Không ít người sẽ bất ngờ khi nghe những âm thanh réo rắt, náo nhiệt của các loại nhạc cụ, và còn bất ngờ hơn nữa khi chứng kiến các sinh viên CNTT hay Kinh tế của trường ĐH FPT chơi đàn, hát dân ca.
Từ năm 2014, môn học nhạc cụ truyền thống bắt đầu được đưa vào chương trình giảng dạy dành cho sinh viên ĐH FPT.
Các sinh viên sẽ được tự chọn một trong sáu loại nhạc cụ bao gồm đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, sáo hoặc đàn tì bà để theo học như một môn bắt buộc.
Với thời lượng khoảng 30 buổi, mỗi buổi dài một tiếng rưỡi, sinh viên sẽ được hướng dẫn để để có thể chơi được một số bài nhạc truyền thống cơ bản.
Theo các giảng viên bộ môn Nhạc cụ dân tộc, sau một tuần làm quen với nhạc cụ, sinh viên có thể chơi được những bài đơn giản như “Inh lả ơi”, “Vào rừng hoa”. Sau ba tháng học tập nghiêm túc, sinh viên có thể chơi thuần thục các bài nhạc với độ phức tạp cao hơn.
Được biết, ĐH FPT là một trong những trường đại học tiên phong trong công tác này. Đây được coi là một trong những hành động thiết thực để truyền thụ tinh hoa văn hóa Việt tới sinh viên thông qua kho tàng dân ca Việt Nam.
Chia sẻ về việc lựa chọn đưa môn nhạc cụ dân tộc vào chương trình đào tạo dành cho toàn bộ sinh viên và đa phần là các sinh viên CNTT hay Kinh tế – Tài chính, TS. Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng ĐH FPT chia sẻ: “Chúng ta đang nói nhiều đến Toàn cầu hoá. Các bạn trẻ nói chung và sinh viên của ĐH FPT nói riêng đang hàng ngày học những kiến thức mới nhất về Quản trị doanh nghiệp, về Marketing, về Cloud, về Big Data… Các em sẽ bước ra sân chơi lớn, nói với khách hàng bằng tiếng Anh, tiếng Nhật…
Chúng tôi chỉ có một kỳ vọng nhỏ bé dù đi đến đâu các em cũng vẫn giữ trong tâm hồn mình một tiếng đàn bầu, đàn tranh…
Để các em luôn tự hào là người Việt Nam và nói với bạn bè quốc tế về niềm tự hào đó bằng tiếng Nhật, tiếng Anh… và còn tuyệt vời hơn nếu nói bằng ngôn ngữ của Âm nhạc”.
Sau bốn năm phát triển môn học này, trường đã đón nhận nhiều thành quả từ lợi ích của việc học nhạc cụ dân tộc. Nhiều sinh viên ĐH FPT đặc biệt bị thu hút bởi âm điệu da diết, nhẹ nhàng của các nhạc cụ dân tộc.
Các sinh viên ngành CNTT và Kinh tế tưởng chừng không có khả năng với môn học liên quan đến năng khiếu, lại rất yêu thích nhạc cụ và chơi thạo nhiều loại đàn dân gian. Thậm chí, một số sinh viên còn có thể hát ca trù và đủ tài năng để đứng trên sân khấu biểu diễn.
Với tình yêu dành cho môn học Nhạc cụ truyền thống, đông đảo các sinh viên đã thành lập câu lạc bộ để chia sẻ và nhân rộng đam mê tới nhiều bạn trẻ.
Tính đến nay, các sinh viên trong câu lạc bộ đã thực hiện được nhiều sản phẩm âm nhạc độc đáo, khoe khéo tài nghệ đánh đàn và giọng ca truyền cảm qua các làn điệu dân ca.
Những bài học về môn nhạc cụ truyền thống không chỉ giúp sinh viên hiểu về một trong những loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đây là cơ hội đáng quý để những người trẻ sống trong thời đại hội nhập được tiếp cận với vốn kiến thức quý báu về lịch sử dân tộc và đặc trưng của các làn điệu dân ca cổ truyền.
Bồi dưỡng tình yêu cho lớp trẻ chính là biện pháp hiệu quả nhất để bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống. Chương trình có thể giúp mỗi sinh viên thành những người biết thụ hưởng những giá trị đúng của âm nhạc, từ đó nhân rộng tình yêu với âm nhạc truyền thống của đất nước.
Theo VTC