan trọng nhất mọi thông tin đều sẽ được giữ bí mật. Sau gần 3 năm hoạt động, Cóc Kể đã tiếp nhận hàng trăm lượt tư vấn mỗi kì, rất nhiều sinh viên đã được giúp đỡ để vượt qua những khó khăn, những giọt nước mắt bị kìm nén đã có một nơi đủ “an toàn” để rơi xuống.

Một buổi tư vấn tâm lý

Lệ Giang được nhiều người biết đến với 2 lần xuất sắc đạt danh hiệu Cóc Vàng nhưng ít ai biết, cô cũng từng phải tìm đến Cóc Kể. Giang cho biết: “Lúc đó mình mới học chuyên ngành, lại gặp một số chuyện gia đình nên đã rất stress, nhưng khi đến với Cóc Kể và nhận được sự tư vấn của chuyên gia mà mình đã có thể vượt qua khoảng thời gian kinh khủng đó. Mình đã vững tin vào bản thân hơn và có định hướng cụ thể hơn”. Giang cũng bày tỏ mong muốn Cóc Kể đến được với nhiều bạn sinh viên hơn để không một ai phải có cảm giác một mình cô độc trước những khó khăn.

Nơi không chỉ dành cho những vấn đề về tâm lý

Khi nhắc tên Phòng Tư vấn Tâm lý, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến một nơi chỉ dành cho người có vấn đề nghiêm trọng về tâm lý như trầm cảm hay tâm thần bất ổn nhưng với Cóc Kể không hẳn vậy. Mỗi sinh viên không chỉ có thể đặt lịch hỗ trợ các vấn đề tâm lý mà hoàn toàn có thể đặt lịch tư vấn hỗ trợ về các kĩ năng mềm nếu cảm thấy cần thiết.

Những buổi tư vấn nhóm về các kĩ năng, những buổi “Coffee chiều thứ 6” được Cóc Kể tổ chức để các bạn sinh viên cùng bàn luận về một chủ đề được nhiều người quan tâm. Hay những workshop có sự góp mặt của các diễn giả cả trong và ngoài trường với rất nhiều những chủ đề hấp dẫn liên quan đến Tâm lý và kĩ năng.

Các bạn sinh viên tích cực tham gia trong hoạt động Coffee chiều thứ 6 của phòng

Thu Trang – một sinh viên đã từng tham gia rất nhiều các hoạt động của phòng Tư vấn Tâm lý hào hứng kể: “Mỗi workshop trôi qua, mình nhận được rất nhiều những kiến thức bổ ích hơn thế nữa bản thân còn nhận được nguồn động lực to lớn, trở nên tích cực và hứng thú trong mọi việc mình làm hơn rất nhiều”. Nhận thấy được những lợi ích to lớn mà các hoạt động này mang lại, cô nàng đã quyết tâm trở thành một CTV tích cực của phòng. Gần nhất, Trang đã có được cơ hội thử thách bản thân trong vai trò “diễn giả” tại workshop “Tắt nỗi buồn bật niềm vui” của phòng Tư vấn Tâm lý Cóc Kể.

Những gương mặt thoải mái và vui vẻ của sinh viên trong một workshop do Cóc Kể tổ chức

Mọi ồn ào dừng chân sau cánh cửa

Bắt đầu với nguồn gốc từ một dự án dành cho sinh viên, Cóc Kể đã ra đời và phát triển trở thành người bạn đồng hành trong cuộc sống thường ngày của sinh viên. Trên hành trình ấy chắc chắn không thể thiếu được công sức của những con người đã góp phần dựng nên phòng Tư vấn Tâm lý như hiện nay. Đó là hình ảnh của cô Trịnh Thị Mai_trưởng bộ môn Softskill Đại Học FPT. Nhận thấy nhu cầu được tư vấn tâm lý của sinh viên sau dự án “Student Counseling Service”, cô là người đã đề xuất để lập phòng Tư vấn Tâm lý.

Đó là người đã đồng hành với Cóc Kể từ ngày đầu tiên và đi suốt chặng đường phát triển của phòng chuyên gia tâm lý Khuất Thị Hoa. Cô là người đã tìm hiểu và đưa mô hình Tâm lý Học đường áp dụng tại ĐH FPT; là người bắt tay vào cùng set up phòng để tạo được một không gian thoải mái nhất cho các bạn sinh viên; người trực tiếp tư vấn cho các bạn sinh viên; lên nội dung các hoạt động, chương trình của phòng và xây dựng Cóc Kể ngày một phát triển.

Chia sẻ về “đứa con tinh thần” của mình, cô Hoa nói “Cóc Kể có một ý nghĩa quan trọng với cá nhân cô, đây cũng là nơi mà những người làm nghề tâm lý như cô có cơ hội để nhìn thấy những góc riêng của sinh viên Đại học FPT và chia sẻ cùng các bạn”. “Cô muốn Cóc Kể tiếp tục phát triển, đến gần hơn nữa với sinh viên và trở thành ngôi nhà bình yên mà sinh viên nào cũng muốn đến chia sẻ mọi chuyện buồn vui trong cuộc sống, hay cần người lắng nghe cô cũng sẵn sàng.Hi vọng mô hình sẽ được lan rộng trong khắp hệ thống giáo dục của FPT”, cô Hoa mong muốn.

Cô Hoa trong workshop “Thuyết phục bằng tâm lý”

Phòng Tư vấn tâm lý hay Cóc Kể thực sự là một điểm mới lạ và hữu ích mà không phải trường Đại Học nào cũng có được. “Phòng Tư vấn Tâm lý chính là điều thể hiện sự quan tâm của nhà trường đối với sinh viên, mong muốn các em vừa trưởng thành về kiến thức vừa vững vàng về tâm lý để có được hành trang tốt nhất cho tương lai”, chia sẻ của chị Vũ Phương Hoa, một chuyên gia tâm lý hiện đang công tác làm việc tại phòng Cóc Kể.

Ngần ấy câu chuyện thôi đủ thấy phòng Tư vấn Tâm lý đã và đang là điểm đến lý tưởng dành cho các bạn sinh viên, một nơi các bạn có thể bỏ quên stress để motivate bản thân, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, học tập, tình cảm. Không những thế nó còn cho bạn những kỹ năng mềm cần thiết; là người tình thầm lặng luôn lắng nghe và giúp đỡ, là cứu cánh tâm lý của mọi sinh viên. Quan trọng hơn, với Cóc Kể “sẽ không một ai bị bỏ lại phía sau, không một ai phải cô độc chiến đấu với những khó khăn”

Hồng Phúc
Phóng viên FU