Xem “nghệ sĩ” hát bội trên sân khấu truyền thống cực “real” bằng công nghệ AR, Animation; đem hình ảnh đặc trưng của mặt nạ hát bội lên mạng xã hội thành tính năng mask filter, nhóm sinh viên FPT Edu đang cố gắng đưa nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với chính thế hệ của mình – gen Z.
Nhóm sinh viên Nguyễn Anh Huy, Trần Thị Huyền Trang, Hồ Tấn Nghĩa nhận thấy nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam đang dần mai một, trong đó có hát bội. Tìm hiểu tài liệu, nghe những nghệ nhân lão làng kể về hát bội và nỗi đau đáu khi không còn nhiều người trẻ muốn nối nghề, yêu nghề, nhóm sinh viên FPT ấp ủ ý định thực hiện dự án quảng bá, thay đổi nhận thức của người trẻ về nghệ thuật này.
Sẵn “skill” về graphic design, nhóm cùng nhau lên ý tưởng, thực hiện dự án mang tên “Vẽ về hát bội”. Tác phẩm là một bộ 8 poster với hình ảnh mô tả lại Tuồng cổ Sơn Hậu – một tuồng cổ nổi tiếng trong hát bội Việt Nam với các trích cảnh như: Khương Linh Tá đấu với Tạ Ôn Đình, Khương Linh Tá hóa thành ngọn đèn sau khi bị Tạ Ôn Đình chém đầu, Ba anh em họ Tạ. Poster được thiết kế để lắp ráp liên tiếp với nhau, có thể hoán đổi vị trí mà vẫn dựng được một cảnh tuồng hoàn chỉnh, tựa như các nghệ sĩ đang biểu diễn trên sân khấu.
Hát bội dần mai một bởi việc tìm lớp truyền nhân tiếp theo gặp nhiều khó khăn, học nghề đã khó mà theo nghề cũng không phải điều dễ dàng khi mà thị hiếu của người xem, nhất là giới trẻ đã thay đổi. Để bảo tồn hát bội cũng như thu hút sự quan tâm của công chúng trẻ, nhóm sinh viên FPT Edu đã kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với các ứng dụng công nghệ hiện đại.
“Các tính năng như Mask Filter, AR, Animation… được phát triển trên phần mềm Spark AR và hoạt động trên nền tảng Facebook và Instagram. Đây là những kênh giúp tiếp cận với giới trẻ dễ dàng hơn, ngay cả khi mọi người không quan tâm đến hát bội nhưng vì tò mò với những công nghệ hiện đại thì vẫn sẵn sàng dùng thử và trải nghiệm. Qua đó phần nào đã đưa được hát bội vào trong tâm trí mọi người. Đó là bước đầu tiên trong việc gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát bội”, trưởng nhóm Anh Huy chia sẻ.
“Hát bội từng phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh phía Nam nhưng những người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này như chúng mình lại chưa từng có cơ hội tìm hiểu hay trải nghiệm. Điều này đã thúc đẩy các thành viên bắt tay thực hiện dự án về hát bội, cũng là cách tự trao cho mình cơ hội để nghiên cứu về loại hình nghệ thuật độc đáo này”, Anh Huy cho biết.
Đại diện nhóm cho hay, việc được học bộ môn nhạc cụ dân tộc tại FPT Edu cũng góp phần truyền cảm hứng cho sinh viên nghiên cứu về văn hoá dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm cũng từng có trải nghiệm tiếp xúc với cải lương qua các sự kiện được FPT Edu tổ chức, từ đó dần hình thành mối quan tâm và động lực để các bạn nghiên cứu sâu hơn về nghệ thuật truyền thống dân tộc
“Nhóm dự định sẽ liên hệ với những gánh hát bội vẫn còn đang hoạt động, dùng bộ sản phẩm này để tuyên truyền cho các buổi diễn, thu hút được nhiều khách đến xem hơn. Ngoài ra, cả nhóm sẽ làm thêm poster cho các vở diễn khác với phương pháp tương tự. Việc kết hợp giữa nghệ thuật hát bội truyền thống với thiết kế hiện đại tích hợp công nghệ sẽ thu thút được nhiều sự quan tâm và chú ý hơn”, Anh Huy cho biết.
Ngày 23/4 vừa qua, dự án “Vẽ về hát bội” đã tham gia vòng chung kết FPT Edu Color Up 2022 – cuộc thi thiết kế đồ họa do FPT Edu tổ chức. Sau khi trình bày ý tưởng thiết kế, tính năng công nghệ tích hợp, sản phẩm này được Ban Giám khảo bảng thi Graphic Design FPT Edu Color Up 2022, trong đó có TS Nguyễn Thị Thu Hà (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) đánh giá cao về tính nghệ thuật trong thiết kế, nhân văn trong khai thác chủ đề và mới mẻ khi áp dụng công nghệ.
Được biết, tới đây, nhóm sinh viên FPT Edu có dự định phát triển thêm các bộ poster và hoàn thiện tính năng ứng dụng công nghệ trên những thiết kế này.