Sinh viên ĐH FPT khiến cả hội đồng hết cười lại khóc với những đề tài phim hoạt hình ý nghĩa

Với sản phẩm đồ án là phim hoạt hình, bằng sự sáng tạo và khả năng chuyên môn, các bạn sinh viên chuyên ngành Animation – Thiết kế mỹ thuật số, Trường ĐH FPT không chỉ lấy được cảm tình từ hội đồng phản biện mà còn khiến người xem đi từ cảm xúc này tới cảm xúc khác.

Parabellum – Câu chuyện hài hước về một phi vụ giải cứu “mỹ nữ”

Parabellum là sản phẩm đồ án của nhóm 3 sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, Trường ĐH FPT, bao gồm: Bùi Văn Vũ, Mạc Tiến Son, Lê Minh Hiếu, dưới sự hướng dẫn của giảng viên Trần Anh Khoa. Sản phẩm đã được trình chiếu tại buổi bảo vệ đồ án của nhóm ngày 6/5/2021 và đem lại tiếng cười giải trí cho toàn hội đồng.

Poster phim Parabellum

Cái tên Parabellum xuất phát từ một câu nói trong bộ phim John Wick phần 3 bởi cả ba thành viên của nhóm đều là fan của bộ phim này và đây là câu nói mà cả nhóm khá ấn tượng. Parabellum là một bộ phim hành động hài hước thuần tính giải trí mà cả nhóm sáng tạo ra nhằm đem lại cho người xem những giây phút thư giãn mà không cần tư duy quá nhiều để tìm thông điệp cũng như giải quyết các nút thắt của bộ phim. Nội dung của Parabellum xoay quanh một anh chàng điệp viên điển trai với nhiệm vụ giải cứu con tin là một cô nàng nóng bỏng. Sau những bàn đấu súng và chiến đấu tay không đầy cam go thì cuối cùng anh đã giải cứu thành công con tin của mình. Nhưng điều bất ngờ vẫn còn chờ đợi ở cuối bộ phim.

Bùi Vũ – thành viên nhóm đồ án cho biết: “Để hoàn thiện bộ phim, nhóm đã ứng dụng khá nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng như học thêm các phần mềm mới để bổ trợ cho từng khâu của bộ phim như ánh sáng, góc quay, xử lý những lỗi về rigging… Trong quá trình thực hiện bộ phim, nhóm cũng gặp khá nhiều khó khăn liên quan tới tạo xương nhân vật, chuyển động của nhân vật… nhưng nhờ sự hướng dẫn của thầy Trần Anh Khoa và quá trình tự tìm hiểu, các thành viên đã cùng nhau giải quyết được các vấn đề ấy”.

Nhóm đồ án Parabellum tại ngày bảo vệ

Tại buổi bảo vệ đồ án, Parabellum được hội đồng phản biện đánh giá cao về tổng thể bộ phim, có tính giải trí cao, có nhiều phân cảnh có ánh sáng tốt và có độ sâu trường ảnh. Đồng thời, nhóm cũng được đánh giá là tuân thủ đúng quy trình làm một bộ phim hoạt hình và có sự phân chia công việc giữa các thành viên khá tốt.

The way to school – Câu chuyện về những “chiến sỹ” diệt giặc dốt giữa thời bình

The way to school là một câu chuyện xoay quanh một cô giáo vùng cao và hành trình giúp cô trò nhỏ đến trường, được thực hiện bởi bạn Phạm Thùy Linh và Trương Thanh An. Đây là một đề tài lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật mà nhân vật chính là mẹ của bạn Phạm Thùy Linh – một thành viên của nhóm.

Linh chia sẻ: “Câu chuyện về những thầy cô giáo luôn là những câu chuyện vô cùng ý nghĩa. Nó diễn ra ngay xung quanh ta và hiện tại vẫn còn rất nhiều cô giáo hàng ngày dùng nhiều tâm sức, suy nghĩ cho tương lai của học trò. Câu chuyện trong The way to school cũng là một câu chuyện như thế. Và nó ý nghĩa hơn hết đối với bản thân mình vì đây là câu chuyện có thật mà mẹ mình chính là cô giáo trong câu chuyện đó”.

Nổi bật trong The way to school là một lớp học ở vùng cao. Tại lớp học đó có một cô bé ham học, nhưng bởi hoàn cảnh gia đình nghèo khó lại đông thành viên, nên với vai trò là chị cả trong gia đình, cô bé phải nghỉ học để giúp mẹ trông nom em nhỏ. Khi thấy cô bé nghỉ học nhiều ngày, cô giáo ở lớp học ấy quyết định tìm tới nhà để tìm hiểu. Khi biết được hoàn cảnh gia đình, cô giáo đã nhiều lần tới để thuyết phục phụ huynh cho bé đi học lại nhưng đều bị từ chối. Không từ bỏ, cô giáo vẫn hàng ngày tới nhà cô bé để đưa sách vở, đồng thời dạy riêng cho cô bé học. Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cô, mẹ của cô bé đã cảm động và đồng ý cho cô bé đi học với điều kiện là phải được đưa em mình tới trường.

Hình ảnh ngôi trường vùng cao trong bộ phim hoạt hình Way to school

“Trong quá trình thực hiện đồ án, nhóm đã gặp khá nhiều khó khăn. Ngay từ khi được thầy hướng dẫn chấp nhận kịch bản phim, nhóm đã ngay lập tức bắt tay vào thực hiện phần research cho bộ phim bằng cách tới bảo tàng dân tộc học để tìm kiếm và tham khảo tư liệu. Tuy nhiên, những gì nhóm có thể tìm thấy tại bảo tang dân tộc học không đủ để thực hiện đồ án, nên nhóm mình đã bắt xe lên tận huyện Hoàng Su Phù – tỉnh Hà Giang để có thể tìm thấy những tư liệu chính xác và chân thực nhất” – Thùy Linh cho biết.

“Nhưng khó khăn lớn nhất chắc là công đoạn render phim. Đồ họa 3D mất rất nhiều thời gian để render, cụ thể là mất 30-35 phút cho một hình ảnh, trong khi ở bộ phim này, nhóm mình dùng 30 hình ảnh cho 1 giây, và tổng thể bộ phim dài khoảng 9 phút. Chính bởi vậy, nhóm đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng lựa chọn thuê dịch vụ render dưới dạng phần mềm để hỗ trợ việc này. Tất nhiên, nó cũng ngốn của hai đứa mình kha khá đấy ạ (cười)”. – Thùy Linh hóm hỉnh chia sẻ.

Tại lễ bảo vệ đồ án, The way to school đã lấy được cảm tình từ các thầy cô của hội đồng phản biện. Bộ phim được đánh giá cao về nội dung kịch bản cũng như sự chăm chút về hình ảnh. Tuy nhiên, nhóm cũng được góp ý rằng cần tạo hình nhân vật và ngoại cảnh sao cho bộc lộ rõ hơn chất của Hoàng Su Phì – một địa danh vùng cao tại tỉnh Hà Giang Việt Nam.

The Old Toy – Sợi dây kết nối giữa các thế hệ

The Old Toy là một bộ phim hoạt hình 2D do nhóm sinh viên Đỗ Trường Giang, Vũ Đức Hùng, ĐH FPT sản xuất. Câu chuyện xoay quanh một nghệ nhân nặn tò he và hành trình tìm lại đam mê của chính mình.

Chia sẻ về bộ phim, Giang và Hùng cho biết, “đồ chơi truyền thống là nét văn hóa đẹp của Việt Nam, và là kỉ niệm khó phai của nhiều thế hệ người Việt. Thế nhưng, trong kỷ nguyên mới, những giá trị truyền thống ấy đang dần bị lãng quên và thay thế vào đó là sự xuất hiện của những thiết bị, những món đồ chơi công nghệ hiện đại hơn. The Old Toy là một câu chuyện gợi nhắc người xem về những món đồ chơi giản dị, gần gũi, gắn liền với một phần tuổi thơ của họ, cũng như tái hiện lại một phần quá khứ, gợi nhắc thế hệ sau hiểu thêm về văn hóa truyền thống của ông cha mình”.

Tạo hình nhân vật trong The Old Toy

Dù gặp khá nhiều khó khăn liên quan tới tạo hình tò he, việc kết hợp phong cách của các thành viên, sự khác nhau về cách tiếp cận vấn đề cho tới sắp xếp thời gian khi đối mặt với khối lượng lớn công việc, nhưng nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và sự quyết tâm của các thành viên, nhóm đã vượt qua, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành bộ phim.

Tại hội đồng bảo vệ đồ án ngày 6/5, sản phẩm The Old Toy đã nhận được nhiều lời khen ở phần kịch bản, nội dung và được đánh giá cao về độ hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hội đồng phản biện cũng góp ý về phần tạo hình của con tò he hiện tại chưa thực sự truyền tải được hình ảnh của một chú tò he truyền thống.

Nhóm đồ án cũng cho biết, nhóm sẽ tiếp tục cố gắng cải thiện hơn về kỹ năng làm phim hoạt hình, đồng thời nghiên cứu nhiều hơn về kịch bản, nội dung để có thể truyền tải rõ hơn những thông điệp của nhóm đến với người xem.

The boy and the puppy – Câu chuyện về việc vượt qua nghịch cảnh

Đào Phương Uyên – nhóm trưởng nhóm đồ án cho biết, cảm hứng để sáng tạo bộ phim này xuất phát từ tình yêu đối với động vật và trẻ em. Câu chuyện xoay quanh một cậu bé gặp trở ngại về tâm lý sau một tai nạn và mất đi chân trái của mình. Và sự xuất hiện của một chú chó nhỏ cũng có khiếm khuyết ở hai chân sau đã làm cậu thay đổi, tích cực nhìn nhận mọi thứ theo một chiều hướng tốt đẹp hơn.

Đào Phương Uyên – trưởng nhóm đồ án tại buổi bảo vệ

Uyên cho biết, cô bạn đã gặp khá nhiều khó khăn với việc hoàn thành đồ án, đặc biệt là khi khối lượng công việc quá nhiều trong khi thời gian lại có hạn. Cô bạn cũng khá tiếc vì có những phần đáng ra có thể làm tốt hơn nhưng bởi tiến độ không được đảm bảo do một số lý do nên phải cắt bớt. Tuy vậy, đồ án cũng đã nhận được nhiều lời khen từ hội đồng chuyên môn như có sự đầu tư về mặt hình ảnh, bộ phim chỉn chu và được đầu tư, nội dung phim dễ hiểu, dễ chịu và đem lại thiện cảm cho người xem.

Tạo hình nhân vật trong The boy and the puppy

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng góp ý cho cô bạn như đầu tư thêm về phần background, làm kỹ hơn phần âm thanh, tâm lý cậu bé… Uyên cho biết, cô bạn sẽ tiếp thu và làm tốt hơn nữa ở các dự án trong tương lai.

Theo FPT Edu