Dù học tiếng Nhật và mơ có ngày sang xứ Mặt trời mọc làm việc, nhưng với sinh viên Đại học FPT, đường sang Nhật đôi khi vẫn là nẻo xa vạn dặm. Nhà tuyển dụng thì xa, yêu cầu thì cao, cơ hội thì ít là những trở lực không nhỏ. Nên gần 100 cơ hội việc làm ở Nhật cùng việc hỏi đáp trực tuyến với Kosaido – một công ty tuyển dụng Nhật Bản chiều 28/5 được không ít sinh viên tận dụng triệt để.
Sinh viên ĐH FPT và SV Nhật Bản trong sự kiện Ngày hội Văn hóa Nhật Bản tại ĐH FPT.
Lần đầu “đối mặt” với giao lưu hỏi đáp trực tuyến, lại yêu cầu hỏi đáp bằng tiếng Anh và tiếng Nhật, dù không ít SV FPT “máu” tham gia, đa số đều có vẻ rụt rè cố hữu và tần ngần dù có biết bao điều muốn hỏi.
“Thôi, để tao tra Google”.
“Ừ, có ông anh khoá trước đang onsite ở Nhật, hỏi cái là ra ngay. Cần gì giao lưu trực tuyến.
Nhưng nói chung, thi thoảng mới có “bữa trưa miễn phí” cho SV Đại học FPT. Mà hàng “made in Japan” thì biết rồi đấy, thường là không có sẵn. Chưa kể đến hàng loạt thuận tiện khác mà nếu không bắt lấy cơ hội ngay, SV FU sẽ chắt lưỡi tiếc rẻ sau đó. Vì:
Không phải điều gì cũng có trên Google
Nhất là với những công ty Nhật Bản vốn nổi tiếng kín kẽ, yêu cầu cao và có tính quy trình một cách tuyệt đối. Đôi khi việc hiểu được “Vì sao họ được tuyển, vì sao tôi không?” hay “Những luật bất thành văn người Nhật nào cũng hiểu là gì?” v.v… là điều mà nếu không có trải nghiệm văn hoá dày dạn thì khó mà thẩm thấu và tránh va vấp ban đầu.
Chưa kể, mỗi công ty mỗi văn hoá, và mỗi tỉnh, mỗi vùng miền trên xứ Phù tang rộng lớn lại có những phương thức tuyển dụng biến đổi khác nhau; ngay chính người Nhật Bản nếu không thông thuộc văn hoá bản địa của địa phương mình ứng tuyển đôi khi cũng thấy lúng túng và bỡ ngỡ.
Dĩ nhiên, việc gì cũng có lần đầu, và nếu có người giúp giải đáp cũng như hướng dẫn cụ thể thì giấc mơ Nhật Bản sẽ sáng tỏ và nằm trong tầm với hơn nhiều.
Sinh viên Đại học FPT trong chương trình “Giao lưu thanh thiếu niên Châu Á – Thái Bình Dương thế kỷ 21 tại Nhật Bản.
Hỏi đáp trực tuyến, hoàn toàn miễn phí
“Nhược điểm” lớn nhất của buổi Giao lưu trực tuyến với công ty tuyển dụng Nhật vào chiều 28/5 tới chính là yêu cầu SV hỏi đáp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Cơn e ngại hoặc xấu hổ đầy bất chợt của SV FU dấy lên, khiến không ít “đồng chí” cáo lui trước cơ hội lớn này.
Dù sao, nếu đã ôm ước mơ xuất ngoại, đặc biệt là sang Nhật Bản làm việc thì ngôn ngữ là rào cản nhất định phải vượt qua.
Cứ tưởng tượng cơ hội nghìn năm có một, một nhà tuyển dụng “xịn” ngồi đó trong vòng mấy tiếng đồng hồ, kiên nhẫn lắng nghe, giải đáp, hướng dẫn, thậm chí sẵn sàng nhận hồ sơ của bạn luôn, chẳng lẽ không đáng một lần gạt cơn “thẹn thùng bất chợt” sang một bên.
Hay là, cứ máu lên đi nhỉ?! Chuẩn bị trước câu hỏi và gửi đi thôi.
Sinh viên Đại học FPT trong buổi phỏng vấn tuyển dụng công ty LZT (Nhật Bản)
Thuận lợi đường sang Nhật làm việc
Dĩ nhiên, có đi cũng cần có lại. Công ty tuyển dụng Nhật Bản “cống hiến” cho SV FU thời gian một buổi chiều, đổi lại họ trông đợi “khai quật” được những sinh viên tiềm năng, những CV đủ “ngon” để có thể “bốc” thẳng sang Nhật làm việc ngay khi tốt nghiệp đại học.
Nghe thì cao xa, nhưng FU đã có không ít SV FU được tuyển dụng sang thẳng Tokyo làm việc khi còn chưa có thông báo tổ chức Lễ tốt nghiệp đại học. Nguyễn Hoàng Phú, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Hương Giang và Ngô Quang Khánh của tập đoàn SBI Holdings là điển hình cho sự “sớm sủa” này. Còn các kỹ sư cầu nối của FU như Trần Đức Trí Quang, Nguyễn Hồng Giang hay Bùi Công Sơn đang ở Nhật là những ví dụ về việc “hươu được vẽ đúng đường” để chạy.
Đôi khi, câu chuyện về năng lực là một phần, câu chuyện về “trợ lực” lại đóng vai trò không hề nhỏ trong việc đặt chân vào một thị trường có tính bản địa lớn như Nhật Bản.
Nếu muốn có ngày ngồi dưới gốc sakura ngước mắt lên ngắm cánh đào phai bay bay đầy lãng mạn, hay tự mình chinh phục đỉnh Fuji, thì hãy hỏi xem đường sang Nhật của mình là gì, còn điều gì mình chưa biết, và soạn ra thành câu hỏi rồi gửi (bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật) vào đây: