Sinh viên Start up: “quả ngọt” chỉ dành cho tính kiên trì

Bước ra khỏi quy luật ra trường – đi làm, 5% sinh viên ĐH FPT sau khi tốt nghiệp chọn con đường khởi nghiệp để bắt đầu sự nghiệp của mình. Thách thức, rủi ro luôn hiện diện, nhưng khát khao được đi trên chính đôi chân của mình, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn lại chính là điều hấp dẫn bên cạnh yếu tố “kiếm được nhiều hơn”.

Quyết tâm lại từ đầu sau 6 tháng đóng cửa công ty

Khi còn sinh viên năm cuối, Trương Long – cựu sinh viên khoá 6 ngành Kỹ thuật phần mềm ĐH FPT đã thực hiện ước mơ của mình khi thành lập công ty Giải pháp Công Nghệ LILO (Lilotech). Trước khi trở thành một công ty có 15 nhân sự, doanh thu ổn định và trở thành đối tác quen thuộc của các công ty từ Nhật, Thuỵ Sĩ hay các thương hiệu lớn như Intel… Lilotech từng bị đóng cửa tận 6 tháng vì không có doanh thu.

Long trong ngày bảo vệ đề tài tốt nghiệp – một chiếc găng tay hỗ trợ giao tiếp cho người khuyết tật

Long quan điểm “cái gì cũng có giá của nó” nên ngay từ khi còn theo học tại ĐH FPT, Long đã xác định để sở hữu một doanh nghiệp riêng không còn là một giấc mơ mà mình cần nỗ lực gấp nhiều lần người khác. Long nói về thời gian đầu của Lilotech, cũng là thời điểm thực hiện đồ án tốt nghiệp của mình: “bên cạnh đồ án, mình nhận thêm 6 “project” (dự án) bên ngoài, làm “team leader” (nhóm trưởng) cho Intel Product Viet Nam. Khi đó, một ngày mình phải làm việc đến 19 tiếng.

“Chương trình học tạo thói quen thích nghi nhanh với các công nghệ, mỗi môn học đều yêu cầu phải thực hiện những bài tập thực hành lớn” đã giúp chàng cựu sinh viên nhanh chóng bắt nhịp với áp lực khi bắt tay vào các dự án thực tế. “Cày” liên tục, vừa hoàn thành việc học, vừa hoàn thành các dự án nhận thêm đã cho Long thêm vững vàng về kiến thức chuyên môn.

Tuy nhiên, vận hành một công ty lại không đơn giản chỉ bằng việc đáp ứng thời gian được giao, Long vấp phải vấn đề thiếu kinh nghiệm quản lý và hoạch định đúng chiến lược kinh doanh như nhiều start-up trẻ khác. Giải pháp của Long là chấp nhận thất bại và đóng cửa công ty để vẽ lại mô hình hoạt động dựa trên những gì đã học được và những thế mạnh của mình để có được “một chiến lược có thể nuôi công ty ổn định và phát triển” đến hôm nay.

Nói về thất bại ngay từ những ngày đầu thành lập công ty, Long thể hiện rõ quyết tâm của mình: “tiền có thể mượn, người có thể thuê, thiếu nhất là kinh nghiệm. Mình nghĩ nếu muốn có kinh nghiệm thì nên trải nghiệm, thất bại cũng là một kinh nghiệm quý báu”.

Long cũng không quên chia sẻ với sinh viên cùng trường đang có kế hoạch khởi nghiệp: “Điều mình thích nhất ở ĐH FPT là sinh viên ngành CNTT bên cạnh các môn lập trình vẫn được học về quản trị. Những môn này có khi sinh viên ít quan tâm nhưng với đó lại là những kiến thức tiên quyết cho mình có thành công được một start up hay không”.

Hiện thực hoá ước mơ từ thời cấp 3

Cũng như Long, Nguyễn Quốc Huy – (sinh viên khoá 10) theo học ngành CNTT nhưng vẫn yêu thích kinh doanh. Song song với việc học tại Đại học FPT, Huy vẫn duy trì một cửa hàng online chuyên kinh doanh mặt hàng điện thoại di động, chủ yếu về iphone và ipad, kết hợp sửa chữa thay thế linh kiện. Có được sự tham gia và hỗ trợ từ các sinh viên cùng trường ĐH FPT, Huy đặt tên “đứa con tinh thần” của mình là UniPhone với Uni thể hiện “màu cờ sắc áo” sẽ ưu tiên nguồn nhân sự cùng trường.

Uniphone hiện đã đem về thu nhập ổn định cho Huy

Yêu thích các sản phẩm công nghệ từ lâu nhưng đến khi gặp chút rắc rối không mua được chiếc điện thoại mình yêu thích, Huy mới ấp ủ giấc mơ có được chuỗi cửa hàng thiết bị di động của riêng mình. Huy kể: “Năm lớp 12, mình đến cửa hàng điện thoại để mua trả góp iPhone 6 trị giá gần 10 triệu đồng. Nhân viên làm thủ tục trả góp đến làm hồ sơ, các điều kiện đều thoả chỉ duy nhất là chưa tới ngày em đủ 18 tuổi. Mình ngậm ngùi đi về”. Trong quá trình tìm kiếm một chiếc điện thoại vừa túi tiền hơn, Huy cũng “bỏ túi” chút kiến thức về điện thoại và sau khi bước vào đại học, Huy “tập tành bán điện thoại online”, rồi mở rộng quy mô, xây dựng thành UniPhone và kinh doanh có hệ thống.

“Khó khăn lớn nhất là sự phản đối từ gia đình, vì Huy theo học Kỹ thuật phần mềm, không phải về lĩnh vực kinh doanh” – trở ngại đầu tiên của người thành lập UniPhone, Huy chọn giải pháp kiên trì và phấn đấu. Sau 4 tháng, với uy tín từ trước cùng kiến thức về marketing, kinh doanh Huy có được từ các cuộc thi đã tham gia khi là sinh viên ĐH FPT, UniPhone đem về mức thu nhập từ 15-25 triệu đồng mỗi tháng.

Không dừng lại ở đó, Huy dự định sau khi UniPhone ổn định hơn, sẽ tập trung phát triển nhiều lĩnh vực khác. Hiện tại, chàng trai đa năng đang dự định thực hiện một công cụ giúp trắc nghiệm tính cách chọn ngành nghề và cũng để doanh nghiệp tìm kiếm nhân lực phù hợp mang tên UniFind.

“Tuổi trẻ ai mà không thất bại, quan trọng là mình phải biết đứng lên và biến nó thành một lợi thế. Kinh nghiệm sẽ không ai truyền dạy hết cho mình được, chỉ khi mình va chạm vào tinh huống thực tế thi mới biết rút ra đươc bài học về sau này” – Huy nhắn nhủ đến những người có cùng giấc mơ khởi nghiệp như mình.

H.B

Năm 2018, Đại học FPT tuyển sinh các chuyên ngành: Kỹ thuật phần mềm; An toàn thông tin; Khoa học máy tính; Quản trị kinh doanh; Quản trị khách sạn; Kinh doanh Quốc tế; Ngôn Ngữ Anh; Ngôn Ngữ Nhật; Truyền thông đa phương tiện; Thiết kế đồ họa theo hai hình thức: tham gia kỳ thi tuyển sinh ngày 13/5 hoặc đăng ký xét tuyển.

Thí sinh có tổng điểm trung bình 3 môn trong 2 học kỳ (HK 2 lớp 11 + HK 1 lớp 12 hoặc HK 1 lớp 12 + HK 2 lớp 12) >= 7.0 điểm trở lên* xét theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT đủ điều kiện miễn thi kỳ thi tuyển sinh đầu vào của trường có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.