Chưa tốt nghiệp nhưng nhờ khả năng tiếng Anh cùng kinh nghiệm thực tế, tôi đã được một công ty nhận vào làm với mức lương 10 triệu đồng.
Tôi đang là sinh viên ngành Kinh tế (Đại học FPT). Dù chưa ra trường nhưng tôi đã đi làm hơn một năm nay. Tôi không dám nói nhiều về bản thân bởi các bạn trẻ bây giờ giỏi hơn thế hệ đàn anh. Họ năng động, dám nghĩ, dám làm và rất sáng tạo. Tuy nhiên, tôi chỉ có một vài chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm của bản thân khi ngồi trên ghế nhà trường vẫn có thể nhận lương chục triệu.
Học chuyên về Kinh tế, ngay sau khi hoàn thành các môn chuyên ngành căn bản và bắt đầu bước vào giai đoạn OJT (On job training – kỳ thực tập bắt buộc tại doanh nghiệp của sinh viên Đại học FPT, thường kéo dài từ 4 đến 8 tháng), tôi đã được trang bị khá đầy đủ và đa dạng về kiến thức, các kỹ năng mềm.
Là sinh viên chưa tốt nghiệp, nhưng tôi đã chủ động tìm việc sớm. Khi đi phỏng vấn, tôi cảm thấy khá tự tin với CV của mình bởi ở trường, tôi đã có điều kiện để chuẩn bị khá tốt về khả năng tiếng Anh, tương đương 6.0 IELTS sau khi hoàn thành chương trình tiếng Anh bắt buộc. Ngoài ra, tôi còn có nhiều chứng nhận tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, từng “lãnh đạo” câu lạc bộ Âm nhạc FPT Musical và những kinh nghiệm về lĩnh vực kinh doanh nhỏ ngay trong trường và ở kỳ thực tập.
Nhờ khả năng tiếng Anh cùng kiến thức, kinh nghiệm có được khi ngồi trên ghế nhà trường, Vũ Ngọc Lương tìm được công việc phù hợp.
Kết quả, tôi được nhận vào làm việc tại một công ty miễn thuế, công việc cụ thể của tôi là phụ trách sổ sách cho ngành hàng thời trang. Từ đây, tôi bắt đầu một hành trình mới, một thử thách mới đầy gian nan nhưng cũng không kém phần thú vị.
Thật ra, mức lương 10 triệu mỗi tháng với nhiều người có lẽ không lớn, nhưng với một sinh viên chưa ra trường như tôi thì đây là con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, điều tôi trân trọng hơn không phải mức lương mà là môi trường làm việc tốt, có khả năng phát triển khiến tôi trân trọng những gì mình nhận được từ công việc này.
Nơi tôi làm việc có môi trường thật sự chuyên nghiệp, lịch sự, tôi tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là những người có ý thức, văn minh nên tôi học từ họ cách ứng xử nơi công cộng, tác phong đi lại, làm việc.
Tuy nhiên, vì chưa ra trường nên tôi vừa phải đi học, vừa đi làm. Nhiều hôm, để tiện việc đi học, tôi làm đêm, từ 21h hàng ngày tới 7h sáng ngày hôm sau, buổi chiều, tôi lại phải di chuyển hơn 30 km để lên lớp. Học xong, về tới nhà thì cũng là lúc thành phố đã lên đèn và tôi lại phải đi làm, lịch học và đi làm kín nên tôi gần như không còn thời gian dành cho bản thân.
Công việc đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui khi có một khoản thu nhập khá và học hỏi thêm được nhiều điều mới mẻ từ một tập đoàn lớn. Dù vất vả nhưng tôi cảm thấy mình đã không để lãng phí thời gian.
Khi đi làm rồi, tôi mới hiểu rằng, sinh viên mình thực ra cũng có rất nhiều cơ hội nếu có được một chương trình học phù hợp. Trong đó, học kỳ thực tập tại doanh nghiệp vô cùng giá trị với sinh viên. Tôi rút ra một vài bài học rất cụ thể, có lẽ, hữu ích với các bạn còn đang ngồi trên giảng đường:
Thứ nhất, doanh nghiệp họ không tìm kiếm kinh nghiệm ở sinh viên mới ra trường. Thay vào đó, họ tìm kiếm sự nhiệt huyết, đam mê với công việc, khả năng làm việc chuyên nghiệp và mong muốn cống hiến của một người trẻ.
Thứ hai, khi còn trẻ, mình cần sẵn sàng đón nhận gian nan, vất vả. Đi học, đi làm đúng nghĩa vất vả nhưng nếu quyết tâm, ai cũng làm được. Khi đã làm được, bạn sẽ thấy thành quả thật ngọt ngào.
Thứ ba, hãy nỗ lực và tích lũy từ những điều nhỏ nhất. Nỗ lực khi học trên lớp, khi tham gia bất cứ hoạt động gì. Khi đã lựa chọn tham gia vào bất cứ công việc nào, dù là hoạt động ngoại khóa, hay vai trò lãnh đạo trên lớp, hoặc sau này là làm việc, chúng ta cũng nên làm hết sức. Vì như vậy chúng ta mới thấy năng lực, chịu áp lực, học hỏi… của mình đến đâu để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và biến mình thành một ứng viên sáng giá khi tìm việc.
Thứ tư, hãy tự tạo cho mình các khoản thu nhập từ những công việc kinh doanh nho nhỏ, hoặc sớm tìm kiếm cơ hội từ các công ty kinh ngay khi đi thực tập. Đi làm càng sớm, bạn càng thêm tự tin, vững vàng.
Vũ Ngọc Lương
Theo Vnexpress
Năm 2016, Trường Đại học FPT tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh đầu vào theo hình thức trắc nghiệm và viết luận. Kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 15/05/2016. Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của trường là 2000 sinh viên cho 8 chuyên ngành gồm Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Quản trị Kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật và Thiết kế đồ họa.
Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc sẽ tốt nghiệp THPT năm 2016. Hạn đăng ký dự thi đến hết ngày 11/05/2016. Thí sinh có thể đăng ký vào Trường Đại học FPT theo 1 trong 3 cách: Đăng ký trực tiếp tại các văn phòng tuyển sinh hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc thí sinh có thể đăng ký dự thi trực tuyến tại đây.
Chi tiết liên hệ: HN: (04) 73001866 – HCM: (08) 73001866 – ĐN: (0511) 7301866.