Tình trạng tốt nghiệp rồi thất nghiệp của hàng trăm nghìn cử nhân mỗi năm theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH dần biến tỉ lệ việc làm thành thước đo thực tế về chất lượng đào tạo của mỗi trường ĐH-CĐ. Những năm gầy đây, đây cũng trở thành căn cứ để phụ huynh và sinh viên chọn trường mỗi mùa thi.
Trường học mở ra để đào tạo, giáo dục, truyền đạt kĩ năng cũng như kinh nghiệm sống cho sinh viên. Tuy nhiên, trong số hàng trăm trường đại học, cao đẳng trên cả nước, số trường có tỉ lệ việc làm của sinh viên cao chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Phạm Thị Yến, cử nhân bằng Khá ngành Ngôn ngữ Anh của một trường ngoại ngữ, hiện đang sống bằng nghề gia sư. Đã tốt nghiệp 3 năm, kiến thức ngày càng mai một, việc thì vẫn không xin được, Yến băn khoăn giữa việc về quê hay cố bám trụ Hà Nội. “Bạn bè mình thất nghiệp nhiều lắm. Đứa khá hơn thì có công việc hợp đồng ngắn hạn. Nhiều đứa cất bằng cử nhân đi để đi học nghề rồi về quê làm. Có đứa thì bán hàng online. Nhiều lúc mình nghĩ, nếu học xong vẫn thất nghiệp, thì bây giờ phải làm gì mới có việc làm?”, Yến chia sẻ băn khoăn sau 3 năm vác bằng cử nhân đi xin việc nhưng đều không qua được vòng gửi xe hoặc bị loại sau tháng thử việc.
Sáng tỏ hơn câu chuyện tốt nghiệp và thất nghiệp, Nguyễn Xuân Tâm, kỹ sư Cơ điện lạnh kể: “Hồi học trong trường, mình học cũng chăm chỉ và luôn đứng top 10 của lớp. Cứ nghĩ là mình giỏi lắm. Đến khi cầm bằng giỏi đi làm ở một công ty nhỏ, mình mới phát hiện ra chỗ kiến thức non nửa thập kỉ mình mài đũng trên ghế nhà trường để học nay có thể… vứt đi. Thực tế quá khác so với thứ mình được dạy”. Xuân Tâm kể những tuần đầu tiên đi làm, cậu còn kém cả một anh công nhân đọc viết không sõi. Và thế là tháng ngày theo các anh thợ để học việc lại bắt đầu. “Học giỏi như mình còn shock khi ra trường, thì những bạn học làng nhàng bị thất nghiệp không có gì là lạ”. Tâm kể: “Hồi đầu đi làm vừa xấu hổ vừa ước ao: cái hồi đi thực tập giá mà trường cho bọn mình học với các anh công nhân, thì mình đã không chật vật đến thế.”
Với Tâm, trường học có trách nhiệm rất lớn trong việc khiến sinh viên bị tách biệt giữa kiến thức và đời thực.
“Không phải vô duyên vô cớ mà bọn trẻ thất nghiệp nhiều thế. Có lần nhờ đứa cháu tốt nghiệp tiếng Hàn phiên dịch cho một cô khách Hàn Quốc mua hàng, nó lắp bắp nửa ngày không hỏi được khách muốn gì. Mà cũng học 4 năm chứ có ít đâu.”, cô Ánh (quận 10, TP.HCM), chủ sạp hàng lưu niệm cho khách quốc tế kể.
Chị Nguyễn Thị Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) có 2 cậu con trai đều học 2 trường có tiếng về Kinh tế và Kỹ thuật. Cậu cả sau khi ra trường được chị vận dụng hết mối quan hệ để xin vào làm việc tại một công ty cổ phần. Được hơn 1 năm, công ty giảm biên chế, không chứng minh được năng lực nên cậu thành thất nghiệp. Cậu út thì khá hơn, tốt nghiệp xong gia đình chị Thu cũng tiếp tục chạy tiền xin việc cho con, và gần nửa năm qua cậu vẫn đang ở dạng chờ vào biên chế với mức lương “ba cọc ba đồng”.
Trong khi không ít cử nhân lo lắng về tình trạng thất nghiệp khi tốt nghiệp, Trần Minh Tuấn (Đại học FPT) bận rộn với việc đi thực tập tại doanh nghiệp từ năm 3, và ra trường thậm chí không có thời gian nghĩ về việc thất nghiệp vì có đến 3 công ty cùng mời cậu về làm. Tuấn kể: “Mình cũng không có gì xuất sắc hơn bạn bè. Nhưng 4 năm trước lúc chọn trường để thi đại học, mình xác định là sẽ cần chọn trường nào giúp mình có việc làm tốt sau khi ra trường. Thế là mình chọn ĐH FPT trong khi bạn bè chọn toàn các trường top lâu năm. Đến khi vào học thì mình nghĩ mình đã chọn đúng. Bốn năm ở ĐH FPT mình phải học rất nhiều, cả tiếng Anh cả tiếng Nhật, giáo trình thì toàn bằng tiếng Anh, rồi còn phải đi thực tập ở doanh nghiệp chứ không ngồi xơi nước chè hay rửa ấm pha trà. Doanh nghiệp còn hay đến tận trường để tuyển sinh FPT. Bạn mình đều có việc làm tốt, mình là dạng rất bình thường thôi”.
Chị Nguyễn Minh Toàn (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, chị chưa từng phải nghĩ đến chuyện xin việc cho con. Tốt nghiệp đại học cậu lớn được tuyển sang Nhật làm việc theo chương trình trường giới thiệu. Còn cậu con thứ hai cũng học cùng trường với anh đang hoàn thành nốt năm cuối nhưng rất bận rộn vì đã được kí hợp đồng chính thức với vị trí trưởng nhóm. Cả hai đứa con đều được chị cho học ĐH FPT. “Lúc cùng con chọn trường, chúng tôi thống nhất với nhau về tiêu chí chọn. Tiêu chí quan trọng nhất là tỉ lệ việc làm. Tiếp theo là yêu cầu về giảng dạy ngoại ngữ và dạy chuyên môn. Những tiêu chí chính này đều được ĐH FPT đáp ứng đầy đủ nên cả 2 cậu con trai tôi đều cho vào đây học, dù hai cháu đều đã đỗ các trường đại học top khác.”
Như vậy, khi tốt nghiệp ra trường có việc làm trở thành vấn đề bức thiết của xã hội 4.0, nơi nhiều việc làm của con người đã được công nghệ thay thế, thì việc chọn trường đại học buộc các bậc phụ huynh và thí sinh đẩy tầm nhìn của mình xa thêm 4-5 năm, để chắc chắn rằng con mình khi tốt nghiệp sẽ không đồng nghĩa với thất nghiệp.
Trong bối cảnh này, những trường đại học có tỉ lệ việc làm tốt và có uy tín với các doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, nay trở thành lựa chọn mới của các bậc cha mẹ, thí sinh.
Theo Dantri