Nhật ký “Hạt giống viễn thông tương lai”: Bay cao khát vọng tuổi trẻ

Hòa nhập vào chuyến đi, tôi mới thực sự hiểu được mình đã may mắn như thế nào khi được chọn là đại diện của Đại học FPT nói riêng và Việt Nam nói chung tham dự chương trình “Hạt giống Viễn thông tương lai’’! Hai tuần ở Trung Quốc thật sự đáng nhớ …

Ở đây hay lắm, chơi trước rồi mới học!

Chúng tôi đặt chân đến Bắc Kinh khi tiết trời se lạnh. Mùa đông ở đây lạnh hơn ở Việt Nam nhiều, chỉ mới đầu đông thôi nhưng lạnh ngang với lúc đại hàn ở Hà Nội. Ai cũng trùm kín mít: người đội mũ, người quàng khăn, ai không có mũ có khăn thì về phòng nằm điều hòa…

Ở đây hay lắm, chơi trước rồi mới học! Trước khi học Hán ngữ và văn hóa Trung Quốc ở Đại học Bắc Kinh, chúng tôi được dẫn đi thăm các địa điểm, thắng cảnh lịch sử nổi tiếng nhất thủ đô Nếu Cố Cung cổ kính và uy nghi thì Vạn lý trường thành hùng vĩ và hoành tráng. Sau đó, chúng tôi đến thăm Đại học Bắc Kinh cũ. Tại đây, chúng tôi được dạy tiếng Trung, dạy vẽ và viết chữ theo phong cách đậm nhạt đặc trưng của Trung Hoa. Các thầy cô giáo ở đây đều rất thân thiện và vui tính.

 

Chúng tôi đã tự viết được chữ thư pháp.

Chúng tôi đã tự viết được chữ thư pháp.

Chỉ sau một tuần, chúng tôi đã có thể tự tin làm hẳn một bài giới thiệu bản thân bằng tiếng Trung, còn mấy câu chào hỏi giao tiếp, hỏi đường, hỏi giá… giờ chỉ là chuyện nhỏ mà thôi. Không chỉ thế, mỗi sinh viên còn có những tác phẩm thư pháp, tranh vẽ của riêng mình. Trước khi tới đây, không ai biết cầm bút lông thế nào, ấy thế mà giờ đã có thể tự viết chữ đem treo được rồi!

Tuần thứ hai là thời gian chúng tôi khám phá Thâm Quyến. Thay vì chỉ có một ngày như ở Bắc Kinh, lần này chúng tôi có hai ngày để tham quan nên “đã” hơn rất nhiều! Ngày đầu, tôi và mọi người được đưa đi ngắm biển và tham quan bảo tàng Thâm Quyến. Biển ở đây rất đẹp, nước xanh mà trong vắt, Bảo tàng thì khá rộng và sang trọng, khắc họa đầy đủ cả quá trình 40 năm phát triển của thành phố Thâm Quyến từ khi khai sinh cho đến hiện tại. Ngày thứ hai chúng tôi đi qua công viên Windows of the World – nơi trưng bày rất nhiều mô hình của các công trình nổi tiếng trên thế giới, bao gồm cả tháp Eifel, Kim tự tháp,…; chợ điện tử Hua Qiang Bei – bán rất nhiều đồ công nghệ rẻ mà đẹp; và làng văn hóa Trung Quốc – nơi tập trung rất nhiều những kiến trúc, công trình cổ cùng các sự kiện văn hóa, cổ truyền của đất nước Á đông này.

Thật tuyệt vì có quá nhiều kiến thức mới, công nghệ mới!

Cuối cùng, chúng tôi cũng đến điểm trọng yếu của hành trình này – Tập đoàn Huawei – nơi chúng tôi được học và thực hành các công nghệ kĩ thuật tiên tiến của thế giới, cũng như những sản phẩm riêng mà Huawei còn đang trong quá trình phát triển. Thật tuyệt vì có quá nhiều kiến thức mới, công nghệ mới.

Hai ngày đầu, chương trình học bao gồm các loại mạng viễn thông di động 3G, 4G và định hướng phát triển mạng 5G trong tương lai. Chúng tôi được trực tiếp thiết lập cấu hình mạng 3G, 4G trên những thiết bị phần cứng của Huawei – những cỗ máy có giá kinh tế lớn mà chúng tôi mới chỉ được học trên lí thuyết và thao tác trong… tưởng tượng.

 

Ghé thăm showroom trưng bày sản phẩm của Huawei, tôi có dịp mở mang tầm mắt về những sản phẩm công nghệ mới, hiện đại.

Ghé thăm showroom trưng bày sản phẩm của Huawei, tôi có dịp mở mang tầm mắt về những sản phẩm công nghệ mới, hiện đại.

Hai ngày tiếp theo là thời gian cho Mạng Thông minh (Intelligent Network). Đó là một loại mạng lưới liên kết nhiều thành phần thông tin lại với nhau, nhằm đem lại trải nghiệm thoải mái nhất cho người sử dụng. Lý thuyết luôn đi kèm với thực hành, chúng tôi lại được tham quan và tùy chỉnh các thiết bị hạ tầng mạng của Huawei, thiết lập Internet, IPTV, FTTx VOD,… Ngày cuối cùng, chúng tôi được dạy về công nghệ Điện toán đám mây, cùng với Dữ liệu lớn – một ngành đang cực kì hot hiện nay.

Học chuyên ngành Khoa học máy tính nên ở trường đại học, tôi không được học nhiều về những kiến thức liên quan đến Viễn thông. Sang bên này lại học toàn về Viễn thông nên tôi cũng bị chút hạn chế, nhưng cũng nhờ 3 anh khóa trên cùng trường học ngành Điện tử – truyền thông, đều có những kiến thức nhất định về lĩnh vực này, nên khi tôi có gì thắc mắc, lại được các anh giải thích rất kĩ càng, chu đáo. Nhờ vậy, tôi cũng có thêm quyết tâm học, tập trung hơn, chăm chú hơn trong những tiết học bổ ích này.

Kết thúc khóa học chúng tôi phải vượt qua một bài kiểm tổng quan kiến thức đã được dạy trong tuần vừa rồi để được cấp chứng chỉ. Đó là một bài ‘’test’’ ngắn, gồm 20 câu hỏi kiểm tra trong vòng 30 phút. Cũng giống như các bài kiểm tra ở trường Đại học FPT, các câu hỏi thuộc các dạng trắc nghiệm chọn 1/hoặc nhiều câu trả lời đúng, và đánh dấu đúng/sai. Câu hỏi được chia ra theo 4 mục lớn, tương ứng với 4 phần chúng tôi đã học: Mobilie Internet and 2G/3G network, Intelligent Network Application and Development Trend, FTTX GPON Triple-play service, và Cloud-Pipe-Device. Kiến thức kiểm tra tuy không quá khó nhưng đòi hỏi sinh viên phải thực sự chú tâm nghe giảng.

 

Những người tuyệt vời tôi gặp trong chuyến đi - họ chia sẻ với tôi những đam mê hoài bão và kinh nghiệm, kiến thức về CNTT

Những người tuyệt vời tôi gặp trong chuyến đi – họ chia sẻ với tôi những đam mê hoài bão và kinh nghiệm, kiến thức về CNTT.

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi tham dự buổi Lễ bế mạc, cùng tham dự còn có nhóm sinh viên Kenya cùng thành viên cấp cao của chính phủ Kenya, nhóm sinh viên Sudan, và tất nhiên không thể thiếu những nhân vật quan trọng từ bên phía tập đoàn Huawei Trung Quốc và Việt Nam. Đó quả thực là một buổi lễ long trọng với nhiều cảm xúc. Một phần rất vui vì chuyến đi đã thành công tốt đẹp, một phần lại buồn vì sắp phải chia tay những người bạn mới, phần vì tiếc nuối…

Hai tuần trải nghiệm “Hạt giống viễn thông tương lai’’ là một khoảng thời gian đẹp và tràn đầy ý nghĩa. Một chuyến đi mang lại cho tôi nhiều điều tuyệt vời: những người bạn mới tốt bụng và vui tính, lý tưởng tuổi trẻ với nhiều đam mê, hoài bão; những trải nghiệm về văn hóa và con người Trung Hoa; từ (Việt) Nam ra Bắc (Kinh); rồi những kiến thức về chuyên ngành công nghệ. Một chuyến đi thú vị, giúp tôi mở mang tầm mắt…

Phùng Minh Tùng, sinh viên khóa 8, Đại học FPT

Chương trình “Hạt giống Viễn thông Tương lai” là học bổng do Tập đoàn Huawei thực hiện từ năm 2008. Đến nay đã được triển khai tại hơn 20 quốc gia, với trên 70 trường đại học và hơn 10.000 sinh viên được hưởng lợi ích. Năm 2015 là năm đầu tiên Huawei đưa chương trình đến Việt Nam. Ngày 23/10, tại TP Thâm Quyến (Trung Quốc), 12 sinh viên Việt Nam, trong đó có 4 sinh viên của Đại học FPT gồm Phùng Minh Tùng – khóa 8 ngành Khoa học máy tính; Lê Quang Đức, Hồ Công Anh và Trịnh Xuân Trường – khóa 7 ngành Điện tử truyền thông đã tiếp nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học công nghệ tại Đại học Huawei.