Với chất liệu hiện thực “nóng hổi” cùng ngôn ngữ nghệ thuật chạm tới cảm xúc người xem, phim hoạt hình của nhóm sinh viên ĐH FPT gửi gắm thông điệp nhân văn từ góc nhìn của gen Z về vấn nạn bạo lực gia đình đang “cực nóng” hiện nay.
“Behind the door” là bộ phim hoạt hình của nhóm hai sinh viên Nguyễn Thị Tú Quỳnh và Nguyễn Bích Hường (ĐH FPT). Phim kể câu chuyện “phía sau cánh cửa” của một gia đình đã từng rất vui vẻ, hạnh phúc, nhưng giờ lại là nơi đòn roi, bạo lực của người cha thường xuyên say xỉn trút lên con gái mình.
“Ý tưởng bộ phim được chúng mình lấy từ thực tế, khi thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành gia đình, mà nạn nhân đa phần là trẻ em, khiến dư luận bức xúc”, Nguyễn Thị Tú Quỳnh và Nguyễn Bích Hường chia sẻ.
Làm phim về đề tài bạo lực gia đình, Tú Quỳnh và Bích Hường thể hiện cách nhìn nhận vấn đề thực tế nhưng nhân văn thông qua việc xây dựng hình tượng nhân vật nữ chính là một bạn trẻ dám đứng lên đấu tranh cho bản thân thay vì chịu đựng hành vi bạo lực kéo dài. Chính sự dũng cảm này đã giúp nhân vật thoát khỏi bi kịch “phía sau cánh cửa” bấy lâu nay, đồng thời mở ra cơ hội để người cha nhận ra hành vi sai trái của mình, kịp thời quay đầu trước khi quá muộn.
Đây cũng là thông điệp mà các SV ĐH FPT muốn gửi gắm tới người xem: “Phụ nữ, trẻ em hãy tự tin lên tiếng bảo vệ mình trước vấn nạn bạo lực gia đình, đừng im lặng, lo lắng hay ngại ngần bởi bạn không hề đơn độc”, hai nữ sinh bộc bạch.
Làm phim về vấn đề thực tế trong đời sống, lấy bối cảnh gia đình Việt Nam hiện đại, nhóm đã nghiên cứu rất kỹ càng để có được những tạo hình nhân vật sinh động, sát với thực tế. Ngoài ra, vấn đề chuyển động của nhân vật, cảnh phim, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng đẩy kịch tính cho câu chuyện và tạo cảm xúc nơi người xem cũng là điều mà Quỳnh và Hường quan tâm.
Hai nữ sinh viên ĐH FPT còn quyết định sử dụng hệ thống nodes shading vào các thước phim 3D, thay vì các hệ thống chiếu sáng thông dụng. Đây là quyết định khiến độ khó của bộ phim “tăng level” nhưng hứa hẹn mang lại hiệu quả thị giác ấn tượng khi trình chiếu sản phẩm.
“Nodes shading là một hệ thống cho phép tự chỉnh màu highlight, ánh sáng trung gian và shadow, giúp vật thể trong phim trở nên sinh động, nổi bật với những hình khối cụ thể hơn. Mặc dù đây không phải là một kỹ thuật mới nhưng để ứng dụng được lại rất khó khăn, vì không nhiều tư liệu có sẵn để chúng mình tham khảo. Thay vào đó, nhóm đã phải chia nhau tìm hiểu từ rất nhiều nguồn, hỏi kinh nghiệm từ những người giỏi chuyên môn để có thể vận dụng nodes shading một cách tốt nhất có thể. Nhờ đó mà thành quả có được là một bộ phim với visual 2D nhưng chuyển động lại mượt mà như 3D”, Tú Quỳnh hào hứng cho biết.
Toàn bộ quá trình từ lên ý tưởng, thực hiện và hoàn thiện phim hoạt hình này được nhóm thực hiện trong khoảng 4 tháng. “Bộ phim được “thai nghén” và “chào đời” trong thời gian học online do ảnh hưởng của Covid-19, nên 2 thành viên nhóm mình chỉ có thể teamwork trực tuyến, có những ngày làm việc thâu đêm tới sáng. Bộ phim được hoàn thiện, thông điệp được truyền tải và chạm đến cảm xúc người xem thì những khó khăn, mệt mỏi đó không là gì. Chúng mình mong có thể góp tiếng nói nhỏ, gióng lên một hồi chuông lớn cảnh báo về nạn bạo lực gia đình và những hệ luỵ của nó đối với người trẻ”, Quỳnh chia sẻ.
“Behind the door” là một trong số nhiều đồ án tốt nghiệp ấn tượng, tập trung khai thác những chủ đề được nhiều sự quan tâm của công chúng và biến ý tưởng thành những thước phim hoạt hình đầy tính nghệ thuật của sinh viên ĐH FPT. Với hình thức thể hiện thú vị cùng thông điệp nhân văn, những sản phẩm này không chỉ mang lại nhiều cảm xúc cho người xem mà còn là minh chứng cho sự sáng tạo, tư duy nghệ thuật độc đáo dựa trên những trải nghiệm phong phú về đời sống của sinh viên trường F.
Theo Kenh14