Từ nhiều năm nay, những kỳ học ngắn hạn tại nước ngoài, chuyến trao đổi văn hóa… đã không còn quá lạ lẫm với nhiều học sinh, sinh viên.
Đây là cơ hội tuyệt vời để các bạn trẻ được trải nghiệm môi trường giáo dục tiên tiến, đồng thời trau dồi khả năng ngoại ngữ và có thêm những hiểu biết về các nền văn hóa. Vậy để hiện thực hóa giấc mơ này, người học cần chuẩn bị những gì?
Khả năng ngoại ngữ
Tới học ở một quốc gia khác đồng nghĩa với việc sinh viên phải sử dụng ngoại ngữ 100% và hoàn toàn không còn cơ hội nói tiếng Việt. Do đó, nếu không có vốn ngoại ngữ đủ tốt, sinh viên không chỉ chật vật mà thậm chí còn không thể tiếp tục chương trình học. Đã có rất nhiều sinh viên Việt Nam sau một thời gian đi du học phải về nước vì mãi không thể đáp ứng các tiêu chuẩn ngôn ngữ của quốc gia bản địa.
“Tham gia chuyến trao đổi sinh viên của trường tại Singapore, mình vẫn mất hơn một tuần để thực sự “bắt nhịp” được với cách nói chuyện của người dân. Do đó, nếu bạn không có vốn ngoại ngữ thực sự tốt, chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi ra nước ngoài học tập, dù đó có thể chỉ là một chuyến học tập ngắn ngày” – Trần Minh Thư, sinh viên ĐH Ngoại ngữ chia sẻ.
Chưa kể ngoài khó khăn trong học tập, khả năng ngoại ngữ kém còn khiến bạn gặp bất tiện trong việc đi mua sắm, hỏi đường hay gần gũi nhất là làm quen với người bạn cùng phòng.
Các kĩ năng mềm
Được “thả” vào một môi trường hoàn toàn lạ lẫm, sinh viên sẽ dễ bị “ngợp” nếu không có sẵn những kĩ năng để thích ứng với cuộc sống mới. Đó có thể là những điều mà khi ở Việt Nam, bạn sẽ không nghĩ đến một ngày mình cần nó đến thế.
Nguyễn Lưu Bách (cựu sinh viên ĐH FPT) kể lại kỉ niệm tại xứ cờ hoa: “Ban ngày mình đến công ty, làm việc, thích nghi với môi trường nước ngoài, đến tối lại “cày” đồ án đến 2, 3 giờ sáng. Phải mất hơn một tuần, mình mới bớt căng thẳng và lo lắng”.
Để khắc phục sự hạn chế về kinh nghiệm làm việc, Bách tăng cường học hỏi kiến thức từ mọi nguồn: “Mình vừa làm vừa Google nghiên cứu, điều gì chưa giải quyết được thì trăn trở mãi”. Vất vả là vậy nhưng khi nhớ lại, Bách vẫn khẳng định: “Mọi thứ đều lạ lẫm từ phong cách giao tiếp, tác phong làm việc, nhịp sống… nhưng tất cả đều đem đến cho mình những bài học bổ ích”.
“Bước chân ra ngoài biên giới”
Hiện nay, ngày càng nhiều các trường đại học tổ chức các chuyến trao đổi sinh viên, các chương trình hợp tác quốc tế. Ví dụ như ĐH FPT với chương trình Passage to Asean (đưa sinh viên đi khám phá và trải nghiệm những nền văn hóa, giáo dục khác nhau của các nước ASEAN); “Học kỳ ở nước ngoài – Semester abroad” (sinh viên được đăng ký 1 học kỳ tại nước ngoài là đối tác của nhà trường với mức học phí tương đương trong nước) hay chương trình học tiếng Nhật tại 5 trường ĐH hàng đầu Nhật Bản với nội dung giảng dạy được thiết kế riêng cho sinh viên FPT.
Trở về từ học kỳ tiếng Anh tại Malaysia, Trương Đình Phú, sinh viên ĐH FPT chia sẻ: “Chuyến đi đã thay đổi suy nghĩ của mình, sau chuyến đi này mình trở nên trưởng thành hơn, dám làm nhiều thứ hơn, mạnh mẽ hơn, dám bước ra khỏi vùng an toàn để đón nhận nhiều thử thách, những điều mới lạ trong cuộc sống”.
Bên cạnh đó, với việc cập nhập giáo trình chuẩn quốc tế, những sinh viên bước ra từ FPT hầu như không bị bỡ ngỡ với lối giảng dạy tại các môi trường tiên tiến khác. Ngọc Châu – sinh viên ĐH FPT theo học chương trình trao đổi 1 năm tại Pháp cho biết: “Cách dạy học tại nơi đây không khác ở trường ĐH FPT là mấy, sinh viên vẫn là trung tâm của mọi giờ học, giảng viên sẽ trả lời toàn bộ câu hỏi của sinh viên theo cách dễ hiểu và dễ nhớ nhất”.
“Bước chân ra ngoài biên giới” là một giấc mơ đẹp mà tất cả các bạn sinh viên nên cố gắng trải nghiệm ít nhất một lần trong đời. Nếu có sự chuẩn bị chắc chắn và kĩ lưỡng, các bạn sẽ thấy rằng: “À, việc đó, không dễ nhưng cũng chẳng khó đâu!”
Theo Tuoitre