“Sinh viên ĐH FPT sẽ bước ra thế giới với tiếng đàn bầu trong tim”

Nhắc đến Đại học FPT, không thể không nhớ tới những món “đặc sản” làm nên thương hiệu trường F như Vovinam, nhạc cụ truyền thống hay lớp học phát triển cá nhân. Đó là những yếu tố mà theo Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Thành sẽ giúp sinh viên FPT bước ra toàn cầu nhưng vẫn mang trong mình nét đẹp Việt Nam. 

Tối ngày 24/3, buổi livestream “Hola Talk 4 – Sức hấp dẫn của những môn học khác lạ tại Đại học FPT” đã diễn ra với sự góp mặt của 3 vị khách mời đặc biệt là anh Hồ Ngọc Bảo Khiêm – cán bộ Phòng Hợp tác quốc tế và phát triển cá nhân IC PDP, chị Nguyễn Thuỳ Chi – giảng viên âm nhạc và anh Đỗ Kinh Kha – giảng viên Vovinam. Họ đều là những nhân vật “đình đám” và hiện đang phụ trách những môn học đặc biệt ở Đại học FPT Hà Nội.

Chia sẻ thêm về bộ môn nhạc cụ dân tộc, Giảng viên Nguyễn Thùy Chi bật mí hiện tại Đại học FPT giống như một nhạc viện thu nhỏ: “Trường dạy rất nhiều loại nhạc cụ như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tì bà, sáo, trống… Nếu khoảng 4,5 bạn sinh viên chơi thân với nhau, mỗi bạn học một loại nhạc cụ là đủ để tạo thành một band rồi. Điều làm tôi cảm thấy tuyệt vời nhất là khi sinh viên FPT đi du học hay đi làm trên thế giới, các bạn mang nhạc cụ ra để chơi thì hình ảnh Việt Nam khi đó sẽ xuất hiện khắp mọi nơi”.

Không nhẹ nhàng, uyển chuyển như âm nhạc, Vovinam gắn liền với hình ảnh “bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái”. “Ở Đại học FPT, sinh viên sẽ được dạy 3 yếu tố của Vovinam là võ lực, võ thuật và võ đạo. Nghĩ tới võ thuật, võ lực, người ta có thể nghĩ tới sự xù xì, thô lỗ. Nhưng thực tế, võ đạo mới là cái xuyên suốt khi chúng tôi giảng dạy Vovinam. Võ đạo là điều làm cho Vovinam trở nên mềm mại và mang tinh thần dân tộc”, anh Đỗ Kinh Kha cho hay.

Với anh Hồ Ngọc Bảo Khiêm, bộ môn của anh đứng lớp lại có chút mới lạ mang tên “nghệ thuật ứng dụng”. Những bài học này giúp sinh viên giải phóng bản thân, giải phóng cảm xúc, học cách bày tỏ và thể hiện cá tính của mình. Qua đó, các bạn học cách kết nối với những người xung quanh, với cuộc sống và chấp nhận khác biệt.

Quan điểm của anh Khiêm và có lẽ cũng là của Đại học FPT khi dạy những bộ môn phát triển cá nhân, xuất phát từ thực tế nhu cầu của xã hội: “Sinh viên học cùng một lớp, cùng một thầy dạy, cùng kiến thức nền như nhau, môi trường giáo dục như nhau, khi đi xin việc, nhà tuyển dụng sẽ chọn ai? Họ sẽ nhìn ra ai là người tự tin hơn, có nhiều kỹ năng hơn, phát triển bản thân tốt hơn và có định hướng rõ ràng. Nhà tuyển dụng sẽ luôn chọn những người đó”.

Theo Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Khắc Thành, ngay từ những ngày đầu, một trong những mục tiêu của trường là sinh viên có thể tốt nghiệp toàn cầu nhưng vẫn mang trong mình nét đẹp của Việt Nam. Đó là lí do ĐH FPT đưa võ cổ truyền Vovinam và nhạc cụ truyền thống thành môn chính khóa. Làm quen với âm nhạc và võ là một hình thức giáo dục rất tốt, để sinh viên có cuộc sống đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Thầy Nguyễn Khắc Thành chia sẻ lý do nên học các môn như: Vovinam, âm nhạc…

“Chúng tôi hay nhắc đi nhắc lại một câu rằng “Bước ra thế giới với một tiếng đàn bầu trong tim”. Đại học FPT mong muốn sinh viên khi tốt nghiệp có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Các bạn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Nhật… nhưng vẫn còn một ngôn ngữ chung nữa là âm nhạc. Đó là con đường dẫn đến trái tim rất nhanh và giúp các em tự tin hơn cùng với vốn hiểu viết và trí tuệ của mình”, anh Nguyễn Khắc Thành khẳng định.

Theo FPT Edu