Đó là những thầy cô với phương pháp dạy độc lạ, những cán bộ vô cùng nhiệt tình, những sinh viên siêu “khác người” tại trường Đại học FPT.
Thầy Nguyễn Thế Hoàng – “Giáo làng” xứ Sago
Hãy khoan nói đến những thứ như giải thưởng, bằng cấp khi nhắc đến “ông giáo” Nguyễn Thế Hoàng, bởi thước đo đặc biệt mà sinh viên FPTU dành cho “ông giáo” là sự hài hước và tình cảm. “Giáo làng” Nguyễn Thế Hoàng là giảng viên ngành IT, nhưng khi “đàm đạo với nhân sĩ ao làng”, người lại tự xưng: “Ta là giáo-làng, một thầy giáo dạy ở trường làng và kể chuyện bằng thơ. Ta là người đồng hành trẻ trâu cùng tụi nhỏ”.
Không thể phủ nhận, ông giáo ấy thích làm thơ (đặc biệt là làm thơ tặng trò nữ). Chẳng vậy mà, mỗi lời thầy thốt ra đều nghe như có vần có nhịp “Tôi chơi thơ vì nó rẻ, nó không có tốn kém chi phí. Tôi chẳng nhận là thi sĩ, chỉ là người kể chuyện bằng thơ, lan toả tình yêu cuộc sống cũng như cách tôi giữ bình quân trong cuộc sống bộn bề”.
Là “giáo làng” mà không hề giáo điều, là thầy mà lại không thích “dạy”, tuổi đời chắc độ ngoài 40, mà tuổi tâm hồn lại chỉ thuộc gen Z, đó là Nguyễn Thế Hoàng
Chưa hết, ông giáo Nguyễn Thế Hoàng còn có thói cà kê bà tám. Là thầy giáo bộ môn CNTT nhưng lại sở hữu “Nhật kí thi quán”, lại có “sở thích” ngồi hàng giờ để lắng nghe những câu chuyện vụn vặt nhất của lũ học trò. Ấy vậy nên, ở cái xứ Sago này, có mấy ai thoát khỏi ma lực của “giáo làng”.
Triết lý cuộc sống và nghề nghiệp của ông thầy làng Sago chắc hẳn cũng khiến nhiều người “bật ngửa”: Trên thông IT dưới tường Showbiz, Bảo hành sinh viên trọn đời, Mười ngón tay nhúc nhích nhúc nhích… Câu chuyện về giáo làng chắc dài cũng không thua kém gì chặng đường từ Sago tới thủ đô.
Thầy giáo Hồ Thăng Triều – Chủ nhiệm bộ môn bậc Đại học ở tuổi 25
Sinh năm 1996, giữ vị trí Chủ nhiệm bộ môn Quản trị Du lịch – Khách sạn ở tuổi 25, thầy giáo Hồ Thăng Triều là một trong những cái tên hot nhất tại Trường ĐH FPT Đà Nẵng. Tốt nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn của Viện Quản trị khách sạn và Du lịch HTMi, Thụy Sĩ, “anh giáo” mang vẻ đẹp của một “quái nhân” ấy đã dành một quãng thời gian sống và làm việc tại đất nước hạnh phúc Thụy Sĩ. Nhưng rồi sau quãng thời gian bình lặng ấy, thầy quyết định trở về quê nhà để sống với đam mê của nghề “cầm phấn”.
Sở hữu một vẻ ngoài điển trai, lại có khả năng làm chủ một lớp học đầy thú vị, Hồ Thăng Triều khiến các Cóc nhà F “mê” như điếu đổ. Thầy luôn sáng tạo, làm mới bộ môn và các tiết học của mình, đặt sinh viên vào vị trí trung tâm, khơi gợi trí tò mò để các bạn chủ đồng tìm tòi và tiếp thu tri thức.
Vừa đẹp, vừa giỏi, lại tâm lý, “anh giáo” Hồ Thăng Triều bị gắn mác “quái nhân” cũng là điều dễ hiều
Nhờ “sức mạnh” của tuổi trẻ, anh giáo ấy khá thấu hiểu tâm lý của sinh viên. Chính bởi vậy, “anh” dễ dàng “xử đẹp” mọi nguyện vọng, mong muốn của lũ trò nhỏ. Đồng thời, nhờ quan điểm giáo dục trẻ trung, không cần quá nghiêm khắc, cứng nhắc, mà cần biết cách dung hòa các cá tính trong một tập thể lớp, anh giáo cũng dễ dàng khiến những sinh viên cá tính nhất phải “nể” chứ không “sợ”.
“Ông giáo” đi gần 650km về Quy Nhơn “xây” trường
Võ Ngọc Hiền – Trưởng phòng Tuyển sinh FPTU Quy Nhơn – đệ Nhất (ý là đời đầu). Hàng trăm người biết Võ Ngọc Hiền đã từng là giảng viên FPTU TP. HCM, nhưng lại ít ai biết lý do khiến ông giáo ấy đang yên đang lành ở một thành phố trung tâm, tiện nghi, quen thuộc, làm nghề “gõ đầu trẻ” lại bỏ tất cả để về “xây trường” ở Quy Nhơn.
Quy Nhơn còn mới lắm. Nếu so với những ngôi trường anh chị như FPTU Hà Nội, FPTU TP. HCM hay ngay cả FPTU Đà Nẵng, thì FPTU Quy Nhơn chỉ như một đứa trẻ chưa biết lẫy. Công việc của những người bắt đầu khó khăn thế nào, vất vả ra sao thì chắc hẳn ai cũng hiểu. Ấy vậy mà ông giáo ấy vẫn quyết tâm về “chăm trẻ”, hàng ngày lo từ những chuyện bé như “bú mớm”, tới những chuyện lớn như “cho con học trường nào”.
Nhưng điều đặc biệt là, khó khăn thế, vất vả thế, bận rộn thế nhưng khi được “nhờ” thêm việc, “người tiên phong” ấy vẫn cười hì hì, gật đầu. Từ trên FPT Edu HO nối máy tới Quy Nhơn, xin thêm đôi ba nhân sự phối hợp cho chuỗi sự kiện kỷ niệm FPTU 15 năm, “ông giáo” ngày xưa ấy, lại cười hì hì: “Thôi để tên anh đi, tại là phòng có mình anh là chính thức”. Thế là trong cái danh sách ban triển khai cuộc thi Vạn dặm FPTU, ngoại trừ Trưởng BTC, có mình “Ông Võ Ngọc Hiền” mang cái chức danh Trưởng phòng, bơ vơ lạc lõng giữa một rừng nhân sự mang chức danh Cán bộ.
Nếu mà gán cho “ông giáo” cũ ấy cái tên “quái nhân”, chắc hẳn thế nào ổng cũng chối đây đẩy: “Hay skip qua anh đi, anh ngại hihi”. Đấy, thế lại càng khiến người ta thấy kì quái. Người thường chối scandal, chối phốt, chứ ai chối “hào quang” bao giờ. Nhiều việc cũng cười, ít việc cũng cười, được nhờ cũng cười và được giao thêm việc cũng cười, chắc chỉ có “quái nhân”.
Ở FPTU cũng lắm quái nhân, nhưng tiện tay “thảo” đôi ba dòng chỉ kể được có vậy. Tâm cũng không ngừng áy náy vì còn hằng hà sa số những con người mà bản thân muốn viết về. Nhưng chắc là vẫn nên hẹn đôi ba bữa trà chanh chiều mà kể cho thêm phần gợi cảm.
Theo FPT Edu
“Vạn dặm FPTU” là cuộc thi viết xuyên biên giới dành cho gần 30.000 sinh viên, cựu sinh viên, CBGV và các bậc phụ huynh “đã về, đã tới” trong suốt hành trình 15 năm thành lập ĐH FPT.
Cuộc thi kéo dài từ 1/7 – 1/8/2021 với tổng giá trị các giải thưởng lên tới 15 triệu đồng cùng cơ hội để trở thành tác giả trong cuốn sách Vạn dặm FPTU được xuất bản nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Trường. Mỗi tác giả có bài được chọn đăng trong sách sẽ được nhận một ấn bản giới hạn có chữ ký của Chủ khảo cuộc thi.
|