“Dòng nhạc tôi thích và tôi đã được học là dòng nhạc quốc tế, và ngần ấy năm tôi cũng ngồi ở dòng nhạc giao hưởng không dưới 30 năm, nhưng rồi cuối cùng, dòng nhạc mà tôi yêu mến nó lại chính là dòng nhạc dân tộc Việt Nam” – Đó là chia sẻ của NSUT Trần Đức Lợi – Thành viên của đoàn nhạc gõ Phù Đổng nổi tiếng cả nước – với các bạn tân sinh viên K15, Đại học FPT.
Cuộc gặp gỡ lần này, thầy mang rất nhiều loại nhạc cụ bộ gõ vừa quen thuộc, vừa xa lạ. Ngoài ra thầy cũng mang theo một bộ sáo trúc được chạm cẩn đẹp mắt và âm sắc rất hay.
Thầy đã có hành trình lưu diễn trên 20 quốc gia, đại diện Việt Nam tham gia đại nhạc hội âm nhạc thế giới tại Mỹ. Đồng thời, Thầy còn được đi biểu diễn nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do UNESCO tổ chức tại Pháp. Đoàn nhạc và thầy cũng 3 lần huy chương vàng liên hoan nghệ thuật toàn quốc. Niềm tự hào nhất đối với 8 nghệ sĩ đều là người một nhà này là được mời đi phục vụ nhạc lễ trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Với thầy mà nói, âm nhạc ở xung quanh ta, và loại nhạc khí vừa gần gũi, vừa dân dã mà ai cũng từng nghe là bộ gõ mõ và chuông chúng ta thường được nghe ở trong chùa. Thầy giảng rằng, chuông bằng đồng nên nó mang tính dương, mõ bằng gỗ nên nó mang tính âm. Thực chất, âm nhạc của mình đều mang màu sắc triết học của Phương Đông, không tính tiết tấu, chỉ riêng màu sắc, gọi là màu của âm thanh, vừa có âm thanh của gỗ, vừa có âm thanh của đồng. Âm, dương hài hòa là hạnh phúc, nhạc khí hội tụ đủ yếu tố này chính là loại nhạc khí hạnh phúc
Ngoài ra, thầy còn giới thiệu thêm loại nhạc khí mà cả thế giới cảm thấy độc đáo là Sênh. Sênh tiền được ở hầu hết các miền xuôi, được dùng trong các loại hình nghệ thuật dân tộc, được xuất phát từ nền văn hóa lúa nước. Điều đặc biệt ở Sênh chính là nó có tiền cổ của cha ông ta thời xưa, vì vậy đây chính là một trong những nhạc cụ gõ độc đáo được thầy giới thiệu ở Nhật, Mỹ và các nước Châu Âu.
Trong chương trình, CLB Nhạc cụ truyền thống FTI đã trình diễn 2 tiết mục bằng sáo trúc được thể hiện bởi bạn Chí Hùng và bạn Bách Khoa. Sau 2 tiết mục, để thể hiện thêm tính đặc sắc của nhạc cụ truyền thống, thầy yêu cầu bạn Bách Khoa chơi 1 bài nhạc trẻ là Sóng Gió, và cùng với đó, thầy và trò cùng nhau kết hợp giữa sáo, trống cơm và vài bộ gõ của thầy góp phần tạo nên sự thu hút cho những người tham gia.
Kết thúc buổi giới thiệu, thầy và CLB FTI đã giúp các bạn tân sinh viên K15 giải đáp thắc mắc về lớp nhạc cụ diễn ra sắp tới và cách lựa chọn nhạc cụ tốt, và những phụ kiện đi kèm để các bạn có thêm hiểu biết về nhạc cụ mình sẽ được học trong tương lai.
Xem thêm 1 số hình ảnh chương trình:
CLB FTI