Thi THPT 27 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng, chưa phải là chấm hết trước cánh cửa đại học!

Thi đại học 27 điểm, bạn trượt cả 3 nguyện vọng?
Học sinh giỏi xuất sắc 12 năm, lên đại học vẫn học lại thường xuyên?
Có vấp ngã nào khiến bạn cảm thấy bản thân thật tệ?
Có thể câu chuyện Vạn dặm FPTU của cô giáo Thảo dưới đây là dành cho bạn.

Từng là một học sinh “điểm 10” tại trường THPT, từng giành được học bổng 140% tại ĐH FPT… nhưng cũng ngay sau đó nữ sinh “tỏa ra hào quang” này phải trải qua chuỗi ngày “ê chề” vì học lớp tiếng Anh dự bị tệ nhất, “trái tim đau đớn” vì trượt võ 1, sẵn sàng “quỳ xuống mà khóc lóc van xin” để được chép bài bạn hay các kỳ thi FE đều phải thi 2 lần….

Nếu bạn vẫn đang loay hoay lựa chọn giữa việc nằm lại trong thất bại hay đứng dậy để bứt phá, đừng bỏ qua câu chuyện tìm lại hào quang của giảng viên Bùi Thị Hạnh Thảo, cựu sinh viên khóa 9 – ĐH FPT Hà Nội.


Hồi trước khi vào trường F, tôi từng kinh qua nhiều vị trí lớn nhỏ trong trường lớp lắm, từ lớp trưởng, liên đội trưởng, sau này vào Đoàn, lại là học sinh chuyên của tỉnh, học sinh giỏi xuất sắc dẫn đầu toàn trường ba năm liền. Vào trường F nhập học, tôi ẵm ngay học bổng Nguyễn Văn Đạo 140%, nghĩa là thời đấy nếu diễn giải bằng góc mặt vênh 180 độ so với mặt đất, thì trường đại học FPT trả tiền hàng tháng cho tôi học ở đấy!
Tôi nghĩ khóa 9 năm ấy, tôi mà số hai thì không ai số một. Tới nỗi thi thoảng tôi còn thấy có ánh hào quang tỏa ra từ người mình cơ mà. Tôi còn tưởng tượng 4 năm của tôi sẽ tươi sáng với bảng điểm xuất sắc như nào.

Thế mà hồi thi phân loại tiếng Anh xong, tôi ê chề thấy tên mình trong danh sách Top Notch 1 – lớp tiếng Anh dự bị tệ nhất, kém nhất… Tôi tự an ủi mình rằng, đằng nào cũng không mất tiền, thôi học lại kiến thức cho chắc, ai lại đi phúc khảo bài thi bao giờ.

[…] Có một chuyện cứ làm trái tim tôi đau đớn mãi khi nghĩ về: tôi thi lại võ một – cấp độ dễ nhất. Loại xoàng nhất cũng phải qua ngon ơ, thế chẳng lẽ tôi xoàng thật? Tôi thấy đời mình từ nay thảm khốc thật rồi, võ một mà đã thi lại thì làm sao để qua được 6 cấp độ võ? […] Chỉ biết, bằng một cách kì diệu nào đấy, sau hai lần thi mỗi cấp độ võ, một lần thi đi, một lần thi lại, tôi đều xuýt xoát đủ điểm qua…

[…] 3 năm học chuyên ngành của tôi chẳng êm đềm diệu vợi như tôi nghĩ, tôi thấy mình trầy trật với cơ số các môn học […] và tất thảy kì thi FE (final exam) đều dài ra bất tận, vì lần nào tôi cũng phải thi hai lần! Tôi phải thú nhận rằng có một lần, tôi phải chép bài bạn mới qua, sau này thầy giám thị đấy vẫn nhớ tôi, chỉ cười trừ, vì nếu không cho tôi chép bài bạn, tôi sẽ… quỳ xuống mà khóc lóc van xin mất.

Tôi lại phải kể đến cả môn ACC, hay còn gọi là Kế toán, môn này học xong muốn ủng cả não, làm một hồi rồi thấy bảng số liệu vẫn… không cân!

Nhưng tôi nói hai môn này còn xoàng lắm, làm sao bằng hai môn Máy tính khoa học và môn Toán cao cấp được. Tới nỗi sau này gặp lại thầy dạy máy tính khoa học, tôi phải thảng thốt kêu lên: “Ôi thầy vẫn dạy cái môn khó hiểu đấy ạ???”. Còn thầy dạy Toán của tôi vẫn kể chuyện bằng giọng kể chậm rãi: “Hồi ấy lớp có một buổi học bù vào thứ 7, sinh viên khác nghỉ gần hết, bạn vẫn nhắn tin cho tôi báo cáo: thưa thầy, mặc dù em không hiểu gì cả nhưng em sẽ vẫn lên lớp đầy đủ ạ!”. Sau này tôi nghĩ, tôi qua môn, chắc là vì thái độ học tập tốt!…

[…] Chẳng phải tôi vẫn đi qua tất thảy mọi môn học yếu kém của mình bằng sự nỗ lực không ngừng và thái độ cầu tiến để rồi vẫn ra trường đúng hạn hay sao?

Quả thực cuộc đời này có rất nhiều thứ chúng ta không thể đoán định trước. Nhưng biết được bản thân mình thích gì, ghét gì, mạnh ở đâu, yếu chỗ nào, thì lại rất quan trọng. Hoặc ít nhất, nếu chưa tìm ra được điểm mạnh của bản thân, thì cũng nên biết được những điểm yếu để làm phương pháp loại trừ.

Ví thử như tôi, sau khi làm tất thảy các phương pháp loại trừ và tính toán mọi phần trăm sai số, tôi đã cho ra được kết quả, môn tôi học ít tệ nhất chính là môn Marketing!”

Bài chia sẻ của giảng viên Bùi Thị Hạnh Thảo, Cựu Sinh viên ĐH FPT Hà Nội
Trích: Cuộc thi Vạn Dặm FPTU