Năm 2020, nhiều trường công bố điểm chuẩn các ngành ở mức cao kỷ lục, nhiều ngành tiệm cận 30 điểm, cá biệt ngành Hàn Quốc học (ĐHKHXH&NV- ĐHQG Hà Nội) có điểm chuẩn tối đa 30/30.
Trong 2 ngày mùng 4 và 5/10, các trường ĐH trên cả nước đồng loạt công bố điểm chuẩn đại học năm 2020.
Đáng chú ý, mặt bằng điểm chuẩn các trường đều cao hơn so với năm 2019, nhiều trường điểm chuẩn tăng mạnh, tiệm cận với mức điểm tối đa 30/30 như ngành Luật của Đại học Kiểm sát Hà Nội xét tuyển khối C00 (Văn, Sử, Địa) có điểm chuẩn là 29,67 với nữ ở khu vực miền Bắc. Như vậy, nếu không có điểm cộng ưu tiên, thí sinh đạt mỗi môn 9 điểm vẫn chưa có “vé” vào trường.
Năm nay, tại ĐH Ngoại thương, điểm chuẩn nhóm ngành Kinh tế, kinh tế quốc tế cũng tăng lên 28 điểm, cao hơn 1,8 điểm so với năm ngoái. Các nhóm ngành như Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Luật, điểm chuẩn đều tăng lên gần 2 điểm.
Điểm chuẩn ĐH Thương Mại năm nay cũng dao động ở mức từ 24 đến trên 26 điểm, trong khi đó, năm 2019 ở mức từ 22-24 điểm. Hầu hết các ngành đều tăng, có ngành tăng đến gần 3 điểm.
ĐH Bách Khoa Hà Nội điểm chuẩn nhóm ngành Công nghệ thông tin cũng xấp xỉ chạm trần với 29,04 điểm, tăng hơn 2 điểm so với năm 2019.
Đặc biệt, ngành Hàn Quốc học – ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đạt kỷ lục với điểm chuẩn 30/30.
Như vậy, tính trung bình cả điểm cộng ưu tiên, thí sinh phải đạt mỗi môn 10 điểm mới trúng tuyển.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngành Đông phương học năm 2019 lấy 29,75 điểm khối C00. Năm 2020, ngành Hàn Quốc học được tách ra từ ngành Đông phương học, có điểm chuẩn 30/30 điểm. Số lượng chỉ tiêu vào ngành này không cao, chỉ với 50 em, trong đó đã có 30 chỉ tiêu tuyển thẳng, 20 chỉ tiêu còn lại dành cho xét dựa theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, mức điểm được đẩy lên cao “kỷ lục”.
Điểm cao là điều dễ hiểu?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho rằng, việc điểm chuẩn tăng cao đã được dự đoán từ trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đề thi đã được lược bớt, giảm nhẹ về độ khó, phù hợp với điều kiện dạy và học trong thời kỳ dịch bệnh và mục đích xét tốt nghiệp.
“Điều này hoàn toàn hợp lý, khi đề dễ hơn, điểm thi cao hơn thì điểm chuẩn phải cao hơn”, GS Tú nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng cho biết, điểm chuẩn đại học các năm biến động theo nguyên tắc “nước lên thì thuyền lên”. Đề thi tốt nghiệp THPT 2020 được nhận định nhẹ nhàng hơn năm 2019, do đó, điểm thi sẽ cao hơn, dẫn đến điểm chuẩn tăng theo.
“Với tình hình tuyển sinh như năm nay, ngay cả các em 27 điểm cũng phải đặt từ 10 nguyện vọng trở lên mới có thể chắc đỗ. Việc không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh. Nhưng cũng có những em chủ quan, đăng ký ít nguyện vọng nên vẫn trượt dù điểm cao”, thầy Dũng cho biết.
Ts Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT cho rằng, điểm chuẩn đại học năm nay tăng vọt so với những năm trước xuất phát từ nguyên nhân dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đề thi giảm về độ khó. Bên cạnh đó, các trường được quyền tự chủ tuyển sinh, nên sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau dẫn đến giảm chỉ tiêu dành cho xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn đến điểm chuẩn bị đẩy lên cao hơn so với những năm trước.
“Trước khi công bố kết quả lọc ảo, nhiều trường đã tuyển được 1 số lượng lớn thí sinh bằng thi đánh giá năng lực, xét tuyển dựa vào học bạ… Điều này có nghĩa là chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT còn rất ít. Số chỉ tiêu ít sẽ đẩy điểm trúng tuyển lên cao hơn. Yếu tố thứ 2 do điểm thi cao, phổ điểm cao hơn khá nhiều so với năm trước”, TS Lê Trường Tùng nhận định.
Thầy Tùng cho biết, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT các môn năm nay cao hơn năm 2019 từ 1-2 điểm, phổ điểm trung bình các khối thi cũng đều cao hơn năm 2019 khoảng 20%. Như vậy, nếu tình hình giống như năm trước, điểm trúng tuyển về mặt nguyên tắc cũng sẽ cao hơn khoảng 20%. Điều này có nghĩa, những ngành năm 2019 có điểm chuẩn là 21, năm nay sẽ ở mức 24, 25 điểm, những ngành năm trước 24 điểm, năm nay sẽ tăng lên 27, 28 điểm. Những thí sinh năm nay thi đạt 26 điểm, cũng chỉ tương đương 21, 22 năm 2019.
TS Lê Trường Tùng cũng cho rằng, nhiều thí sinh năm nay vẫn chủ quan, tính lệch điểm chuẩn, do đó dẫn đến tình trạng trượt rất đáng tiếc.
“Sau khi có kết quả xét tuyển đợt 1, từ ngày 15/10, các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu sẽ tiếp tục tuyển bổ sung, thí sinh cần chú ý theo dõi, căn cứ vào ngành nghề yêu thích và nhu cầu tuyển của các trường để tiếp tục đăng ký xét tuyển đợt 2”, TS Lê Trường Tùng lưu ý.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ ngày 6/10, thí sinh trúng tuyển đợt một vào các trường đại học sẽ phải làm thủ tục xác nhận nhập học vào các trường đại học đã trúng tuyển. Thời gian xác nhận nhập học đến trước 17 giờ ngày 10/10, tính theo dấu bưu điện.
Việc xét tuyển đợt tiếp theo có thể được các trường thực hiện một lần hay nhiều lần căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau xét tuyển đợt 1 (kể cả số thí sinh được xét tuyển thẳng và số học sinh dự bị của trường; học sinh các trường dự bị đại học được giao về trường). Tuy nhiên, điểm nhận hồ sơ xét tuyển các đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1./.
(Theo VOV)