TSUNAMI và phần mềm học tiếng Nhật bằng “đôi tai”

Người ta vẫn thường nói rằng, muốn học giỏi ngoại ngữ thì phải có môi trường, thời gian, phải đi đây đi đó. Muốn có khả năng Nhật ngữ tốt bạn phải gặp người Nhật, chém tiếng Nhật, còn ở nhà thì chỉ có học gạo, học vẹt, sẽ chẳng bao giờ khá lên được. Nhưng với sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ và internet như hiện nay quan điểm đó của bạn liệu còn có đúng? Nhận thấy sự phổ biến ngày càng sâu rộng cũng như sự thông dụng của smartphone, việc học tiếng Nhật đang ngày càng tiến hóa. Không chỉ giới hạn trong cách học truyền thống thầy đọc trò chép, học trong sách vở, học qua bài hát, giờ đây chúng ta có thể học tiếng Nhật nhiều hơn ngay tại nhà qua các ứng dụng (app), phần mềm học tiếng Nhật cho smartphone.

Xuất phát từ chính những nhìn nhận thực tế đó, nhóm TSUNAMI đã tham gia cuộc thi Coding Inspiration của Đại học FPTvới sản phẩm là một app học tiếng Nhật giúp người dùng học tiếng Nhật một cách hứng thú và hiệu quả hơn. Điều trùng hợp là các thành viên trong nhóm đều đến từ dải đất cát ven biển miền Trung đầy nắng và gió (Quảng Nam – Đà Nẵng) Nguyễn Hữu Thanh Cảnh (K9), Trần Viết Vương (K9), Đặng Công Hiệp (K10) và Hoàng Hữu Vũ (K10). Thêm một điều trùng hợp nữa là cả 4 thành viên trong team đều vô tình được các thầy bên phòng đời sống sinh viên chuyển vào chung một phòng D214 trong ký túc xá, 2 thành viên Cảnh và Hiệp là học sinh của trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) và đều có “số má” trong ngôi trường quy tụ nhân tài FPTU này. Chính những sự trung hợp ngẫu nhiên ấy mà anh em trở nên thân thiết, luôn học hỏi lẫn nhau và cuối cùng là đưa nhau đến với cuộc thi.

Các thành viên nhóm TSUNAMI

Nói về việc bén duyên với cuộc thi này, TSUNAMI chia sẻ: “Ban đầu, hai bạn Cảnh và Vương có ý định cùng học Công nghệ mới (Ionic Framework). Chính vì thế hai bạn đã cùng nhau xây dựng một ứng dụng mobile giúp người dùng có thể học tiếng Nhật bằng giác quan mà quan trọng nhất trong việc học ngôn ngữ đó là ĐÔI TAI. Sau khi app đã hoàn thành được khoảng 70% khối lượng công việc thì hai bạn biết đến cuộc thi Coding Insparition và cả hai quyết định rủ anh em trong phòng cùng nhau tham gia bằng việc sử dụng phần mềm cả hai đang code dang dở cộng thêm việc mở rộng tính năng game để làm sản phẩm dự thi. Thông qua ứng dụng này, nhóm muốn giúp người dùng có thể học tiếng Nhật một cách nhanh chóng, hiệu quả bằng việc sử dụng thành thạo và triệt để công dụng đôi tai mình. Ngoài ra, app còn cho phép người dùng có thể chơi game để hiểu biết thêm về đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản như món ăn sushi truyền thống chẳng hạn.”

Để thực hiện và triển khai đề tài một cách hiệu quả, TSUNAMI chia thành 2 nhóm nhỏ. Một nhóm chuyên về bên phát triển sản phẩm (coding), nhóm còn lại chuyên về việc tìm kiếm và tạo DB cho sản phẩm. Tuy nhiên vì còn là những anh chàng sinh viên nên trong quá trình thực hiện dự án nhóm cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Do là ứng dụng mới phát triển nên kho dữ liệu học tập còn khá ít. Thêm vào đó là việc chơi game chỉ dừng lại ở mức người dùng có thể chơi offline trên chính ứng dụng điện thoại của mình mình.

Không chỉ gặp khó khăn trong vấn đề dữ liệu học tập, TSUNAMI còn gặp phải khó khăn trong vấn đề nhân lực. Trưởng nhóm TSUNAMI chia sẻ: “Trong quá trình tham gia cuộc thi và hoàn thiện sản phẩm thì nhóm cũng có một số khó khăn nhất định. Khó khăn nhất là việc những thành viên của nhóm không được làm việc, trao đổi trực tiếp với nhau mà tất cả đều phải làm việc online vì có thành viên Cảnh đang trong kì thực tập ở Singapore. Hơn nữa, trong giai đoạn đầu khi viết đơn tham gia cuộc thi, thật tiếc khi đơn bị loại và nhóm tưởng chừng sẽ không tham gia nữa. Nhưng may mắn đã mỉm cười với nhóm một lần nữa, khi khoảng gần 2 tuần sau, nhóm nhận được thông báo từ BTC là nhóm vẫn được tham gia cuộc thi nên nhóm trưởng phải kêu gọi anh em trở lại. Thêm một vấn đề là lúc đó mỗi người trong nhóm cũng có những plan nhất định trong công việc cũng như học tập của mình nên phải tốn một khoảng thời gian nhất định và thống nhất thì cả nhóm mới quyết định trở lại với chương trình.”

Không còn là ứng dụng học tiếng Nhật quá mới lạ trên thị trường tuy nhiên so với các ứng dụng đã có trước đây, sản phẩm của nhóm TSUNAMI có một tính năng nổi bật hơn. Đó là việc cho phép người dùng học offline. Người dùng có thể nghe tiếng Nhật ở mọi nơi mà không cần thiết phải có internet. Chỉ cần bạn sở hữu một chiếc smart phone chạy hệ điều hành android, sau khi cài đặt ứng dụng và tải một khóa học cần thiết về máy thì bạn có thể luyện nghe và chơi game về văn hóa Nhật bản ở bất cứ nơi đâu bạn muốn.

Trong tương lai, kế hoạch của nhóm là sẽ tiếp tục phát triển phần mềm nhiều hơn ở các khía cạnh như luyện nghe tiếng Nhật, mở rộng cách thức chơi game (có thể là chơi trực tuyến chẳng hạn). Nhóm cũng sẽ tiếp tục phát triển ứng dụng trên nhiều hệ điều hành mobile khác nhau chứ không dừng lại trên một hệ điều hành androi. Chia sẻ thêm về khả năng thương mại hóa của sản phẩm, một thành viên trong nhóm cho biết: “Mình nghĩ sản phẩm của tụi mình có khả năng thương mại hóa cao. Vì hầu hết những người học ngôn ngữ trước đây hay bây giờ cũng vậy, đặc biệt là học tiếng Nhật (một trong những ngôn ngữ khó nhất thế giới) thì kỹ năng nghe luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Bản thân mình – một sinh viên có chuyên ngành hẹp là JS nên mình cảm nhận và hiểu được rõ ràng nhất những khó khăn này của người học tiếng Nhật, đặc biệt là những sinh viên công nghệ không có nhiều thời gian để học tiếng Nhật như tụi mình.”

Trải qua một thời gian dài cùng nhau tham gia cuộc thi, những chàng sinh viên của nhóm TSUNAMI đã, đang và sẽ lập trình nên ước mơ của mình, viết lên những kế hoạch trong tương lai. Lựa chọn thử sức ở Coding Insparition, họ chấp nhận những khó khăn, thử thách của cuộc thi, chấp nhận những đêm dài không ngủ, cháy hết mình với đam mê. Cũng chính từ cuộc thi này mà TSUNAMI đã dần thay đổi mình, ngày càng trưởng thành hơn, có đủ bản lĩnh và quyết tâm dành được ngôi vị cao nhất trong của cuộc thi cũng như phát triển sản phẩm tiến xa hơn nữa trong tương lai.

PV