Trái ngược với không khí đang tưng bừng rộn rã những ngày cuối năm tại Hòa Lạc, trụ sở đào tạo của Đại học FPT, khán phòng Blackbox trong 2 ngày 10 & 12.02.2015 vừa qua lại rất “tĩnh”. Đó là nơi đã diễn ra buổi workshop “Nghịch” và “Nối” do chị Nguyễn Lan Anh, phòng Phát triển Cá nhân điều phối, thu hút đông đảo sinh viên Đại học FPT tham gia với mong muốn học kết nối xúc cảm để cân bằng cuộc sống.
Những người tham gia hoàn toàn đắm chìm vào không gian tĩnh lặng trong nền nhạc du dương của buổi workshop tại Blackbox. Các bạn được yêu cầu thả lỏng cơ thể, giải phóng đầu óc, để tận hưởng trọn vẹn những bài tập hình thể, tương tác đầy ngẫu hứng nhưng rất giàu xúc cảm. Từng người, từng người một gặp nhau rồi tiếp xúc với nhau qua ánh mắt, rồi những cái chạm, cái ôm thật lâu, dần dần từng mức có thể cảm nhận được rõ ràng “đối tác” của mình.
Sử dụng nghệ thuật ứng dụng, chị Nguyễn Lan Anh đã thiết kế nội dung workshop với nhiều hoạt động trải nghiệm. Tất cả bài tập đều có sự xâu chuỗi và tăng dần mức độ tạo nên cảm giác rất thoải mái và gần gũi. Khi tham gia, người chơi cần thực sự dấn thân vào các bài tập để thực sự cảm nhận, chiêm nghiệm và tự rút ra những bài học cho riêng mình.
Phạm Quỳnh Chi (sinh viên khóa 7) tham gia workshop “Nghịch” với ý định ban đầu là được thư giãn sau khoảng thời gian căng thẳng vì học hành. Nhưng sau đó, Chi còn nhận được nhiều bài học giá trị như cách làm quen, lắng nghe những người xa lạ; vai trò của làm việc nhóm với cộng đồng thông qua trò chơi “Bà già bắt gián điệp” một hoạt động khiến người chơi thấy vững vàng hơn khi phối hợp nhóm.
Nếu như “Nghịch” kích thích sự sáng tạo, phá cách thì “Nối” khuyến khích người tham gia khám phá những chuyển động của cơ thể, đồng thời đón nhận những biến chuyển của cảm xúc. “Nối” mang đến cho người học những cảm nhận sâu lắng hơn qua những bài tập như Ôm, Chạm, Nặn tượng…Nối còn hướng sinh viên tới sự kết nối tiềm thức trong chính bản thân mình thông qua các hoạt động đánh thức cảm xúc và nhu cầu cần thiết của mỗi người.
Nguyễn Thành Công (sinh viên khóa 10) chia sẻ: “Em thấy tĩnh đi một chút, cảm giác nhẹ nhõm, trống rỗng, rất khác với em thường ngày vốn hiếu động. Bài tập em thích nhất là, thả lỏng cơ thể để người mới gặp chưa đầy 2 tiếng điều khiển mình, cảm giác ấy khá thú vị. Và lúc cả hai cùng thả lỏng với nhạc, lúc ấy thấy mình nhẹ hẫng đi.”
Cũng về “Nối” Lê Hoàng Đức (sinh viên khóa 10) khẳng định: “Sau workshop em đã biết cảm nhận được một phần của người khác và quan trọng nhất là đã cảm nhận được chính em, một cách sâu hơn rất nhiều, sẽ biết thư giãn và hiểu mình hơn. Trước khi đến workshop thì em thực sự vẫn tò mò, không biết workshop sẽ có cái gì, đến lúc thực hiện từng bài tập em mới cảm nhận và biết. Thực sự rất mới và ấn tượng!”
Âm nhạc, tiếng cười, những cái ôm-chạm nâng niu, những lưu luyến bồi hồi dù mới gặp nhau… dường như chỉ là một phần của thật nhiều những dư vị đọng lại sau mỗi buổi workshop.
Dùng nghệ thuật ứng dụng tạo điều kiện cho sinh viên khám phá tìm hiểu chính mình và kết nối với cộng đồng không phải là điều mới mẻ ở Đại học FPT này. Những lớp học lạ như “Nối”, “Nghịch”, “Buông” vẫn đang thu hút rất nhiều sinh viên muốn cảm nhận rõ về cơ thể và cảm xúc của chính mình để làm chủ ngôn ngữ cơ thể và tự tin hơn trong giao tiếp. Ngoài ra các bạn trẻ còn học được cách cân bằng tâm hồn để sống vui vẻ, lạc quan hơn.
Các buổi workshop của chương trình Phát triển cá nhân không chỉ đem đến cho sinh viên Đại học FPT kiến thức về nghệ thuật mà còn thông qua nghệ thuật để giúp các bạn đi tìm cái tôi khác biệt, khẳng định mình và hiểu để tôn trọng những khác biệt xung quanh. Ở ngôi trường công nghệ này việc học không chỉ là sách vở, laptop, mà còn là văn hóa, con người, và những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Đó cũng là mục tiêu quan trọng mà Chương trình phát triển cá nhân của Đại học FPT hướng đến.