Nữ sinh IT trường F trở thành Đại sứ kết nối Việt Nam – Nhật Bản

7 tháng sau khi ra trường, Nguyễn Thị Mỹ Duyên – cô nàng cựu sinh viên chuyên ngành Kỹ sư phần mềm Nhật Bản – CNTT – Đại học FPT đã vinh dự trở thành Đại sứ của ITPEC VN. Nắm trong tay hành trình sang Nhật Bản vào đầu năm 2020 mang theo hoài bão “cầu nối” ngày nào mà cô nàng đã lựa chọn: “Nếu không có những cây cầu sẽ không có những dòng chảy ngoại tệ tràn về, công việc sẽ ít đi, lương thưởng bị bớt chút ít, tệ hơn thì nhiều thì anh em mất việc.”

dai su ket noi viet nam nhat ban

 

Với những gì thể hiện tại chương trình Top Gun, mới đây, Mỹ Duyên nhận được tin vui từ ITPEC VN. Đó là bức thư thông báo cơ hội giao lưu tại Nhật Bản dưới cương vị Đại sứ.  Cùng phóng viên (PV) trò chuyện với cô nàng Đại sứ này nhé. 

PV: Trở thành Đại sứ của ITPEC VN cảm xúc của Mỹ Duyên thế nào? Với vị trí này bạn sẽ đảm nhiệm những công việc gì?

 Mỹ Duyên: Phải nói đấy là một cảm giác rất tuyệt. Có thể cùng với các đại diện của các nước khác – những người cũng vượt qua các kỳ thi FE và đạt thành tích tốt nhất tại nước họ – trải nghiệm chuyến đi học hỏi về các công nghệ tiên tiến ở Nhật Bản chính là điều mà mình luôn mong muốn. Mình nghĩ là mình sẽ có cơ hội để nâng cao các kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm của mình y như lời thầy Ngọc Anh nói với mình là: “Hy vọng chuyến đi này sẽ tạo được cú hích cho em!”

Và mình cũng hi vọng, sau này, khi trở thành Đại sứ của ITPEC, mình sẽ trở thành một người như thầy vậy: có thể giúp mọi người có thể biết đến các kỳ thi của ITPEC, giúp mọi người có thể vượt qua nổi sợ trước các kỳ thi đấy và chia sẻ các trải nghiệm tuyệt vời của mình khi là một Đại sứ của ITPEC. 

PV: Cơ duyên nào đưa Duyên tới với chương trình Top Gun?

Mỹ Duyên: Để đến với Top Gun thì phải kể đến kỳ thi Sát hạch FE trước đấy, bởi điều kiện để một thí sinh ứng tuyển vào Top Gun chính là lọt top có kết quả cao trong kì thi Sát hạch Kỹ sư FE/AP. Đối với sinh viên ngành JS (Kỹ sư Nhật Bản) ở trường Đại học FPT thì không ai không biết về mức độ khó nhằn của kỳ thi này, lấy ví dụ về mức độ rộng của kiến thức thì đề thi có phần kiến thức trải dài suốt 4 năm Đại Học, cạnh đấy, các câu hỏi đều mang tính ứng dụng, tính toán cao. Chính vì thế mà có rất nhiều người biết đến kì thi này nhưng không nhiều người dám đăng kí thi.

Mình cũng đã từng rơi vào nhóm người đấy và phải nhờ thầy Bùi Ngọc Anh kéo mình ra khỏi “nỗi sợ” đề khó mà mình đạt được kết quả tốt kèm theo một chiếc mail đủ điều kiện đi phỏng vấn Top Gun.

Kỳ thi sát hạch Kỹ sư ứng dụng công nghệ thông tin AP được thực hiện dựa trên sáng kiến của Nhật Bản về việc chuẩn hoá kỹ năng CNTT chung ở châu Á-Asean nhằm cung cấp một thước đo cho những kỹ sư CNTT định làm việc ở nước ngoài hoặc làm việc trong các công ty nước ngoài tại nước mình để thể hiện được năng lực.

Hội đồng chuyên môn về sát hạch kỹ sư công nghệ thông tin khu vực (ITPEC) gồm 7 nước thành viên: Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Mông Cổ, Myanma và Bangladesh nhằm đẩy mạnh việc trao đổi thông tin giữa các nước trong khu vực châu Á, cùng nhau tổ chức các kỳ sát hạch kỹ sư CNTT (cùng đề thi, ngày thi và thời gian thi). Các kỳ sát hạch kỹ sư CNTT cơ bản đã được các nước thành viên ITPEC đồng tổ chức hai lần trong năm, vào tháng 4 và tháng 10.

PV: Bạn đã trải qua hành trình như thế nào để trở thành đại sứ của ITPEC VN?

Mỹ Duyên: Gian nan đầu tiên chắc là phải vượt qua được kì thi FE. Lúc vừa hoàn thành xong đồ án (tháng 5/2019), mình đã chuẩn bị một list các quyển giáo trình mà mình đã từng học ở trường để đọc dần cho đến tháng 10 thi. Nhưng chỉ vừa đọc được 2 quyển trong hơn chục quyển thì mình đã… bỏ cuộc (cười). Đến khi thầy khuyên mình đi thi thì mình chỉ còn đúng 10 ngày để ôn, thế là mình đọc thêm 2 quyển sách “bí kíp” của VITEC (chính là giáo trình môn JFE trường mình đó) cho kỳ thi này trong 3 ngày, còn 7 ngày mình tập trung luyện đề. Mỗi ngày mình còn chẳng dám ngủ quá nhiều và thậm chí trong mơ mình còn mơ là mình đang làm bài tập ý.

Nói 10 ngày để học FE rồi đỗ cũng không sai nhưng đằng sau đấy chắc là nhờ hồi trước mình cũng … chịu khó học với cả mình có mấy đứa bạn trường F vô cùng xuất sắc lúc nào cũng sẵn sàng giải đáp cho mình nên công đoạn ôn lại kiến thức không mất nhiều thời gian.

Thời điểm nhận được kết quả của FE thì cũng gần với lúc có thư mời phỏng vấn ITPEC. Mình đã tìm hết tất cả thông tin có được trên mạng, thậm chí là các thông tin ở các nước khác, các bài báo nước khác viết về Top Gun, cuối cùng mình chốt lại, ngoài việc đỗ với số điểm cao trong kì thi FE thì có lẽ việc có tâm thế sẵn sàng trở thành một Đại sứ ITPEC chính là một điểm cộng.

Và thật may mắn, nhờ những năm tháng chạy đi viết báo quanh trường F cũng như việc tham gia các hoạt động ngoại khoá, hoạt động của các CLB mà mình đã có vô số trải nghiệm tốt để có thể tự tin chứng minh được trước các thầy các cô ở VITEC rằng mình …đã sẵn sàng!

PV: Chuyến đi sang Nhật sẽ bắt đầu từ bao giờ? Bạn sẽ mang theo gì khi sang đây?

Chuyến đi dự kiến bắt đầu từ ngày 25/2/2020 đến ngày 5/3/2020. Chắc là mình sẽ mang một chiếc máy ảnh để ghi và giữ lại những khoảnh khắc ở Nhật Bản. Và một cái đầu thật … mới toanh để tiếp thu được nhiều kiến thức có thể.

 PV: Có lẽ vai trò Đại sứ lần này đang đi rất đúng hướng sau 4 năm theo học tại Đại học FPT của Duyên?

Mỹ Duyên: Mình theo ngành JS (Japanese Software Engineering) – chuyên ngành hẹp của Software Engineering. Ở chuyên ngành này, sinh viên có thể học nhiều tiết học về tiếng Nhật hơn.

Mình chọn ngành JS bởi vì từ thời điểm những kì học đầu tiên thì mình đã bị thu hút bởi một cái nghề – gọi là nghề kỹ sư cầu nối (Brigde System Engineer, viết tắt là BrSE). BrSE chính là người làm việc ở giữa khách hàng và team offshore với nhiệm vụ cầu nối cho cả hai bên. Thường thì cụm từ BrSE dùng nhiều cho những kỹ sư cầu nối với Nhật Bản.

Hồi đấy mình đọc được một dòng từ ebook của anh Trọng (kysubrse.com) có viết: “Nếu không có những cây cầu sẽ không có những dòng chảy ngoại tệ tràn về, công việc sẽ ít đi, lương thưởng bị bớt chút ít, tệ hơn thì nhiều thì anh em mất việc.” Chắc là do mình có cái hoài bão kiểu “muốn thay đổi thế giới” nên cứ muốn đâm đầu vào cái nghề mà nhiều người đã khuyên là nó rất khó khăn như này.

Hoài bão đấy nghe thật to lớn, nhưng muốn trở thành một BrSE lại khá khó nhằn, hiện tại mình vẫn đang cải thiện bản thân mỗi ngày, trau dồi các kỹ năng mềm lẫn cứng, tiếng Nhật lẫn ngôn ngữ lập trình để tương lai gần có thể trở thành “chiếc cầu” nối giữa Việt Nam và Nhật Bản.

PV: Trong mắt Mỹ Duyên ĐH FPT là ngôi trường như thế nào?

Mỹ Duyên: Đối với mình, môi trường ở FPT kì thật rất ngầu, ngầu từ các giảng viên cho đến bạn bè, ngầu từ con người cho đến vật chất, trang thiết bị. Những năm còn là sinh viên, mình đã được học hỏi rất nhiều điều hay ho không những từ các thầy giáo cô giáo mà còn từ các bạn bè xung quanh. Đến khi ra trường, lên học Thạc sĩ mình lại được tiếp tục làm quen với mấy anh cựu sinh viên trường. Các anh ý bây giờ đúng kiểu “lái xe hơi, ở nhà lầu” cả rồi, mỗi lần nghe các anh ý “hoài niệm” về trường hay kể chuyện về công việc thì mình như được rửa hết cả tai.

Mình nghĩ, có lẽ 4 năm ở Đại học FPT chính là một trong những đầu tư thành công của mình.

PV thực hiện