Tinh thần khởi nghiệp không chỉ cần cho người đã thành công, cần hơn cho người mới bắt đầu và trong mọi công việc.
- Khởi nghiệp ngay trên giảng đường
- CLB Kinh Doanh ĐH FPT khởi nghiệp bằng dự án HoLa Bus
- 19 tuổi khởi nghiệp với số vốn 1 triệu đồng, cựu sinh viên Đại học FPT thu về lợi nhuận khủng
“Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” là câu nói mà hầu như doanh nhân lớn nào cũng từng nói đến. Điển hình như Henry Ford, Steve Jobs, Matsushita… và gần đây nhất là Phạm Nhật Vượng. Tất cả họ đều có tài sản tỷ đô và sự nghiệp kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn tới quốc gia hoặc quốc tế.
Vậy thế nào là tinh thần khởi nghiệp? Nói chung, luôn tìm tòi cái mới, hướng đi mới, không thoả mãn với thành công, luôn sáng tạo, luôn học hỏi, luôn đam mê như khi mới bắt đầu, không từ bỏ khi thất bại… Đấy là những người đã thành danh.
Với người mới bắt đầu thì sao? Cứ tưởng mới bắt đầu thì có tinh thần khởi nghiệp, không hẳn thế. Có thể ta vừa bắt đầu, có thể ta còn rất trẻ, có thể ta chưa thành công… mà vẫn có thể thiếu hoặc đã không còn tinh thần khởi nghiệp.
Bởi vì ta không đủ đam mê, không dám làm cái mới, không sẵn sàng học hỏi, không thể đối diện với khó khăn, không mạnh dạn đi trên những con đường không bằng phẳng.
Làm thế nào để giữ tinh thần khởi nghiệp? Thực ra, tôi cũng không biết. Nhưng có thể có vài biểu hiện của việc đó. Ví dụ, luôn bắt đầu một công việc như thể bạn mới làm lần đầu, cả khi bạn vừa làm tốt việc tương tự trong tuần trước.
Tại sao vậy? Thứ nhất, tuần trước có thể bạn may mắn còn tuần này thì không. Ai từng bán hàng chắc hiểu rõ. Thứ hai, việc có thể tốt với bạn nhưng chưa tốt theo chuẩn chung hoặc có nhiều người làm tốt hơn. Thứ ba, tuần trước là tốt nhưng yêu cầu đã thay đổi, phải tốt hơn mới đạt yêu cầu!
Tóm lại, việc giữ tinh thần khởi nghiệp không chỉ cần cho người đã thành công, cần hơn cho người mới bắt đầu và trong mọi công việc, không chỉ mở công ty.
Theo Chungta