Bộ sưu tập nguyên tố hóa học từ sách giáo khoa bước ra đời thật của nam sinh viên sinh năm 2003 nhận được hơn 7.600 lượt like từ cư dân mạng khắp nơi nhờ sự độc đáo.
Nguyễn Văn Nam (sinh viên ngành an toàn thông tin, Trường đại học FPT Hà Nội) và “kho báu hóa học nhỏ xinh” của mình đã nhận được bão like trên mạng xã hội. Thú vui này của Nam bắt đầu sau khi bạn hoàn thành kỳ thi THPT, nhằm khẳng định niềm đam mê của bản thân dành cho hóa học, bị “hớp hồn” trước vẻ đẹp của các hợp chất và phản ứng.
Nguyễn Văn Nam và bộ sưu tập nguyên tố hóa học đáng nể
“Tôi không theo đội tuyển hóa ở trường. Thời trung học tôi là học sinh chuyên Anh, lên đại học thì chọn công nghệ thông tin. Hóa chỉ là đam mê riêng của mình thôi, vì làm thí nghiệm cực vui và “gây nghiện”. Sau khi tìm hiểu trong sách vở, tôi xem thêm các video thí nghiệm nước ngoài, thấy đẹp mắt quá. Từ đó, tôi ghiền hóa luôn, đến nỗi mua hóa chất, dụng cụ thí nghiệm về nhà làm thêm”, Nam kể với Tuổi Trẻ Online.
Bảng tuần hoàn hóa học của Nam tốn 6 tháng để hoàn thiện. Phần lớn bạn mua từ Trung Quốc – cường quốc về kim loại và nguyên tố đất hiếm và Mỹ. Ngoài ra, Nam còn điều chế brom, iot, natri và tìm các nguyên tố có sẵn như đồng, sắt, than. Việc này giúp bạn tiết kiệm kha khá chi phí để xây dựng bảng tuần hoàn.
Đây là một việc yêu cầu tính chuyên môn cao, vì người sưu tầm cần biết cách bảo quản an toàn và xử lý khi có tình huống xấu xảy ra như rơi vỡ. Ngoài ra, điều kiện tài chính cũng là một rào cản khi sưu tầm. Nam đã sử dụng tiền thưởng, học bổng để thỏa mãn ước mơ của mình.
Trong bảng tuần hoàn, nguyên tố khó tìm nhất là tali, một kim loại được mệnh danh là “chất độc của chất độc”. Việc mua và bảo quản chất này là một thách thức lớn.
Nam đã đặt mua kim loại này từ Mỹ. 0,1g được bảo quản trong ống thủy tinh hàn kín có bơm khí trơ. Ngay sau khi mang về, Nam đã lập tức đóng khuôn epoxy cho mẫu nguyên tố này, đảm bảo an toàn khi trưng bày. Nhờ có lớp nhựa bao bọc bảo vệ, khi thả mẫu trưng bày xuống đất, ống chứa kim loại cũng chẳng hề hấn gì.
Một số nguyên tố trong bộ sưu tập
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là lên hải quan quốc tế để nhận đơn hàng cuối cùng lấp đầy bảng tuần hoàn của mình. Do có trục trặc về nhận dạng hàng hóa, hải quan đã giữ hàng lại và yêu cầu tôi lên xác minh. Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, tôi đi đến hải quan với tâm trạng lo lắng. Rất may là thủ tục giấy tờ thông qua thành công, tôi rất vui. Vui nhất là khi mở thùng hàng, tôi thấy tất cả đều nguyên vẹn”, Nam nói.
Hiện tại, Nam đã sưu tầm đủ những nguyên tố nằm trong khả năng có thể. Trong 118 nguyên tố hóa học, chỉ có khoảng 80 nguyên tố có thể sưu tầm được. Các nguyên tố còn lại có tính phóng xạ rất cao. Những nguyên tố không thể sưu tầm, Nam đã đặt ảnh những nhà bác học tượng trưng cho tên gọi của nguyên tố đó. Ví dụ nguyên tố 107 – Bohrium bắt nguồn từ tên nhà khoa học Niels Bohr – chủ nhân giải Nobel vật lý năm 1922.
“Hóa học là niềm đam mê riêng, chứ chưa phải là định hướng cho nghề nghiệp tương lai. Hóa học giúp tôi giải thích được rất nhiều hiện tượng trong đời sống, cũng như dạy mình sử dụng vật liệu an toàn, hiệu quả. Thỉnh thoảng, tôi vẫn về Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc thân yêu để trò chuyện và hướng dẫn các em học sinh thực hành thí nghiệm hóa”, Nam kể.
Bên cạnh đó, Nam còn tham gia hội thích sưu tầm bảng nguyên tố hóa học be bé, đa số các thành viên là người nước ngoài. Nam mong muốn tại Việt Nam sẽ có nhiều người yêu thích và tìm hiểu phong trào mới lạ này trong tương lai.
Theo Tuổi trẻ