Thầy Trần Đình Thành: Điểm khác biệt của sinh viên ĐH FPT là tính táo bạo

Thầy Trần Đình Thành – phụ trách quản lý bộ môn kinh tế bao gồm Marketing, Kinh doanh quốc tế và Quản trị khách sạn – luôn nổi tiếng với sự hết lòng, đổi mới trong giảng dạy và tận tâm với sinh viên. Sau mười năm công tác, đây có lẽ là lần đầu tiên thầy ngồi lại, chia sẻ một phần hành trình vừa qua của thầy tại Trường Đại học FPT.

Có thể nói, thầy Thành đã sát cánh với Trường Đại học FPT ngay từ những ngày đầu. Khi được hỏi về lý do thầy làm việc tại trường lâu như vậy, thầy nhẹ nhàng đáp rằng do cả hai “có cái duyên” với nhau. Quả thật, vừa tốt nghiệp ở nước ngoài, thầy nhận được cuộc gọi mời về giảng dạy từ phòng nhân sự, để rồi ngay khi trở về nước, bên cạnh những dự án kinh doanh riêng, thầy bắt tay làm việc cho trường, từng bước từng bước mà chạm tới cột mốc “mười năm” đồng hành giữa thầy và Đại học FPT.

  

Ngoài “cái duyên”, các bạn sinh viên chính là yếu tố khiến thầy yêu thích công việc giảng dạy tại trường. Thầy chia sẻ: “Ngay từ những khóa đầu tiên, thầy đã nhận thấy các em rất giỏi. Mỗi lần thầy đặt ra một dự án, bài tập,… các em đều chủ động, tích cực đón nhận. Thêm nữa, ở Đại học FPT, các em sinh viên có điểm khác biệt so với các bạn cùng lứa trường khác: đó là tính táo bạo, thậm chí “khùng khùng điên điên”. Chính điều này sẽ ươm mầm cho sự sáng tạo, khác biệt – một yếu tố cần thiết khi làm marketing, vốn chú trọng đến tạo dấu ấn riêng, không giống với bất cứ ai trước đây.”

Thầy Thành cũng cảm nhận được sự độc đáo đó ở các đồng nghiệp của mình: “Ngoài sự gần gũi, hỗ trợ, thẳng thắn trong công việc, thầy thấy các thầy cô cũng khá khác biệt. Tuy nhiên, sự khác biệt ấy vẫn nằm trong tổ chức, hài hòa với mối quan hệ chung. Nhờ vậy mà mỗi ngày làm việc ở trường, thầy luôn có điều gì đó mới mẻ chờ đợi mình.”

Đánh giá chung về sinh viên Đại học FPT, thầy Thành không phân biệt sinh viên “giỏi” và “dở” mà chỉ nhấn mạnh đến thái độ của các bạn: “Mỗi em đều có một đặc điểm, tính cách, sự thể hiện khác nhau. Ở trường ta, nhờ kỹ năng mềm được chú trọng, các em cũng học hỏi và áp dụng kỹ năng rất tốt. Vậy nên, thầy tin rằng với điều kiện phù hợp, các em sẽ phát huy đúng năng lực của mình. Thầy chỉ lo rằng các em có thái độ tiêu cực với việc học, việc làm và cả trong cách ứng xử hằng ngày như sự bị động, chai lì,… Năng lực thì có thể phát triển, nâng cao nhưng thái độ thì rất khó để chấn chỉnh.”   

Từng là một du học sinh tại Cộng hòa Séc, thầy Thành nhận ra nền giáo dục giữa nước ta và nước ngoài không quá khác biệt. Tuy nhiên, sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên Đại học FPT nói riêng lại cần phải học hỏi từ sinh viên nước bạn, đặc biệt là ở thái độ chủ động, tự lập và giải quyết vấn đề. Sở dĩ có điểm khác biệt này, thầy Thành cho rằng nền giáo dục nước ngoài đã định hướng họ từ sớm, họ học là do họ tự quyết định, thế nên họ chủ động cả trong việc hỏi han thầy cô, nghiên cứu một dự án mới,… Còn tại Việt Nam, ngay từ trong gia đình, các bạn nhận được sự quan tâm, lo lắng, chịu ảnh hưởng của người thân quá nhiều, dẫn đến bị động, thiếu tự lập. “May mắn rằng đa phần các thầy cô tại đại học FPT đều từng là du học sinh, cũng hiểu được góc độ của sinh viên Việt Nam, thế nên các thầy cô cũng hỗ trợ được các em thay đổi phần nào.” – Thầy Thành chia sẻ.

Những ngày gần đây, khi mùa tuyển sinh cận kề, các bạn có ý muốn theo học tại trường Đại học FPT đang hoang mang trước nhiều luồng thông tin nhiễu loạn về trường. Với cương vị là giảng viên, thầy Thành có vài lời nhắn nhủ gửi đến các bạn còn phân vân: “Thầy biết, mỗi quyết định đều ảnh hưởng đến tương lai thế nên cần phải cân nhắc thật kỹ. Tuy nhiên, thầy mong các em nhớ rằng môi trường, tổ chức nào cũng sẽ có điểm được và chưa được. Thêm vào đó, chất lượng của giáo dục không chỉ phụ thuộc vào nhà trường mà còn cả sinh viên nữa, hai bên phải có sự hợp tác. Cuối cùng, thầy có một câu nói chân thành gửi đến các em: There is no wrong decision. Just wrong commitment – Không có quyết định sai. Chỉ có ý chí theo đuổi mục tiêu ấy có “sai”, có đủ mạnh mẽ hay không.”

Earl Grey – Cóc Sài Gòn