Tiến sĩ toán học trẻ gặp mặt Thủ tướng

Coi nghiên cứu toán học như là việc hít thở hàng ngày, tiến sĩ Dũng cho ra đời nhiều công trình ứng dụng có giá trị, được công bố trên một số tạp chí khoa học uy tín quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên Toán của Đại học FPT trở thành nhà toán học trẻ nhất trong số 67 gương mặt trẻ ưu tú sẽ gặp mặt Thủ tướng vào ngày 11/9. Anh là giảng viên đại học từ năm 24 tuổi, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 29 tuổi.

Bên cạnh việc giảng dạy tại trường, niềm đam mê bộ môn Xác suất – Thống kê đã giúp thầy Dũng cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu toán ứng dụng có giá trị, được công bố trên một số tạp chí khoa học uy tín quốc tế. Từ năm 2008 đến nay, anh có 19 bài báo lớn trên các tạp chí thuộc nhóm ISI.

TS. Nguyễn Tiến Dũng trong thời gian học tập tại Đại học công nghệ Nanyang, Singapore. Ảnh: NVCC.

TS. Nguyễn Tiến Dũng trong thời gian học tập tại Đại học công nghệ Nanyang, Singapore. Ảnh: NVCC.

“Đối với người làm nghiên cứu, niềm vui lớn nhất là khi công trình của mình được công bố và nhận được sự đánh giá cao từ những nhà khoa học đầu ngành trên thế giới. Mỗi công trình, mỗi bài báo đều là tâm huyết nhiều tháng, thậm chí cả năm chờ đợi xét duyệt để bài được lên”, chàng tiến sĩ sinh năm 1983 chia sẻ.

Thông thường, mỗi bài báo sẽ tốn thời gian dài tìm ý tưởng và hoàn thiện sẽ mất khoảng từ 3 đến 6 tháng. Sau khi gửi bài đến một tạp chí nào đó sẽ mất thêm khoảng 6 tháng nữa mới có phản biện, sửa lại theo nhận xét của phản biện (nếu họ yêu cầu) rồi gửi lại cho tạp chí để họ xem xét lại lần nữa. Như vậy trung bình mỗi bài báo sẽ mất khoảng 6 tháng đến một năm thì mới đến tay độc giả.

Thầy giáo nhớ nhất là bài báo đầu tiên “Fractional geometric mean-reversion processes” về lĩnh vực xác suất và thống kê đăng trên tạp chíJournal of Mathematical Analysis and Applications đầu tháng 4/2011. Bài báo khích lệ anh rất nhiều, tự tin đã đạt đến được một “chuẩn chung” để bước tiếp con đường nghiên cứu.

Các bài báo của anh thường liên quan đến một mô hình nào đó trong vật lý hoặc tài chính. Các kết quả toán học giúp hiểu sâu hơn về những mô hình, cung cấp cơ sở lý thuyết cho những nhà vật lý hoặc kinh tế sử dụng trong công việc của họ.

8 năm giảng dạy tại FPT – môi trường với những nét văn hóa khác biệt – tạo cho anh điều kiện để tự do phát triển và làm việc độc lập. Sau khi các bài báo đầu tiên được công bố, tiến sĩ Dũng là một trong những giảng viên được trường hỗ trợ 100 triệu đồng cho 3 bài báo được đăng thuộc nhóm ISI Journal Standard List và ISI Journal Expanded List. Chính sách hỗ trợ phát triển dành cho người trẻ là sự khích lệ lớn để nhà toán học tiếp tục phấn đấu.

Chia sẻ về dự định sắp tới, thầy Dũng cười nói: “Cuộc đời tôi chỉ có hai việc chính, đó là nghiên cứu và giảng dạy. Chẳng có gì là biến cố hay những thay đổi bất ngờ, nhưng đó là đam mê, giống như một thói quen, giống như việc hít thở hàng ngày vậy. Sắp tới, tôi tiếp tục đi dạy, cùng các nhà khoa học quốc tế thực hiện các công trình nghiên cứu toán học tiếp theo”.

Anh kỳ vọng trong cuộc gặp mặt ngày mai sẽ được nghe Thủ tướng và các lãnh đạo đề cập đến chính sách cụ thể dành cho nhà khoa học trẻ chứ không phải là những phát biểu chung chung.

Theo Vnexpress

Ngày 11/9, Thủ tướng gặp mặt gần 70 nhà khoa học trẻ có thành tích nổi bật trong các lĩnh vực khoa học, có giải thưởng về khoa học công nghệ, hoặc có sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ và trên 10 bài báo đăng trên tạp chí uy tín quốc tế.