2 bộ phim hoạt hình do nhóm SV chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số, Trường ĐH FPT thực hiện không chỉ thu hút về mặt hình ảnh và âm thanh, mà còn có nội dung truyền cảm hứng với người xem.
Bộ phim mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa
“Take off” (Cất cánh) là bộ phim hoạt hình 3D để lại nhiều ấn tượng cho người xem được thực hiện bởi nhóm SV chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số, Trường ĐH FPT Hà Nội, gồm Phạm Trung Đức, Hoàng Đình Nghĩa và Nguyễn Thanh Tú.
Lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình bộ phim hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản Doremon và Ratatouille của Disney, nhóm SV xây dựng bộ phim với nhân vật chính là chú chim cánh cụt tên Ala. Ala luôn quyết tâm thực hiện mơ ước được bay cao, bay xa nhưng hằng ngày phải đối mặt với sự chế giễu từ những chú chim cánh cụt khác, đặc biệt là Gorda và Delgado.
Ý của bộ phim được thể hiện rõ ở phân cảnh cuối cùng Ala cũng đạt được ước mơ là được bay và nhìn thấy vẻ đẹp của bầu trời nhờ sự giúp đỡ của chính 2 người bạn Gorda và Delgado. Qua đó, nhóm SV muốn truyền tải thông điệp về một tình bạn đẹp, đề cao tinh thần đồng đội thông qua những cảnh phim được thiết kế đẹp mắt, sống động “như phim chiếu rạp”. Tính giải trí cũng được nhóm SV khéo léo thể hiện thông qua những tình huống giao tiếp hàng ngày giữa Ala và hai người bạn của mình.
“Cất cánh” (Take off) còn cho thấy sự nỗ lực vượt qua mọi ranh giới, mong muốn khám phá những điều mới mẻ cũng như niềm tin vào bản thân của nhân vật chú chim cánh cụt Ala. Để thể hiện những nội dung này thông qua một bộ phim hoạt hình dài hơn 7 phút, nhóm SV đã phải dày công lên ý tưởng, nghiên cứu xây dựng nhân vật một cách kỹ lưỡng, quá trình dựng hình cũng khá công phu, và cuối cùng đem đến một sản phẩm bảo vệ tốt nghiệp hoàn thiện nhất.
“Trong quá trình sản xuất, diễn hoạt có lẽ là công đoạn tốn nhiều chất xám và mất thời gian của nhóm nhất. Để mọi chi tiết đều thật mượt mà, tụi em cần phải chỉnh sửa nhiều lần ở một phân cảnh, ví dụ như hoạt động di chuyển của loài cánh cụt phải làm sao không đem lại cảm giác lấn cấn, hay cảnh tập trung vào biểu cảm nhân vật cần phải trau chuốt sao cho tự nhiên.”, Hoàng Đình Nghĩa – thành viên của nhóm SV chia sẻ.
Về tổng thể, sản phẩm tốt nghiệp được các thầy cô trong hội đồng chuyên môn đánh giá là một bộ phim hay, kịch bản được xây dựng ổn, cảnh phim sống động, đẹp mắt. “Kịch bản phim không mới nhưng gây được ấn tượng bằng các tình huống hài hước, duyên dáng, mang được tiếng cười đến cho khán giả.”, thầy Lê Tất Nguyên Khang – Đại diện hội đồng bảo vệ chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số, Trường ĐH FPT Hà Nội nhận định thêm.
Nét đẹp văn hóa dân gian được thể hiện độc đáo trong bộ phim hoạt hình
Đem món đồ chơi dân gian Tò he vào trong bộ phim hoạt hình “Grandpa’s Present” chính là ý tưởng có 1-0-2 của nhóm SV chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số gồm Nguyễn Tùng Lâm, Nguyễn Hoài Giang, Nguyễn Thị Lan Anh.
Lấy bối cảnh phim từ làng quê nông thôn Việt Nam, bộ phim phác họa chân thực khung cảnh đẹp đậm chất Việt. Những cánh đồng lúa, những ngôi nhà cổ, những con đường cổ kính và những vùng đất rộng mở nơi trẻ em nô đùa vào mỗi buổi chiều khiến người xem không khỏi thích thú trước vẻ đẹp vượt thời gian của cuộc sống nông thôn.
Chủ đề của bộ phim xoay quanh mối quan hệ giữa ông nội và cháu trai, cùng vật phẩm là một bức tượng gạo Tò he do ông làm tặng. Bộ phim đã phản ánh được một thực trạng khá phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay qua nhân vật người cháu trai, vì sức hút của những món đồ chơi hiện đại mà không trân trọng món quà quý giá từ ông nội, khi nhận ra thì đã muộn. Qua đó, nhóm tác giả muốn lan tỏa những giá trị truyền thống đẹp đẽ, mang đến bài học về sự trân trọng và đề cao công sức của những người đang ngày đêm miệt mài bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian.
Tuy tác phẩm tốt nghiệp đã được bảo vệ thành công, song nhóm SV cho biết nếu có thêm thời gian nhóm muốn bổ sung thêm một số chi tiết phụ như ánh sáng hoặc góc máy để hình ảnh Tò he được ấn tượng hơn, sửa lại nét diễn hoạt sao cho đồng đều và thuận mắt người xem để có thể đem đến một sản phẩm phim hoạt hình chỉn chu hơn.
Các thầy cô trong hội đồng cũng đánh giá cao về những thông điệp mà tác phẩm đem tới, về những khung cảnh phim chân thực, gần gũi mà nhóm SV đã xây dựng. “Cô đánh giá đây là một sản phẩm hoàn thiện, background của bộ phim rất đẹp, đúng chất khung cảnh làng cổ, thể hiện được kỹ năng thiết kế của các bạn khá tốt.”, cô Trần Thị Lệ Quyên giảng viên ngồi hội đồng bảo vệ chia sẻ.
Theo FPT Education