“Trên thế giới đang có 800 khu công nghệ cao, còn ta đang ở đâu? Chúng ta cần đặt mục tiêu rõ hơn, như có thể đạt được mục tiêu Khu CNC Hoà Lạc trở thành thung lũng Silicon của Việt Nam hay không. Hôm nay, khi đi thăm Làng phần mềm FPT, tôi cũng nhìn thấy dáng dấp của sự phát triển đó”, Thủ tướng đánh giá trong chuyến thăm và làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc ngày 16/2.
Được thành lập từ năm 1998, Khu CNC Hoà Lạc được kỳ vọng trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là nơi tập trung, liên kết các hoạt động đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển cũng như cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Tuy nhiên, đã bước sang năm thứ 20 và dần có hình hài của một khu CNC, Hoà Lạc vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và còn tồn tại nhiều bất cập như giải phóng mặt bằng chậm trễ, số lượng dự án CNC còn ít, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức.
Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT, cho biết hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sinh hoạt vẫn chưa đảm bảo đủ quy chuẩn, như bệnh viện, trường học, nhà ở… chưa ổn định. Tập đoàn phải tự xây dựng đường điện, nước khi bắt đầu tham gia Khu CNC Hoà Lạc năm 2012. Với 150 lượt xe buýt từ Hà Nội lên Hoà Lạc để phục vụ cho Làng phần mềm, FPT đã tốn gần 30 tỷ đồng mỗi năm chỉ cho việc chuyên chở cán bộ đi làm.
FPT được đánh giá là nhà đầu tư lớn nhất và hiệu quả nhất với hai dự án Làng Phần mềm FPT và Đại học FPT. Trong đó, Làng Phần mềm là dự án đầu tiên và lớn nhất thuộc lĩnh vực phần mềm được triển khai tại Khu CNC này với 5.000 lập trình viên, cán bộ nhân viên, còn Đại học FPT hiện có 4.000 sinh viên, giáo viên học tập và làm việc (trong tổng số gần 20.000 sinh viên trường đã và đang đào tạo).
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cán bộ lãnh đạo và quản lý của Khu CNC phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, ngoài việc đầu tư hạ tầng chuẩn mực, cần sàng lọc, lựa chọn, thu hút doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có hàm lượng tri thức lớn, làm sao mỗi sản phẩm đi ra từ Khu CNC Hòa Lạc là những sản phẩm chất lượng cao, đạt được sự thừa nhận của người sử dụng ở các nước tiên tiến, để các doanh nghiệp cảm thấy tự hào được đặt nhà máy, dự án ở Khu CNC. Ngoài vườn ươm nhân tài, Khu CNC Hòa Lạc cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế để các nhà khoa học Việt Nam đem trí tuệ, ý tưởng khoa học, giải pháp kỹ thuật đến để thử nghiệm sản xuất. Có chính sách thỏa đáng, có cơ sở vật chất, có phòng thí nghiệm, có môi trường nghiên cứu thông thoáng, từ đó mới có những sản phẩm trí tuệ của người Việt.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thành phố Hà Nội cùng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc phải giải phóng mặt bằng xong “trong năm 2017, không để kéo dài sang tuổi thứ 21”. Thành phố Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ, “coi như nhà mình có việc” để giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng. Thủ tướng lưu ý thành phố mở tuyến xe buýt đến khu CNC, tạo điều kiện cho công nhân đi làm, không để doanh nghiệp phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho xe buýt vận chuyển người lao động như thông tin của Tập đoàn FPT.
“Sáu tháng một lần, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng xuống đây nghe lại một lần, chứ không phải nói một lần là xong”, Thủ tướng nêu rõ.
“Nếu chúng ta muốn tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – cuộc cách mạng chủ yếu dựa vào nền tảng CNTT – mà không sử dụng căn bản các loại thuế thì chúng ta vẫn cứ bình bình. Thực sự đã có Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này rồi nhưng bây giờ cần các bộ vào cuộc”, Phó Thủ tương nêu.Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chia sẻ những trăn trở của ông về câu chuyện thuế cho ngành CNTT. Phó Thủ tướng cho rằng cần có môi trường hấp dẫn đồng thời có những chính sách ưu đãi và thực sự đúng để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như đạt được mục tiêu năm 2020 Việt Nam có một triệu lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT và công nghệ cao.
Theo ông Bùi Quang Ngọc, hiện nguồn nhân lực trong ngành CNTT và viễn thông rất nhiều nhưng sức cạnh tranh ở Việt Nam thấp do ảnh hưởng bởi các loại thuế, đồng thời nhận định chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT là cần thiết.
Theo Vnexpress