Fes-Webinar 07 với chủ đề “Happy teachers change the world” diễn ra vào tối 18/11, là cơ hội cho các bạn học sinh, sinh viên được nghe những tâm sự, chia sẻ cùng các thầy cô nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Sự kiện do Ban Công tác học đường FPTU Edu tổ chức nằm trong chuỗi hoạt động mùa lễ tri ân người làm trong lĩnh vực giáo dục.
Webinar với sự góp mặt của PGS.TS. Chu Cẩm Thơ – Trưởng Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; thầy Vũ Hồng Quân – Giám đốc điều hành THPT FPT Quy Nhơn; ThS. Phan Bảo Châu – Chủ nhiệm bộ môn Hoạt hình Kỹ thuật số (Đại học FPT TP.HCM); cùng với sự dẫn dắt của chị Phạm Tuyết Hạnh Hà – Trưởng ban Công tác học đường Tổ chức giáo dục FPT.
Sự góp mặt của những vị khách mời làm cho không khí buổi chia sẻ trở nên gần gũi và thân thương
Xúc động, hoài niệm, bồi hồi,… là những cảm xúc đan xen ngay từ khi bắt đầu cuộc nói chuyện bởi những kỷ niệm thời “áo trắng tinh khôi” tinh nghịch nhưng không kém phần sâu sắc ủa về với các vị khách mời.
“Những dịp 20/11 là một trong những dịp đẹp nhất trong năm của mình”, PGS.TS. Chu Cẩm Thơ chia sẻ. Cô cũng cho biết thêm, mỗi khi tới dịp “Tết ngành” mọi thứ xung quanh như vui tươi, nô nức rộn ràng, “ở đâu cũng nghe thấy tiếng hát” biến trường học trở thành ngôi nhà thứ hai gắn bó muôn vàn kỷ niệm đẹp, được sống là chính mình, sống với nghề, sống với đam mê.
Câu chuyện cảm động về những giọt nước mắt hạnh phúc của người cô giáo cũ khi nhận được lời chúc từ học trò của thầy Vũ Hồng Quân, hay câu chuyện về chiếc bánh kem bất ngờ ngày Nhà giáo mà các bạn sinh viên bí mật chuẩn bị của ThS. Phan Bảo Châu như những mảnh ghép không thể quên trong suốt sự nghiệp giáo dục trồng người của mỗi người lái đò.
PGS.TS. Chu Cẩm Thơ và những kỉ niệm thời cắp sách đến trường
Mỗi câu chuyện là một thước phim với những chất riêng khác biệt trong cảm xúc. Tuy nhiên luôn có một điểm chung giữa những thước phim đó chính là tâm trạng vui sướng, hạnh phúc khi chia sẻ của “những người lái đò thầm lặng” thể hiện tình yêu thương học sinh vô điều kiện và xây dựng nên một trường học hạnh phúc. Đó cũng chính là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong chương trình.
“Làm thế nào để bản thân chúng ta hạnh phúc hơn?”, các diễn giả cũng chia sẻ, để xây dựng trường học hạnh phúc cần có những thay đổi về cách nhìn nhận đối với nghề, những ý kiến đa chiều và góc nhìn từ nhiều phía để cải thiện phương pháp dạy học thật thoải mái, để học theo đúng nghĩa học chứ không phải là chạy đua theo vấn đề điểm số, bằng cấp, thứ thực sự quan trọng là kỹ năng và kiến thức.
Tiếp nối những ý kiến về việc xây dựng trường học hạnh phúc, chị Hạnh Hà cho biết, chỉ những cử chỉ, lời nói, ứng xử nhỏ cũng có những tác động rất lớn, những cảm xúc, niềm tin mang đến cho học trò. “Luôn luôn tôn trọng, luôn luôn lắng nghe những ý kiến của học sinh và xây dựng một niềm tin vững chắc làm nền móng của môi trường hạnh phúc”.
Xây dựng trường học hạnh phúc với 3 chủ đề
Ngoài gây dựng niềm tin thì cảm giác an toàn cũng rất quan trọng, “khi đến trường các bạn cảm giác được an toàn, được thầy cô bảo vệ không chỉ về mặt vật lý mà còn về sức khoẻ tinh thần, tất cả những yếu tố đó vô hình chung tạo điều kiện cho thầy cô gần gũi và trao đổi nhiều hơn với học sinh, từng bước hình thành mối tương quan giữa thầy cô và học trò”, thầy Vũ Hồng Quân chia sẻ. Chính những điều đơn giản nhưng ấm áp đó là động lực cho tình yêu gắn bó với nghề “điều đầu tiên đó là chúng ta cảm thấy trân trọng bản thân và công việc của mình. Bản thân mình phải cảm thấy hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn và cuộc sống, mở lòng và lan toả đến với đồng nghiệp đến với học sinh thì sẽ hạnh phúc” thầy Quân nhận định.
Thầy Vũ Hồng Quân – Giám đốc điều hành THPT FPT Quy Nhơn
Trả lời câu hỏi của một bạn khán giả “Không chỉ những niềm vui mà có những khó khăn, nỗi buồn gì mà thầy cô muốn chia sẻ trong quá trình giảng dạy không?” Ths.Phan Bảo Châu cho biết, một trong những điều khó khăn nhất là sự nghiêm khắc và đôi lúc hơi khắt khe với học sinh sinh viên sẽ trở thành một khoảng cách vô hình cho việc tiếp xúc và gần gũi với sinh viên. “Em cũng hay nhận được feedback là bản thân em quá khó khăn, hay khó chịu vì sinh viên không làm tốt cái này cái kia, thì em nghĩ sinh viên có lẽ cũng không happy với mình đâu ha” Cô Châu trải lòng.
Ngoài những giờ học khô khan ở trên lớp, Ths.Phan Bảo Châu thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoại khoá, những buổi thực hành để tiết học không nhàm chán, dễ tiếp thu kiến thức củng cố kỹ năng chuyên môn. Bên cạnh đó còn là cơ hội để các bạn sinh viên được trau dồi những kỹ năng mềm cần thiết, “điều quan trọng nhất là mình được nhìn thấy sự thay đổi của các bạn sinh viên, hy vọng là sau này các em có nhiều trải nghiệm hơn thì các em sẽ làm việc được tốt hơn”.
Ths.Phan Bảo Châu và những tâm sự về khó khăn trong việc nghiêm khắc với sinh viên
Mặc dù phải trải qua rất nhiều khó khăn và vất vả trong sự nghiệp giáo dục nhưng những “nhà giáo áo cam” của hệ thống giáo dục FPT Edu nói riêng và tất cả những người thầy cô giáo nói chung luôn tìm thấy những ngon lửa đam mê. Nhiệt huyết này được truyền từ chính những người đồng nghiệp hay từ chính học sinh, sinh viên của mình phát triển từng ngày để thêm thiết tha gắn bó với nghề, luôn trong tim cảm xúc tự hào khi là một nhà giáo.
Chương trình kết thúc với nhiều điều tiếc nuối và nhiều câu hỏi không đủ thời gian để trả lời nhưng buổi nói chuyện đã mở ra cho khán giả rất nhiều góc nhìn đa dạng về nghề giáo. Điều thành công thực sự không phải là vật chất mà là sự giàu có về tình thương và đong đầy kỷ niệm. Điều thành công và hạnh phúc nhất của thầy cô là sự thành công trong tương lai của học trò.
Gửi tới các thầy cô là những người lái đò thầm lặng lời chúc sức khoẻ và luôn luôn giữ trong tim ngọn lửa đam mê nhiệt huyết với nghề, đóng góp công lao vào sự nghiệp trồng người, trồng lên tương lai rạng ngời của đất nước.