Với kịch bản chỉn chu và cách thể hiện đầy cảm xúc, phim ngắn “Thoi vàng chỉ ngọc” do các SV FPTU Cần Thơ thực hiện đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả tham gia buổi công chiếu tại Lotte Cinema vào ngày 31/1 vừa qua.
Dự án được sự tham gia tài trợ và cố vấn chuyên môn từ những tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực nghệ thuật và sản xuất media như: Nhóm tác giả Lâm Gia Thái Bảo, Cơ sở Dệt choàng Kim Chiều, G5 Media, KLANG Photo, Mây Art,… đóng góp kinh phí sản xuất và cố vấn chuyên môn trong suốt quá trình sản xuất.
Được biết, “Thoi vàng chỉ ngọc” cũng là dự án đầu tiên của Bụi Team, vốn là một dự án trong môn học “Sản xuất video” của chương trình đào tạo Truyền thông đa phương tiện Trường Đại học FPT Cần Thơ. Qua những lần đi tiền trạm, trải nghiệm thực tế làng nghề dệt choàng, nhóm đã vẽ ý tưởng của mình ngày một lớn dần thêm để rồi cùng nhau quyết tâm thực hiện một dự án cộng đồng đầy ý nghĩa về làng nghề truyền thống. Hầu hết các bạn trong nhóm đều là những người trẻ lần đầu biết đến máy quay, mọi thứ đều mới mẻ, nhưng với tinh thần nỗ lực, vừa học vừa làm cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình từ cô Lý Ngọc Thiên Kim và sự hỗ trợ, cố vấn chuyên môn của các đơn vị tài trợ, dự án “Thoi vàng chỉ ngọc” cũng đã hoàn thiện và đến với khán giả.
Đây là một quá trình mà cả đoàn làm phim đều tự thân vận động từ lên ý tưởng, phác thảo kịch bản, casting diễn viên, chọn bối cảnh quay, khung hình, góc máy, chỉ đạo diễn xuất, on set, dựng phim, xử lý âm thanh, hình ảnh,…Qua đó, có thể thấy rằng, công việc làm phim không hề đơn giản, nhưng bằng nỗ lực và tinh thần không ngừng học hỏi, Bụi Team đã thực sự khẳng định với tất cả mọi người như tagline: “Má ơi, mình làm được rồi!”.
“Thoi vàng chỉ ngọc” với độ dài khoảng 30 phút, xoay quanh câu chuyện về chàng sinh viên Hoài Bảo – chàng trai với đam mê nhiếp ảnh đứng giữa lựa chọn theo đuổi đam mê của bản thân hay tiếp tục nối nghiệp công việc gia đình – làm làng nghề truyền thống dệt choàng. Thông qua dự án, Bụi Team mong muốn truyền tải đến thế hệ trẻ thông điệp về tình cảm gia đình và nâng cao nhận thức của cộng đồng Gen Z trong việc giữ gìn những giá trị và vẻ đẹp của làng nghề truyền thống nói chung cũng như làng nghề dệt choàng Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp nói riêng.
Sau buổi công chiếu đầu tiên, phim ngắn nhận về nhiều đánh giá tích cực từ khán giả. Đa số đều cho rằng dự án “Thoi vàng chỉ ngọc” thật sự được đầu tư chỉn chu về mặt kịch bản, nêu bật lên thông điệp về tình mẫu tử và mối quan hệ giữa người trẻ hiện đại với truyền thống, từ đó quảng bá vẻ đẹp làng nghề dệt choàng và mang đến cho thế hệ trẻ một sự thấu hiểu sâu sắc về giá trị văn hoá dân tộc.
Thầy Võ Minh Sang – Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị Kinh doanh Trường Đại học FPT Cần Thơ chia sẻ: “Sau khi xem xong dự án Thoi vàng chỉ ngọc, bản thân tôi cảm thấy rất cảm động và tự hào. Cảm động vì một câu chuyện rất nhân văn và ý nghĩa, ở những đoạn cao trào thì đã có những giọt nước mắt đã rơi. Và tôi cũng thật sự rất tự hào vì các bạn sinh viên Truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học FPT Cần Thơ đã làm được, mang đến một tác phẩm chỉn chu về cả phần nghe, phần nhìn và phần xúc cảm trong mỗi người xem đang ngồi ở đây. Tự hào vì các bạn đã dám dấn thân biến một dự án nhỏ nhỏi trong môn học thành một điều lớn lao là mang những giá trị văn hoá làng nghề đến với cộng đồng.” Bên cạnh đó, thầy Sang cũng gửi lời cám ơn chân thành đến các cá nhân và tổ chức đã đồng hành, hỗ trợ cho Bụi Team trong quá trình thực hiện dự án.
Tại buổi công chiếu, đoàn làm phim cũng có phần giao lưu cùng khán giả và những hoạt động hỏi đáp, minigame, check-in chụp ảnh cùng khăn rằn,…Trước đó, nhóm cũng bán khăn rằn – tặng vé xem phim để ủng hộ làng nghề dệt choàng và mang hình ảnh chiếc khăn rằn đến với mọi người. Điều này cho thấy Bụi Team không những đầu tư cho dự án phim mà còn chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự kiện ra mắt phim lần này.
Buổi công chiếu kết thúc thành công tốt đẹp trong sự tự hào của mọi người. Thông qua dự án phim ngắn cộng đồng “Thoi vàng chỉ ngọc”, Bụi – nhóm sinh viên Đại học FPT Cần Thơ đã mang đến một thông điệp về giữ gìn văn hoá truyền thống trong giới trẻ, đồng thời là nguồn cảm hứng để mỗi người trẻ tin vào bản thân mình, chỉ cần dám làm và không ngừng cố gắng thì chắc chắn sẽ đến ngày chúng ta tự hào nói rằng: “Mình làm được rồi!”
Theo ĐH FPT Cần Thơ