Nhiều ý tưởng kinh doanh mới mẻ, được đánh giá là có tiềm năng triển khai thực tế đã được sinh viên ĐH FPT trình bày trong buổi bảo vệ tốt nghiệp tại hội đồng Dự án kinh doanh (Bizplan).
Kimchi Bus – Mô hình bán đồ ăn nhanh “bước ra từ trong phim”
Lấy ý tưởng từ những chiếc xe bán đồ ăn lưu động trong phim ảnh Hàn Quốc, một mô hình vốn chưa phổ biến ở Việt Nam, nhóm SV ĐH FPT Hà Nội Nguyễn Thành Đạt, Lê Huy Hoàng, Đoàn Trọng Thắng và Nguyễn Thị Khánh Linh đã phát triển đề tài “Kimchi Bus – Korean fast food truck” (Xe bán đồ ăn nhanh Hàn Quốc – Kimchi Bus). Theo mô hình này, những chiếc xe tải bán đồ ăn thức uống sẽ được thiết kế theo phong cách Hàn Quốc và di chuyển linh động trên các tuyến đường, hoặc tìm kiếm mặt bằng phù hợp và thuê chung với đối tác.
Đối tượng khách hàng mà dự án hướng đến là các bạn học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng trẻ (16-30 tuổi). “Với Kimchi Bus, chúng mình mong muốn tạo ra những dấu ấn đặc biệt trong tiềm thức của khách hàng, bằng việc phục vụ bánh mì sandwich với công thức độc quyền, đã được tùy biến theo khẩu vị của người Việt Nam. Ngoài ra, xe bán hàng Kimchi Bus còn mang đến trải nghiệm ăn uống độc đáo mà các bạn trẻ thường ao ước tìm kiếm khi xem các bộ phim Hàn Quốc”, SV Thành Đạt, trưởng nhóm chia sẻ.
Xây dựng dự án kinh doanh về ngành hàng ẩm thực, một lĩnh vực không mới nhưng luôn có nhiều tiềm năng để khai phá, nhóm SV cho biết mình vừa có những thuận lợi, vừa gặp phải những thách thức không ngờ. Khó khăn lớn nhất đó là việc xe bán đồ ăn lưu động không có địa điểm kinh doanh cố định, nên các thành viên trong nhóm đã phải đi khảo sát khắp các ngõ ngách ở TP Hà Nội, tìm kiếm và chụp lại những nơi phù hợp để chọn làm mặt bằng. Khó khăn tiếp theo là việc thiết kế bộ nhận diện làm sao cho ấn tượng, chỉn chu, để dự án không bị “lu mờ” trước rất nhiều start up khác ngành ẩm thực. “Nhóm mình đã phải làm việc xuyên suốt nhiều ngày tháng, thậm chí họp qua đêm trong 1 tuần liền để đảm bảo xuất xưởng kịp một bộ nhận diện thương hiệu như ý”, Đạt cho biết.
Không chỉ khảo sát thị trường, lên kế hoạch tỉ mỉ cho dự án kinh doanh, nhóm SV ĐH FPT Hà Nội còn đầu tư công sức và thời gian để nghiên cứu và “trình làng” sản phẩm demo (món sandwich với công thức mới lạ, hòa trộn hương vị ẩm thực Việt Nam – Hàn Quốc) ngay tại buổi bảo vệ khóa luận. “Điều khiến nhóm tự tin nhất là việc đã hoàn thiện nội dung dự án chỉn chu, có sự chuẩn bị kỹ càng cho việc demo sản phẩm kèm đồng phục thương hiệu bắt mắt. Tuy nhiên, vẫn có chút tiếc nuối vì thời gian buổi bảo vệ khá ngắn so với những gì mà nhóm muốn truyền tải đến Hội đồng, cũng có một chút lo lắng, hồi hộp nên phần thuyết trình chưa đạt được 100% như kỳ vọng”.
Bùa yêu – Dự án “liều” nhưng ấn tượng
Nhóm SV ĐH FPT Hà Nội gồm Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Viết Cương và Lê Hữu Hưng Thành đã xây dựng kế hoạch kinh doanh cho sản phẩm nước hoa với tên gọi khiến nhiều người tò mò: “Bùa yêu”. “Khi bắt tay vào tìm kiếm đề tài cho dự án, nhóm đặt ra mục tiêu sẽ tìm được một đề tài có ý nghĩa đối với cộng đồng. Sản phẩm mà nhóm hướng đến không chỉ có công dụng tạo mùi thơm mà còn giúp cả phái nam và phái nữ chăm sóc cơ thể, giải quyết nỗi tự ti khi giao tiếp, hoạt động trước đám đông”, SV Lan Anh, thành viên nhóm chia sẻ.
Được đánh giá tốt về sự sáng tạo, tính độc đáo của dự án, nhưng nhóm SV chia sẻ buổi bảo vệ trước Hội đồng còn giúp các bạn nhận ra khá nhiều vấn đề tồn đọng trong kế hoạch kinh doanh này. “Cả 5 thành viên của nhóm đều học chuyên ngành hẹp là Marketing, nên khi xây dựng kế hoạch cho phần Tài chính của dự án còn gặp nhiều hạn chế. Vì thế mà mỗi lời nhận xét, góp ý của thầy cô trong buổi bảo vệ đều rất quý giá với chúng mình. Nhờ đó, nhóm biết được những điểm yếu, điều còn thiếu sót và phải sửa đổi, bổ sung thì triển khai dự án mới có hiệu quả”.
Là Chủ tịch Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp Dự án kinh doanh của ĐH FPT Hà Nội trong các ngày ngày 26-27/4, TS Trịnh Trọng Hùng (Chủ nhiệm bộ môn Quản trị kinh doanh ĐH FPT Hà Nội) cho biết anh rất ấn tượng trước sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, tư duy năng động và sáng tạo trong kinh doanh của các bạn SV. “Nhìn chung các khóa luận có chất lượng khá tốt, với đề tài bám sát thực tế và có tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, điểm hạn chế là các số liệu tài chính mà SV đưa ra còn chưa được cụ thể và sâu sát. Để khắc phục điều này, SV nên dành thời gian nhiều hơn cho việc khảo sát kỹ lưỡng thị trường để thu thập được những số liệu sát với thực tế nhất”.
Tại TP. HCM, SV ngành Quản trị kinh doanh ĐH FPT cũng chuẩn bị bước vào đợt bảo vệ tốt nghiệp của mình trong các ngày từ 26/4 – 5/5. Một số đề tài khóa luận thú vị, hứa hẹn mang tới nhiều bất ngờ có thể kể đến như: “Kế hoạch phát triển trung tâm dạy cờ vua online và offline”, “GezHome – Kế hoạch kinh doanh nhà ở Co-living cho sinh viên tại TP. HCM”, “54Soul – Kinh doanh thời trang theo xu hướng nghệ thuật kết hợp văn hóa Việt Nam”…
Theo Tổ chức Giáo dục FPT