Trải nghiệm tại DELCO Farm và những trăn trở trong cuộc cách mạng 4.0

Chiều 20/3, các sinh viên Đại học FPT đã có chuyến tham quan đặc biệt đến Delco Falm, Bắc Ninh. Những sinh viên ngành CNTT của trường đã có những trải nghiệm đặc biệt. Dưới đây là cảm nhận của bạn Nguyễn Thị Mỹ Duyên, sinh viên khoá 11, Đại học FPT.

Sau 2 tiếng di chuyển, những bước chân đầu đến Delco Farm – nơi bao bọc bởi ruộng lúa ở Bắc Ninh – khiến chúng tôi thấy thiếu đi sự liên quan đối với ngành học CNTT đang theo đuổi. Nhưng những điều trải qua sau đó và những trăn trở của chính người lãnh đạo DELCO đã làm thay đổi lối suy nghĩ của chúng tôi rất nhiều.

Nơi chúng tôi đến là một khu nông nghiệp rộng gần 1000 ha có một bầu không khí trong lành. Khu đất đấy được chia thành các trang trại gia cầm và trang trại thủy canh. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2016, hiện nay DELCO đã có những sản phẩm chính là trứng gà, dưa lưới, rau sạch,… Trong đó trang trại thủy canh DELCO được sử dụng những vật liệu thi công hệ thống thủy canh chất lượng nhất bao gồm máng thủy canh nhập khẩu Thái Lan, hệ thống nhà màng công nghệ Isarel. Tất cả đều là những  hệ  thống công nghệ tân tiến nhất và đảm bảo nhất để góp phần tạo nên một DELCO với câu slogan “Your trust is out target” với mong muốn có thể mang nông sản sạch đến mọi nơi.

Những sinh viên CNTT như chúng tôi vô cùng bất ngờ trước trải nghiệm đặc biệt về một môi trường nông nghiệp sạch.

Nông sản sạch cũng chính là điều mà DELCO luôn đặt lên trên hàng đầu. Điều đó được họ thực hiện một cách nghiêm ngặt bằng cách sử dụng hệ thống tự động hóa kiểm soát một cách chính xác tất cả mọi yếu tố ảnh hưởng đến nông sản mà đối với trang trại gà là nguồn thức ăn, nguồn nước…

Có một điều mà chúng tôi được học từ anh Lê Khánh Mạnh – Tổng giám đốc DELCO về những quả trứng gà chính là bài học chọn trứng. Anh chia sẻ với chúng tôi rằng: “Tại đây, nước dành cho gà còn sạch hơn dành cho con người. Bởi ta không thể sử dụng nước máy cho gà với lí do trong nước máy có những chất khử, Clo… sẽ khiến tổn hại đến đường ruột của gia cầm”. Nhưng có một nghịch lí xảy ra là ở Việt Nam, bà con thường thích ăn trứng gà ta hơn. Trong khi đấy, ở những nước tiên tiến, họ chỉ ăn thực phẩm được kiểm soát “bởi chỉ những thực phẩm được kiểm soát mới mang lại sự an toàn cho sức khỏe”. Trứng gà ta không đảm bảo được điều đó, “nếu như gà được nuôi ở vùng quặng sắt, khi ăn trứng ta vẫn cảm thấy ngon nhưng không hề biết trong đấy có chứa những chất gì”.

Bên cạnh đó, tự động hóa là một điểm tạo nên sự khác biệt của riêng DELCO trong thời đại 4.0 này. Ở trong một trang trại 6 ha với nhiều khu nuôi trồng nông sản, lẽ ra phải cần rất nhiều nhân công để vận hành, thu hoạch. Nhưng chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi được biết có khoảng 9 người làm công việc tại nơi đây. Điều lý thú là gần như tất cả các khâu xử lí, thu hoạch, điều khiển,… đều được tự động hóa. Ngoài ra một số mô hình được ứng dụng IoT giúp cho tất cả hạ tầng cơ sở đều được kết nối bằng Internet mà nhờ đó, công việc của nông trại có thể được xử lí bằng những nút nhấn đơn giản. Tất cả đã tạo nên một mô hình trang trại thông minh và hiệu suất cao.

Tuy nhiên điều mà chúng tôi ngưỡng mộ nhất, chính là quan điểm về sự chăm sóc bên cạnh việc tự động hóa của anh Mạnh. Anh cho rằng, tự động hóa giúp thay thế sức người một cách hiệu quả nhất nhưng máy móc không được sử dụng trong việc chăm sóc nông sản bởi vì máy móc không thể chăm sóc mà đấy là công việc cần sự tỉ mỉ và tình yêu của người làm nông sản.

Những trăn trở của người đứng đầu DELCO khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về chính bản thân mình.

Một tâm nguyện khác của anh chính là việc có thể chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân Việt Nam để bà con có thể trồng được các nông sản sạch cả ở trên đất cát. “Điều quan trọng nhất chính là sự tâm huyết và mong muốn giúp đỡ bà con nông dân của DELCO”. Chính điều này cũng khiến DELCO kì vọng có thể tìm kiếm được một nhóm gồm có những con người trẻ tuổi, có hiểu biết về công nghệ và Marketing.

Qua chuyến đi tham quan lần này, chúng tôi nhận thức sâu sắc về sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng Công nghệ – cuộc cách mạng 4.0. DELCO đã ứng dụng tối đa tự động hóa của máy móc vào mô hình sản xuất nông nghiệp. Nhưng tuyệt vời nhất có lẽ là những trăn trở được chia sẻ trực tiếp và mong muốn “cho đi” của người đứng đầu DELCO trong thời đại này.

Theo FE