Sinh viên Đại học FPT Mang yêu thương đến với các em nhỏ khiếm thính

Cuối đông ai cũng cần được yêu thương!

5 giờ sáng, khi trời còn nhá nhem, nhiệt độ xuống 12°C, chúng tôi đến với mảnh đất cao nguyên Đà Lạt. Cùng nhau mang những thùng quà, đồ chơi lên xe, chuẩn bị cho một chuyến Xuân Yêu Thương dành đến cho các em tại trường Khiếm Thính Lâm Đồng. Sự hân hoan niềm nở của các em học sinh nơi đây xua tan đi cái giá lạnh cuối đông.

Chúng tôi nhanh chóng chia ra thành những đội hình nhỏ, phụ trách các mảng gói bánh, nấu ăn, trang trí dọn dẹp nhà cửa. Mỗi người mỗi việc nhưng đều có sự liên kết với nhau. Gói bánh không hề dễ dàng, chỉ sẩy một chút thôi là chiếc bánh bị bục mất. Đã vậy gói đẹp lại càng khó hơn. Còn đội hình trang trí thì “hô biến” những cây đào xinh xắn có thêm những cánh mai vàng trước mắt các bạn nhỏ.

Chiều hôm ấy, chúng tôi bắt đầu một buổi sinh hoạt vòng tròn cùng giao lưu văn nghệ với các em. Với sự giúp đỡ từ CLB Ngôn Ngữ Kí Hiệu trường ĐH KHXHNV- ĐHQGTPHCM chúng tôi thấu hiểu được ý nghĩ của các bạn nhỏ khiếm thính. Trong chuyến đi này, anh trưởng đoàn đã đưa ra một quy định yêu thương đó là không sử dụng điện thoại để có nhiều thời gian vui chơi, hiểu các em hơn.

Đêm văn Nghệ có lẽ là phần làm chúng tôi thích nhất. Những bài nhảy, vũ đạo mà chúng tôi tưởng chừng như các em khó có thể hiện thực được nhưng lại trở nên quá xuất sắc. Các em có lẽ bị khiếm khuyết về khả năng nghe nhưng khả năng về tri thức, kiểm soát cơ thể đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng tôi giới thiệu cho các em về bộ môn Vovinam với bài Khởi Quyền mà gần như sinh viên Đại học FPT nào cũng biết. Đối đáp với màn khởi quyền đó là những đường đi quyền của bộ môn Karatedo, bộ môn thể chất mà các em được học tại trường. Với tôi, đêm hôm ấy là một buổi tối đáng nhớ nhất trong suốt chuyến đi.

Vào lúc các em đã chìm vào giấc ngủ cũng là lúc tôi cùng các bạn tình nguyện viên ngồi quây quần quanh nồi bánh và kể cho nhau nghe về câu chuyện của đời mình. Mà không phải là bằng ngôn ngữ bình thường đâu nha. Bằng ngôn ngữ kí hiệu đó! Kiến thức về thủ ngữ của tôi cũng chưa được giỏi nên vừa nói vừa được anh cả chỉ cho thêm vài chiêu. Lúc ấy, tôi thấy mình như hòa nhập hơn, hiểu hơn về cuộc sống của các em, các bạn khiếm thính.

Ngày hôm sau cũng là ngày bận rộn nhất, ngày tổ chức gian hàng trò chơi. Chúng tôi mang đến cho các em những trò chơi nho nhỏ, vận động như tạt lon, ném vòng, búng chanh, hay những trò mà mấy cô cậu nhỏ nào cũng thích như thắt vòng tay, tranh cát, tô tượng. Tất bật cả buổi sáng với những nụ cười chào ngày mới từ trên gương mặt các em.

Hoa đã nở thì đâu thể không tàn. Không có cuộc vui nào là mãi mãi.

Chúng tôi dọn dẹp “bãi chiến trường”, tặng quà , sách truyện cho các em rồi chia tay các em để trở lại những bộn bề của thành phố. Mỗi một chuyến đi là mỗi một bài học, chuyến đi này đã cho tôi biết thêm được một ngôn ngữ mới, những hoàn cảnh mới và trên hết là những kỉ niệm khó mà quên được. Trước khi chia tay, chúng tôi cũng đã không quên ôm lấy các em và hẹn các em vào một mùa hoa mai đào nở rộ khác.

Tạm biệt Đà Lạt, tạm biệt trường Khiếm thính, tạm biệt các em”.

FUHCM