Học môn này, sinh viên Trường ĐH FPT được tiếp cận với kiến thức xây dựng mô hình khởi nghiệp thực tế. Hơn nữa, nếu có dự án tốt, sinh viên còn được Trường đầu tư vốn để phát triển hoạt động kinh doanh.
Gặp “shark”, học từ thực tế
“Môn Trải nghiệm khởi nghiệp đưa những kiến thức chung về sáng tạo và quy trình khởi nghiệp vào học phần đầu tiên cho sinh viên ở học kỳ 7. Ở học kỳ tiếp theo, sinh viên sẽ thực hiện xây dựng sản phẩm, lên kế hoạch thu hút khách hàng, lấy ý kiến phản hồi của những người dùng đầu tiên để điều chỉnh, cải thiện và đưa sản phẩm ra thị trường”, Ths. Phạm Thị Mai Anh, Giảng viên Bộ môn Quản trị doanh nghiệp, Trường ĐH FPT Hà Nội, cho biết.
Cũng theo cô Mai Anh, để truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất cho sinh viên, giảng viên môn này đều phải là những người có kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp, am hiểu về các mô hình kinh doanh và nghiên cứu thị trường. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được học hỏi kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp qua các video bài giảng từ Y Combinator – vườn ươm startup hàng đầu thế giới. Ngoài ra, các “shark” – những nhà khởi nghiệp thành công, nhà đầu tư cũng được mời đến các buổi hội thảo nằm trong hoạt động môn học.
Học theo nhóm liên ngành, có cố vấn riêng
Sinh viên Trường ĐH FPT học Trải nghiệm khởi nghiệp theo các nhóm từ 4 – 6 thành viên, thuộc ít nhất 2 ngành khác nhau. Mỗi nhóm sẽ tận dụng được kiến thức và kỹ năng chuyên ngành của các thành viên. Đồng thời, thành viên cũng trau dồi được khả năng làm việc nhóm, phát triển dự án trên nhiều góc độ: kinh doanh, ứng dụng công nghệ, truyền thông…
Trong suốt quá trình học tập, mỗi nhóm sẽ có một cố vấn riêng (mentor). Đây đều là các nhà khởi nghiệp, lãnh đạo tại các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, nhà ươm tạo start-up, chia sẻ kiến thức, hỗ trợ sinh viên có đường hướng phát triển mô hình kinh doanh một cách rõ ràng, thuận lợi hơn.
“Từ kiến thức được học, vận dụng kỹ năng chuyên ngành của mình, cùng với sự hỗ trợ, dẫn dắt của giảng viên và mentor, mỗi nhóm sẽ chủ động thực hiện các bước từ xác định ý tưởng khởi nghiệp đến xây dựng bản pitch-deck hoàn chỉnh”, giảng viên Mai Anh cho biết.
Tự tạo việc làm, được trường “rót vốn”
Một trong những mục tiêu của Trường ĐH FPT khi đưa Trải nghiệm khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy chính thức cho 100% sinh viên các ngành đó là chuẩn bị cho người học tâm thế chủ động, sẵn sàng thích ứng trước môi trường làm việc đầy biến động trong tương lai.
Theo đại diện nhà trường, khi AI được dự đoán có thể thay thế con người, một số ngành nghề có thể “biến mất” bởi sự phát triển của công nghệ, sinh viên Trường ĐH FPT có thể sẽ không cần “xin việc”. Các bạn có khả năng sáng tạo mô hình kinh doanh có thể tạo ra việc làm và thu nhập cho bản thân và các nhân sự khác.
“Những dự án có ý tưởng tốt, mô hình kinh doanh khả thi, đội ngũ thành viên có năng lực, quyết tâm, có tiềm năng phát triển, đáp ứng tốt các tiêu chí theo quy định… có thể được Trường ĐH FPT hỗ trợ kinh phí lên tới 50 triệu đồng/ nhóm để trải nghiệm việc hiện thực hoá dự án”, cô Mai Anh cho biết.
Thực tế, một kỳ đều có các dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường ĐH FPT được trường “rót vốn” qua hình thức cấp học bổng khởi nghiệp. Gần nhất, 10 học bổng, mỗi suất trị giá 50 triệu đồng đã được cấp cho 10 dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường ĐH FPT. Trong đó một số dự án có tính thực tế cao, hướng đến phát triển kinh tế bền vững như màng bọc thực phẩm từ sáp ong hay các dự án công nghệ như: Ứng dụng hướng dẫn sử dụng xe ô tô thông minh, Giải pháp quản trị hàng tồn kho cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Theo Vietnamnet