Sinh viên ĐH FPT chế tạo máy bay gắn camera “chẩn đoán” bệnh cho cây lúa

Camera thông minh được gắn trên thiết bị bay được lập trình để có thể phát hiện bệnh đốm lá trên cây lúa với độ chính xác tới 80%.

Nhận thấy Việt Nam là nước nông nghiệp. Hiện tại đa số các hoạt động nuôi trồng, sản xuất của nông dân chủ yếu là sử dụng sức lao động của con người. Nhận thấy, việc sử dụng Digital Transformation vào lĩnh vực nông nghiệp mang ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế, Nhóm sinh viên Đại học FPT gồm: Trần Lê Duy, Nguyễn Mậu Hiếu, Lưu Diệu Hoa, Phạm Thiên Nhi đã sáng chế ra chiếc máy bay gắn camera để “chẩn đoán” bệnh cho cây lúa.

Dự án đã giành giải nhất cuộc thi FPTU Hackathon năm 2019, chủ đề: ứng dụng chuyển đổi số (Digital Transformation) vào mọi mặt cuộc sống.

Bốn thành viên nhóm đã xuất sắc giành ngôi vị quán quân cuộc thi FPTU Hackathon 2019. Cả 4 sinh viên nhóm N – Studio đều theo học ngành kỹ thuật phần mềm Đại học FPT.

“Sau quá trình bàn bạc, thảo luận, chúng em nhận thấy được vấn đề thực phẩm sạch đang được mọi người quan tâm nhất, đồng thời môi trường cũng là vấn đề đang nhức nhối trong toàn xã hội. Từ đó, chúng em quyết định làm ra sản phẩm phát hiện sâu bệnh trên cây lúa giúp giảm tối thiểu lượng thuốc trừ sâu phải sử dụng để góp phần giải quyết 2 vấn đề trên”- Trần Lê Duy, Trưởng nhóm chia sẻ.

Nhóm sử dụng một camera chuyên dụng lắp đặt trên một chiếc máy bay nhỏ. Chiếc camera này sẽ chụp hình ảnh tại ruộng và đưa hình ảnh phân tích bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo. Sau đó, từ hình ảnh này, trí tuệ nhân tạo sẽ đưa ra kết quả là lúa có bị bệnh đốm lá hay không. Độ chính xác của kết quả có thể lên đến 70% đến 80%.

Sản phẩm này có thể giúp người nông dân phát hiện sớm sâu bệnh và tăng năng suất cây trồng, giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu, chung tay bảo vệ môi trường. Vì trong thời gian 30 giờ lập trình tại cuộc thi nên nhóm chỉ có thể phát triển phát hiện được một bệnh của cây lúa. Nếu có thời gian nhiều hơn, nhóm sẽ lập trình để trí tuệ nhân tạo có thể nhận biết nhiều bệnh hơn.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng khởi nghiệp Đại học FPT rất ủng hộ và cho rằng đây là một đề tài hay. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là việc sử dụng cho những hộ nông dân nhỏ lẻ sẽ như thế nào, ngoài bệnh đốm lá có phát hiện thêm được những bệnh nào hay không? Đây cũng là lời gợi ý để nhóm phát triển thêm các tính năng cho sản phẩm để đạt được tính hữu ích cao hơn trong tương lai.

Chia sẻ cảm nhận khi tham gia một sân chơi Hackathon, bạn Nguyễn Mậu Tiến, thành viên nhóm nói rằng, thời gian 30 giờ đồng hồ để lập trình cho dự án thực sự là một thử thách. “Qua cuộc thi này chúng em đã học được kinh nghiệm làm việc nhóm, phối hợp giữa các thành viên trong nhóm. Tiếp theo, nhóm cũng học được cách thuyết trình và ứng phó xử lý tính huống”.

Tại cuộc thi FPTU Hackathon, các nhóm khác như “Quản lý chuỗi thanh toán dựa trên hệ thống blockchain có tính bảo mật và tốc độ cao” của nhóm The pioneer đã giành giải nhì. Giải ba thuộc về “Bright in the dark” và “Lung tung Band”. Giải khuyến khích thuộc về “Gusto” và “Đấu trường chân lý”.

Hà Thế An