Cùng Đại học FPT trò chuyện với Mai Huy Hoàng – sinh viên năm 3, ngành Quản trị Kinh doanh – trường Đại học trước kỳ thực tập tại Ấn Độ sau khi vượt qua phần thi của Global Entrepreneur- Thực tập Startup Toàn cầu- AIESEC. Đây cũng là một sinh viên năng động, từng tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm tại trường Đại học FPT.
Chào bạn, chúc mừng bạn là 1 trong những thực tập sinh vượt qua phần thi của AIESEC. Cảm xúc khi bạn nhận được thư mời thực tập như thế nào?
Cảm xúc khi nhận được thư mời là rất vui nhưng cũng kèm theo một chút lo lắng. Mình vui vì mình đã thực hiện mục tiêu mà mình đề ra, tự hào chứng tỏ với nhà tuyển dụng nước ngoài rằng người Việt Nam đủ bản lĩnh và xứng đáng là người họ chọn.
Lo lắng đó là mình phải đối mặt với việc đi xin Visa, vì Visa dành cho “intern” (thực tập) không dễ dàng đạt được nếu bạn không thể hiện cho đại sứ quán những thông tin chính xác về bản thân và mức độ phù hợp công việc với công ty. Mình đã bị đại sứ quán từ chối lần thứ nhất, rất khủng hoảng nhưng mình không bỏ cuộc và mình đã làm được.
Được biết, bạn sẽ thực tập cho một tổ chức chính phủ ở Ấn Độ. Bạn thực tập trong lĩnh vực nào và trong khoảng thời gian bao lâu?
Mình thực tập đúng lĩnh vực mình học – marketing, mình sẽ thực tập trong 13 tuần. Mình thực tập tại một tổ chức của chính phủ là Trung tâm Innovation & Incubation Centre (IIC) nhằm giúp đỡ những sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên năm cuối tại trường Đại học, những dự án khởi nghiệp đến từ những ngành khác nhau và đặc biệt là những sản phẩm về công nghệ, mình cũng có cơ hội thử sức sáng tạo ý tưởng trên những ngành nghề đó. IIC được Chính phủ tiểu bang công nhận và được Bộ Chính sách Công nghiệp và Xúc tiến (Chính phủ Ấn Độ) công nhận là Vườn ươm Khởi nghiệp Ấn Độ.
Tại sao bạn chọn tổ chức này cũng như đất nước Ấn Độ để thực tập trong lĩnh vực này?
Mình nghĩ mình không chọn Ấn Độ mà có lẽ Ấn Độ chọn mình thì đúng hơn. Vì mình nộp hồ sơ thực tập tại 3 nước: Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Vẫn nhớ vào tháng 3, mình rất vui khi nhận được thư mời thực tập tại Đài Loan nhưng sau đó vì lý do Visa nên mình không đi được. Cùng lúc đó, mình phỏng vấn với tổ chức Ấn Độ và được gửi kết quả là trở thành 1 trong 30 thành viên đến từ 20 quốc gia khác nhau trên thế giới như Đức, Pháp, Tusnisia, Mocroco, China,…. Mình đồng ý và quyết định chọn Ấn Độ để thực tập.
Hẳn là bạn đã chuẩn bị rất nhiều thứ trước kỳ thực tập ở một đất nước như Ấn Độ? Sự chuẩn bị đó là gì?
Ngay khi mình học kì 3 – khối ngành Kinh tế – trường Đại học FPT, mình đã xác định mình sẽ thực tập tại nước ngoài nên mình đã nỗ lực rất nhiều. Cùng với đó, giáo trình nước ngoài đã giúp mình rèn luyện khả năng ngoại ngữ một cách thông thạo.
Còn thông tin thực tập có rất nhiều nguồn. Bạn bè trong trường Đại học FPT cũng giúp mình tìm ra những điểm mạnh và yếu của bản thân cũng như công việc nào phù hợp với mình. Mình rất cảm kích các bạn trong lớp mình vì điều đó.
Một chìa khóa để mình thành công là mình rất am hiểu về văn hóa Đông Nam Á từ ngay những ngày mình đi trao đổi, làm tình nguyện ở những quốc gia khác nhau, rồi những kỹ năng sống như tự lập, tìm đường, giao tiếp cả nấu ăn sẽ rất bổ ích cho những chuyến sau của bạn.
Trong trí tưởng tượng, bạn nghĩ rằng môi trường thực tập ở Việt Nam và Ấn Độ sẽ khác nhau điều gì? Bạn tìm hiểu về chỗ ở cũng như công ty của mình khi sang đó làm việc chưa?
Rất khác. Đặc biệt là môi trường quốc tế và thực tập đúng với ngành học.
Mình tìm hiểu rất kĩ, từ những phương tiện mà mình có thể làm được. Từ youtube, trang web rồi những anh chị đã đi trước, mình đều hỏi ý kiến tham khảo.
Trước đây, bạn đã từng đi nước ngoài rồi phải không? Bạn có thể chia sẻ thêm về chuyến đi đó? Bạn mong chờ điều gì từ chuyến đi sang Ấn Độ lần này?
Để mà chia sẻ về những chuyến đi đó thì mình nghĩ là thêm một vài bài nữa. Vì rất nhiều kỉ niệm đẹp, nhiều trải nghiệm mới khi mình đi trao đổi tại Malaysia, quen rất nhiều bạn nước ngoài, là nền móng tiếng Anh vững chắc cho mình, mình rất biết ơn Đại học FPT vì điều đó.
Mình cũng từng đi làm tình nguyện về mảng giáo dục tại Thái Lan, những con người thân thiện đến mức bạn phải kinh ngạc, những ý nghĩa và động lực để học tập chăm chỉ và nổ lực bắt nguốn từ những thứ nhỏ nhặt truyền cảm hứng cho bản thân mình.
Sau mỗi chuyến đi là mỗi lần mình trưởng thành.
Ba mẹ hay người thân hẳn là ủng hộ cho chuyến đi của bạn? Châm ngôn sống của bạn là gì?
Rất ủng hộ. Ba mẹ và chị hai là người giúp mình thực hiện những chuyến đi này.
Mình đặc biệt cảm ơn đến chị hai của mình vì chị đã sát cánh bên mình mọi lúc mọi nơi, chị hai là một nguồn năng lượng tích cực to lớn để mình vững tâm theo đuổi ước mơ của mình. Châm ngôn sống của mình là: “ yêu đời, hài lòng và trân trọng những gì mình đang có”.
Chúc bạn có một chuyến vui và có những trải nghiệm thú vị.
Đại học FPT cũng vừa ký kết MOU với trường SCMS (Ấn Độ)
Mới đây, SCMS cũng đã đến Đại học FPT để ký kết MOU (Memorandum of Understanding). SCMS là tập đoàn giáo dục của Ấn Độ được thành lập từ năm 1976. Đây là tập đoàn hàng đầu về giáo dục Đại học tại Ấn Độ về các mảng kinh doanh, quản lý, kĩ thuật và công nghệ. SCMS sở hữu 6 trường thành viên gồm: Kinh doanh, Công nghệ và Quản lí, Phát triển vi sinh học, Kĩ thuật và Kĩ sư, Kiến trúc, Bách khoa. Các trường này hoạt động ở những tỉnh khác nhau gồm: Kochi (Cochin), Kerala, India. Một trong những trường Đại học của SCMS đã đạt kiểm ACBSP – kiểm định vàng trong giới kinh doanh quản lý dành cho những trường tốt nhất thế giới. |
Theo SVVN