Lời khuyên này được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn kỹ năng học đường lần 3 năm học 2019-2020 với chủ đề “Tinh thần khởi nghiệp trong kỷ nguyên số” diễn ra mới đây tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10). Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường Đại học FPT tổ chức.
Tại chương trình, TS. Bùi Quang Tín (phụ trách Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho biết hiện nay nhiều học sinh và phụ huynh vẫn quan niệm rằng, khởi nghiệp thì gắn gì, liên quan gì đến học sinh. Bởi đâu phải học sinh nào học ra cũng để… khởi nghiệp. “Hiểu như vậy là không đúng. Khái niệm khởi nghiệp rất rộng. Để xác định một nghề cũng là khởi nghiệp, thành lập một công ty, dự án cũng là khởi nghiệp. Khởi nghiệp không hẳn là những điều phải thật sự hoành tráng mà là những điều gắn trực tiếp với bản thân học sinh, gắn liền với thực tiễn”, TS. Tín nói.
Với học sinh bậc THPT, TS. Tín cho rằng học về khởi nghiệp là để hiểu về khởi nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp, tinh thần của khởi nghiệp nhằm tìm được một ngành nghề phù hợp. “Để khởi nghiệp luôn phải bắt đầu từ 3 yếu tố: Ý tưởng, kiến thức và thái độ. Khởi nghiệp không cứ phải là kinh doanh mà quan trọng là kiến thức, hiểu rõ ngành nghề. Ngay cả chọn nghề giáo thì các em cũng phải có kiến thức, hiểu bản thân xem có phù hợp để theo nghề hay không thì mới có thể thành công. Học khởi nghiệp ở bậc THPT chỉ đơn giản là hiểu về bản thân để “mơ” những giấc mơ phù hợp nhất. Do đó, ngay từ ghế nhà trường phổ thông, khi các em đã có sự chuẩn bị tốt về kiến thức, thái độ sớm thì sẽ chọn được những ngành nghề phù hợp”, TS. Tín nêu rõ.
Từ ngày 2 đến 7-12, chương trình tư vấn kỹ năng học đường lần 3 năm học 2019-2020 với chủ đề “Tinh thần khởi nghiệp trong kỷ nguyên số” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường ĐH FPT tổ chức diễn ra tại 10 trường THPT trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (chương trình có sự phối hợp của Sở GD-ĐT tỉnh này). Mục tiêu của chương trình nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, từ đó có định hướng đúng đắn trong lựa chọn ngành nghề. |
Cũng theo TS. Tín, kiến thức trên ghế nhà trường không phải là mơ hồ mà chính là sự đúc kết từ thực tiễn. Học tốt kiến thức từ ghế nhà trường chính là một trong những bước để các em chuẩn bị hành trang thật tốt nhằm giảm thiểu những thất bại. Còn kiến thức ngoài nhà trường, để học được các em phải có sự đánh đổi, trả giá.
Khẳng định vai trò của kỹ năng khởi nghiệp đối với học sinh THPT, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) cho hay, hiện tại có rất nhiều học sinh đang khởi nghiệp ngay từ ghế nhà trường bằng việc bán hàng online. Việc nhà trường trang bị cho học sinh tư duy, kỹ năng khởi nghiệp không phải là để “cổ vũ” các em bán hàng online, nghỉ học để thành lập dự án mà chính là để khơi lên trong các em những ý tưởng, sự tự tin, hoài bão, dám mơ ước. “Đó là học đi đôi với hành, học gắn liền với kiến thức thực tế, thổi cho học sinh tinh thần khởi nghiệp qua từng bài học thực tế, nuôi dưỡng ước mơ cho học sinh qua môn học, qua hoạt động STEM, nghiên cứu khoa học. Song song đó, nhà trường hỗ trợ hướng đi, định hướng ngành nghề cho học sinh, giúp các em biết tương tác với xã hội qua các hoạt động của nhà trường”, thầy Phú nhấn mạnh.
Theo báo Giáo dục TP.HCM