Nhiều người cho rằng, chọn trường đại học không chỉ để tiếp nhận nền tảng tri thức, quan trọng hơn cả là các hoạt động trải nghiệm để con mình trưởng thành một cách toàn diện.
Cô Quách Thị Lộc, phụ huynh của bạn Nguyễn Khánh Chi – Sinh viên K13, ngành QTKD ĐH FPT chia sẻ rằng cô cảm thấy an tâm và hạnh phúc khi chứng kiến sự trưởng thành của con gái sau 4 năm học tập, rèn luyện tại Đại học FPT.
“Khi con chuẩn bị bước vào kì thi đại học, tôi đã tìm hiểu rất kĩ về Đại học FPT và hài lòng về chương trình học tại đây. Chính tôi là người đã hướng Chi vào ngôi trường này và đến giờ nhìn lại thì tôi biết quyết định của mình là chính xác. Khánh Chi bây giờ đã trưởng thành và năng động lên rất nhiều nhờ các giảng viên, cán bộ tại đây luôn quan tâm, giúp đỡ”, cô Lộc xúc động nhớ lại.
Nhiều phụ huynh có con đang theo học tại ĐH FPT cũng thấy mừng rỡ khi con biết chăm sóc bản thân sau một tháng rèn luyện quân sự, chủ động gọi điện hỏi thăm bố mẹ nhiều hơn hay gạt bỏ được sự tự ti khi trò chuyện với người lạ… Những thay đổi dù nhỏ bé nhưng lại khiến những người làm cha, làm mẹ an tâm vì con có những thay đổi tích cực dù sống xa vòng tay gia đình.
Các bậc phụ huynh luôn mong muốn con mình phát triển toàn diện với tư duy linh hoạt và thể chất năng động. Tuy nhiên, trường học truyền thống hiện nay chủ yếu tập trung vào truyền đạt kiến thức, dùng điểm số để đánh giá năng lực nên khó đáp ứng được hết các mong muốn này.
Chị Trần Thúy Hồng, phụ huynh của bạn Hoàng Mai Anh – Cựu sinh viên K12, chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số đã ủng hộ quyết định nộp hồ sơ vào ĐH FPT của con. Chị hiểu Mai Anh là túyp hướng ngoại, cá tính mạnh và không ngại “đi một mình một đường” nên một trường đại học truyền thống sẽ không phải là nơi phù hợp với con.
“Khi nghe con hào hứng kể về ĐH FPT, tôi đã gặp một số sinh viên của trường để xem các bạn ấy học tập ra sao, vui chơi thế nào. Sau đó, tôi cùng con tham gia Open Day ĐH FPT thì thấy cơ sở vật chất khang trang, môi trường sinh hoạt an toàn và quan trọng nhất là sinh viên ở đây rất năng động, tự tin… Vậy nên tôi đã đồng ý cho con theo học tại đây”.
Chỉ sau một năm đầu tiên, chị Hồng nhận thấy Mai Anh đã có những tín hiệu đáng mừng. Từ một nữ sinh được đánh giá là khá “ngông”, Mai Anh giờ có thể làm việc nhóm rất tốt, biết hạ cái tôi của mình xuống để lắng nghe ý kiến và tiếp thu góp ý của người khác. Thay vì chỉ tập trung vào sở thích hội họa, Mai Anh cũng tham gia các câu lạc bộ một số sự kiện để hoàn thiện kỹ năng nhiều hơn.
Với các bậc phụ huynh, trường học là một bước chuyển tiếp quan trọng để con cái vừa trang bị kiến thức vừa sẵn sàng cho cuộc sống sau tốt nghiệp, nên mô hình trường học trải nghiệm đang dần được cân nhắc khi cùng con chọn trường.
Theo Dân Trí