Dân trí – Nhằm giúp tăng sự hứng thú cho việc học các môn khoa học tự nhiên, sinh viên ĐH FPT đã xây dựng dự án “Mạng xã hội giáo dục thông minh”, gồm những phòng thực hành thú vị trên không gian website 3D. Dự án này vừa lọt top 15 cuộc thi Khởi nghiệp cấp quốc gia VCCI 2016.
Vốn là dân chuyên Lý, Lê Quang Dũng – sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm ĐH FPT, nhận ra việc học các môn khoa học tự nhiên mà thiếu các thao tác thực hành sẽ rất khó tiếp thu và tạo ra hứng thú cho người học. Vì vậy, khi có nền tảng kỹ thuật được học từ ĐH FPT, Dũng quyết định tận dụng thế mạnh CNTT để đưa các giải pháp công nghệ tiên tiến vào việc mở phòng thí nghiệm “ảo”. Cậu thành lập một nhóm gồm 8 thành viên có cùng niềm đam mê, bắt tay vào xây dựng và ấp ủ dự án khởi nghiệp ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Cụ thể, nhóm sinh viên xây dựng một website mô phỏng các bài học, bài thực hành với đầy đủ các dụng cụ, hóa chất như trong các phòng thí nghiệm thực tế. Qua đây, học sinh có thể tự thực hiện các thí nghiệm Vật lý, Hóa học… mà không cần đến phòng thí nghiệm. Đặc biệt, các thiết kế website được nhóm sinh viên ĐH FPT áp dụng công nghệ 3D mới lạ, giúp học sinh được trải nghiệm phong cách học mới, như đang chơi một trò chơi 3D. So với việc học bằng hình ảnh hay xem video các thí nghiệm, học bằng phương pháp tự trải nghiệm này dễ hiểu và khiến học sinh nhớ lâu hơn. Hơn nữa các bài học còn kích thích được trí tò mò, sáng tạo và sự ham học hỏi ở các em.
Phòng thí nghiệm môn Vật Lý được xây dựng trên không gian 3 chiều. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Nhóm dự án của Lê Quang Dũng cực kỳ tâm huyết với ý tưởng này, bởi các thành viên tìm ra nhiều lợi ích mà website mang lại cho giáo dục. Học thực hành trực tuyến giúp học sinh vẫn có trải nghiệm học tập trong điều kiện nhiều trường học chưa đủ khả năng xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho học sinh, chưa kể đến việc phòng thực hành này học sinh có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi. Những yếu tố như tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất và thoải mái thực hiện các thí nghiệm mà không lo cháy nổ hay các tai nạn khác cũng là lợi thế cho học sinh.
Để xây dựng được một phòng học thực hành có tương tác online như vậy, các thành viên dự án đã phải đến từng trường cấp 3 để quan sát các lớp học và lấy ý kiến từ học sinh, cũng như nhờ giáo viên góp ý làm sao để gây được sự hứng thú trong các bài học. Đến nay, dự án mới xây dựng được 6 tháng nên hiện còn nhiều chi tiết chưa hoàn thiện.
Trưởng nhóm Lê Quang Dũng chia sẻ: “Chúng em hay nhờ thầy cô và bạn bè trong trường góp ý, rồi mang dự án đến gặp các anh chị start up thành công để xin kinh nghiệm. Có lần chúng em đến cả các cơ quan công nghệ để xin tư vấn, đầu tư. Nhiều người chê dự án không khả thi, bởi họ chưa từng thấy sản phẩm công nghệ này bao giờ. Dù bị “đáp đá” nhiều, nhưng cả nhóm lại coi đó là những bài học để mang dự án đến gần thực tế. Có thể những người bạn, anh chị ấy sẽ là khách hàng sau này của chúng em nên những nhận xét của họ giống như sự phản hồi của khách hàng để chúng em hoàn thiện sản phẩm”.
Đó cũng là lý do mà cả nhóm mang dự án đến nhiều cuộc thi để cọ xát. Giải pháp công nghệ “Mạng xã hội giáo dục thông minh” đã lọt top 5 cuộc thi “Startup Uni” do ĐH FPT tổ chức, đồng thời lọt top 15 dự án khởi nghiệp xuất sắc cấp quốc gia do VCCI tổ chức. So với các giải pháp nông nghiệp cùng dự thi tại cuộc thi Khởi nghiệp VCCI, dự án của các sinh viên CNTT nổi bật lên nhờ yếu tố công nghệ mới mẻ, được các chuyên gia đánh giá cao về ý nghĩa xã hội. Các sinh viên đã chứng tỏ được bản lĩnh của người trẻ khi dám giải quyết bài toán lớn của nền giáo dục.
Hiện giờ cả nhóm đã xây dựng được bộ giải pháp cùng bản demo phòng thí nghiệm và website mẫu để hỗ trợ học sinh học môn Vật Lý. Trong tương lai, dự án có thể phát triển thêm về việc dạy và học môn Sinh Học, Hóa Học và cả Ngoại ngữ.
Về kế hoạch kinh doanh, cả nhóm hướng đến khách hàng là các học sinh và giáo viên. “Nếu thầy cô muốn xây dựng bài mô phỏng thí nghiệm 3D, có thể tạo những lớp học trực tuyến trên website và mua các dụng cụ trong phòng thí nghiệm để thực hành. Ngoài ra, người dùng còn có thể tạo ra các thí nghiệm và rao bán ngay trên website”.
Nhóm dự án “Mạng xã hội giáo dục thông minh” gồm 7 sinh viên ĐH FPT và 1 SV trường bạn đạt thành tích xuất sắc trong vòng chung kết cuộc thi Startup Uni. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Sự phổ biến của Internet và các thiết bị máy tính, điện thoại, cùng với việc các nhà đầu tư rót vốn ngày càng nhiều cho những ý tưởng startup chính là cơ hội để dự án “Mạng xã hội giáo dục thông minh” thành công trong thực tế. Với đam mê và tài năng của thế hệ trẻ, những dự án khởi nghiệp như thế này sẽ sớm mang đến lợi ích đáng kể, góp sức vào bước phát triển vượt bậc của xã hội.
Trần Mai